Chiều 17/12, trong khuôn khổ chương trình Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029 đã đồng loạt tổ chức 6 tổ thảo luận góp ý kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2024-2029.
Tại Tổ thảo luận số 5 với chủ đề "Thanh niên Việt Nam đoàn kết, hội nhập, phát triển" có 163 đại biểu tham gia. BS. Đỗ Doãn Bách - Bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Ủy viên BCH Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội đã có những chia sẻ về vấn đề chăm sóc sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh cho thanh niên, nhằm hạn chế tác hại của các chất kích thích trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển. Đây là những vấn đề vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên trong thời đại hiện nay.
Mạng xã hội giúp thanh niên dễ tiếp cận kiến thức về chăm sóc sức khỏe
Nam bác sĩ cho biết, sức khỏe luôn là tài sản quý báu nhất của mỗi con người, nhưng do còn trẻ, chúng ta thường chủ quan và không coi trọng đúng mức tài sản này. Một cơ thể khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết để thanh niên có thể học tập, rèn luyện và vượt qua thử thách trong cuộc sống. Nó giúp duy trì năng lượng, tập trung trong công việc và học tập. Rèn luyện thể dục thể thao không chỉ giúp tăng cường thể lực mà còn có tác dụng phòng ngừa các bệnh lý mạn tính, đồng thời cải thiện tâm lý, giảm căng thẳng, lo âu – những vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu, theo BS. Bách, thanh niên cần duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Việc tham gia vào các hoạt động thể thao giúp thanh niên duy trì sức khỏe, cải thiện thể lực và giảm thiểu các rủi ro sức khỏe trong tương lai.
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của thanh niên về sức khỏe thông qua các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ. Với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội hiện nay, việc sử dụng video ngắn, livestream, infographics và meme dễ hiểu sẽ thu hút sự chú ý và giúp thanh niên dễ dàng tiếp cận các kiến thức về sức khỏe thể chất, tinh thần, sức khỏe giới tính.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có thể tổ chức các cuộc thi thể thao, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ thể thao, tổ chức ngày hội thể thao để thanh niên được trải nghiệm và tiếp cận với các môn thể thao mới. Từ đó, việc tập luyện thể thao sẽ trở thành một phần trong lối sống của thanh niên.
6 gợi mở giúp chăm sóc sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh cho thanh niên
Chăm sóc sức khỏe và xây dựng một lối sống lành mạnh cho thanh niên không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Là một bác sĩ trẻ, BS. Bách cho rằng, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp và tạo ra những hành động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên. Những bác sĩ trẻ sẽ đồng hành, cung cấp kiến thức và là tấm gương sáng cho thanh niên về cách chăm sóc sức khỏe và duy trì lối sống lành mạnh. Cụ thể:
Khám sức khỏe định kỳ
Thanh niên cũng cần khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong năm để phát hiện kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn và có phương án điều trị phù hợp. Đây là cách để tạo thói quen bảo vệ sức khỏe, đồng thời giúp thanh niên nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe bản thân ngay từ khi còn trẻ.
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ dinh dưỡng khoa học là yếu tố không thể thiếu để duy trì sức khỏe và phát triển toàn diện. Việc ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, hay trà sữa sẽ giúp thanh niên duy trì thể lực tốt và phòng ngừa các bệnh mạn tính sau này.
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có thể tổ chức các lớp học, hội thảo về dinh dưỡng, chia sẻ kiến thức về cách lựa chọn thực phẩm khoa học và chế độ dinh dưỡng cân đối. Đồng thời, việc phát triển các ứng dụng di động hoặc website cung cấp thông tin về chế độ ăn uống lành mạnh cũng là một sáng kiến tuyệt vời để giúp thanh niên theo dõi và duy trì sức khỏe của mình.
Giáo dục thanh niên về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản
Sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản là những vấn đề hết sức quan trọng, không chỉ đối với mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Việc giáo dục thanh niên về các biện pháp bảo vệ sức khỏe sinh sản, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục an toàn là vô cùng cần thiết.
Quan tâm đến sức khỏe tâm thần
Sức khỏe tâm thần đang trở thành một chủ đề rất nóng trong xã hội hiện nay, khi mà tỷ lệ thanh niên mắc phải các vấn đề về trầm cảm, lo âu và stress ngày càng gia tăng. Do đó, cần có các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần, giúp thanh niên nhận diện các dấu hiệu của bệnh và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời.
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có thể tổ chức các buổi chia sẻ về giới tính, sức khỏe sinh sản và phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục; đồng thời, khuyến khích thành lập các nhóm, câu lạc bộ hỗ trợ sức khỏe tâm thần, nơi thanh niên có thể trò chuyện, tư vấn trực tuyến hay tham gia các lớp học về kỹ năng quản lý cảm xúc.
Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Một vấn đề rất quan trọng khác là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản mà còn tác động xấu đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển của thế hệ tương lai. Vì vậy, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với sức khỏe sinh sản và tâm lý, đồng thời thúc đẩy các hành vi xã hội lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của thanh niên.
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cần tiếp tục triển khai các chiến dịch tuyên truyền phòng chống các bệnh xã hội, đặc biệt là HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục. Tăng cường nhận thức và giáo dục thanh niên về các bệnh lý này để họ có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và giảm thiểu sự lây lan trong cộng đồng.
Tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích
Ma túy, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích đối với sức khỏe thanh niên là những mối đe dọa lớn đối với cộng đồng, đặc biệt là khi các chất này ngày càng trở nên phổ biến và dễ dàng tiếp cận. Chúng ta cần tổ chức các chiến dịch "Không ma túy, không rượu bia, không thuốc lá" để nâng cao nhận thức về tác hại của các chất này đối với sức khỏe. Các chiến dịch cần sử dụng hình ảnh và câu chuyện thực tế để nhấn mạnh sự nguy hiểm của chúng, đồng thời cung cấp các hội thảo về tác hại của các chất kích thích và kỹ năng từ chối khi bị ép sử dụng.
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tạo ra các cộng đồng, nhóm hỗ trợ thanh niên trong việc duy trì lối sống lành mạnh, như các nhóm thể thao, nhóm chia sẻ kiến thức về sức khỏe, nhóm tư vấn sức khỏe tâm thần. Đây sẽ là nơi để thanh niên tìm kiếm sự hỗ trợ, động viên và chia sẻ kinh nghiệm.
Khuyến khích thanh niên tham gia vào các hoạt động tình nguyện liên quan đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng, như khám chữa bệnh miễn phí, tuyên truyền về sức khỏe hoặc hỗ trợ các tổ chức y tế trong cộng đồng.
"Với sự tham gia tích cực của mỗi cá nhân, chúng ta sẽ góp phần xây dựng một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, tự tin và có trách nhiệm với sức khỏe của mình, từ đó tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ và phát triển bền vững" - BS. Bách nói.
Hiệp thương cử 135 ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Chiều 17/12, các đại biểu dự Đại hội chia thành 6 tổ thảo luận, với các chủ đề: Thanh niên Việt Nam yêu nước; Thanh niên Việt Nam bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Thanh niên Việt Nam học tập, sáng tạo, khởi nghiệp; Thanh niên Việt Nam tình nguyện vì cộng đồng; Thanh niên Việt Nam đoàn kết, hội nhập, phát triển; Xây dựng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vững mạnh.
Sau khi kết thúc thảo luận tại các tổ, tiếp tục chương trình làm việc, Đại hội đã tiến hành hiệp thương cử 135 đại biểu tham gia Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029; hiệp thương cử 8 đại biểu tham gia Ủy ban Kiểm tra Hội khóa IX.
Phiên trọng thể Đại hội diễn ra sáng 18/12, dự kiến có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương; lãnh đạo Đoàn, Hội qua các thời kỳ.