Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số

28-06-2020 07:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Nhờ những thành tựu y học và điều kiện sống phát triển, tuổi thọ của người Việt Nam hiện nay đã cao hơn hẳn thời kỳ trước.

Điều này mang đến những cơ hội, và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cá nhân, cộng đồng và đất nước. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, các chính sách về chăm sóc người cao tuổi đã và đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước.

Theo các chuyên gia, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng đã đặt ra những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động, việc làm, giao thông, khu vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi. Mỗi mô hình có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau nhưng xu hướng chung đang hướng tới là chăm sóc cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng để người cao tuổi không cảm thấy mình là gánh nặng, là bệnh nhân, mà vẫn được sinh hoạt tập thể, được bồi dưỡng và chăm sóc tinh thần.

Việc chăm sóc và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người cao tuổi là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi, ngày 27/6, Bệnh viện Bưu Điện đã chính thức đưa vào hoạt động đơn vị Điều dưỡng và Chăm sóc Người cao tuổi tại cơ sở 3 của bệnh viện ở Hải Phòng. Đây là mô hình theo xu hướng mới, người cao tuổi vừa được nghỉ dưỡng vừa được chăm sóc sức khỏe có sự hỗ trợ của y tế (thăm khám, kiểm tra sức khoẻ tổng quát, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết...).

Bên cạnh việc được theo dõi sức khoẻ thường xuyên, người cao tuổi còn được nhân viên y tế hướng dẫn tập luyện, cải thiện sức khoẻ, phổ biến những kiến thức để chủ động chăm sóc sức khoẻ bản thân, cùng những kỹ năng cần thiết về y tế - dinh dưỡng dành cho người cao tuổi. Điều này sẽ giúp họ tái tạo năng lượng cho cơ thể, tinh thần trở nên phấn chấn, lạc quan, không có cảm giác cô đơn ở tuổi xế chiều.

Bác sĩ tư vấn cho người cao tuổi tại Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc sức khỏe, BV Bưu Điện.

Theo dự báo tại Việt Nam, đến năm 2038, nhóm có dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Thực tế cuộc sống cho thấy, khi tuổi già "gõ cửa", thời gian có nhiều nhưng niềm vui lại khan hiếm, nhiều người cao tuổi mong muốn được đi du lịch, nghỉ dưỡng, được gặp gỡ và giao lưu với người cùng lứa tuổi như một cách để tạo thêm niềm vui cho cuộc sống. Mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng phần đông người cao tuổi đều có tâm lý ngại đi xa vì lo lắng về sức khỏe. Nhiều người cao tuổi đang phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính (như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch...). Đây cũng là trăn trở của người thân và con cháu khi muốn đưa cha mẹ, ông bà đi nghỉ dưỡng xa.

Trong khi đó, người cao tuổi chính là những người đã dành nhiều năm trong cuộc đời để đóng góp cho xã hội. Chính vì vậy cần tạo điều kiện để họ được tiếp cận các dịch vụ cơ bản của đời sống xã hội, có cuộc sống tốt hơn, tuổi thọ cao và sống khỏe, sống vui trong những năm tháng tuổi già. Đây cũng sẽ là "liều thuốc dưỡng sinh" để người cao tuổi có thể tiếp tục tham gia đóng góp vào đời sống xã hội bằng những kinh nghiệm, vốn sống và kiến thức được tích lũy.

“Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam” là một trong những mục tiêu tổng quát được đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó, nội dung Nghị quyết đã thể hiện rõ sự quan tâm đối với vấn đề bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi trong tình hình mới.
Nghị quyết đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như:
Đến năm 2025:
- Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 67 năm.
Đến năm 2030:
- Tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm.
Đồng thời, Nghị quyết đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như: “số năm sống khỏe chưa tăng tương ứng với tuổi thọ”, “hệ thống tổ chức y tế còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ ban đầu”.

P.H
Ý kiến của bạn