Bài viết nằm trong chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt, hỗ trợ người dân Việt Nam giảm thiểu gánh nặng do đột quỵ, giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân chính gây tàn tật nghiêm trọng cho người lớn , tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23% . Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Nhưng những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm gần 15%.
Bên cạnh những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: tuổi tác, giới tính, di truyền, tiền sử đột quỵ… Một số yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra đột quỵ, như:
Lối sống: Lối sống không lành mạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có liên quan đến đột quỵ và các bệnh tim mạch khác (tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,…)
- Lười vận động: làm tăng nguy cơ đột quỵ , bao gồm béo phì, tăng huyết áp cao, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường.
- Béo phì: làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên 6 lần so với người bình thường.
- Uống quá nhiều rượu: có thể làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ, tăng cholesterol, xơ cứng động mạch.
- Hút thuốc lá: làm tăng nhanh quá trình xơ cứng và thu hẹp trong động mạch. Quá trình này bắt đầu sớm hơn và tăng khả năng hình thành cục máu đông lên cao gấp hai đến bốn lần.
Bệnh lý: Nhiều tình trạng bệnh lý có thể làm tăng khả năng bị đột quỵ, như:
- Huyết áp tăng cao thường xuyên không được kiểm soát là nguy cơ hàng đầu làm vỡ mạch và xuất huyết não.
- Các bệnh về tim mạch: Bệnh mạch vành làm tăng nguy cơ đột quỵ , vì mảng bám tích tụ trong động mạch và chặn dòng chảy của máu giàu oxy lên não . Các bệnh tim khác, như khuyết tật van tim, nhịp tim không đều (bao gồm cả rung tâm nhĩ) và các buồng tim mở rộng, có thể gây ra các cục máu đông, nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não.
- Rối loạn lipid (mỡ) máu: Cholesterol cao, lượng cholesterol thừa tích tụ trong các động mạch, bao gồm cả các động mạch của não có thể dẫn đến thu hẹp động mạch, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác.
- Đái tháo đường: Đường huyết tăng cao sẽ làm tổn thương mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, tăng tích tụ các mảng xơ vữa trong lòng mạch, gây tắc nghẽn, từ đó có thể gây đột quỵ.
Làm thế nào để kiểm soát hiệu quả nguy cơ đột quỵ?
Bạn hãy thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên kiểm tra định kỳ kiểm soát bệnh, duy trì sức khỏe ổn định để giảm nguy cơ đột quỵ:
- Kiểm soát và điều trị các bệnh lý có nguy cơ đột quỵ cao như tăng huyết áp, phát hiện sớm và điều trị bệnh tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, hẹp van động mạch chủ có triệu chứng.
- Khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng để tầm soát bệnh, sử dụng thuốc đúng theo toa của bác sĩ.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh – chất xơ và trái cây, uống nhiều nước, giảm lượng muối, tránh ăn chất béo bão hòa.
- Thay đổi lối sống: Cai thuốc lá, giảm rượu bia, giảm stress, giảm bớt áp lực công việc, tạo cuộc sống lành mạnh bên người thân ,
- Duy trì cân nặng phù hợp, tập thể dục đều đặn ngày 30-60 phút/ 5 ngày/ tuần.
Khi có bất cứ các dấu hiệu, triệu chứng nói trên, trong giờ vàng hãy ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp , giảm gánh nặng bệnh đột quỵ .
Truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe về đột quỵ nằm trong chương trình Chăm sóc sức khỏe Việt, cung cấp kiến thức giúp người dân phòng chống đột quỵ nói riêng và các bệnh không lây nhiễm (BKLN) thường gặp nói chung như: huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, gout...