ThS.BS. Đinh Anh Tuấn.
PV: Thưa ông, những nỗ lực của chúng ta trong thời gian qua đã đạt được kết quả như thế nào trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh?
ThS.BS. Đinh Anh Tuấn: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong thời gian qua thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng kể. Cụ thể là: Tỉ suất tử vong mẹ (TVM) và tử vong trẻ em (TVTE) giảm đáng kể từ mức 233/100.000 ca trẻ đẻ sống (năm 1990) xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2009). Gần đây nhất, năm 2014, các tổ chức quốc tế bao gồm: Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Dân số Liên hợp quốc... đã ước tính, tỷ suất TVM ở Việt Nam chỉ còn khoảng 54/100.000 trẻ đẻ sống. Như vậy, chúng ta gần như đã đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ là giảm 3/4 số ca TVM so với năm 1990. Tỷ suất TVTE dưới 5 tuổi đã giảm từ mức 59%o xuống còn 22,4%o vào năm 2014. Còn khoảng 3%o nữa mới đạt Mục tiêu thiên niên kỷ nhưng chúng ta đã tiệm cận với mục tiêu.
Về tỷ suất TVTE dưới 1 tuổi, mục tiêu đề ra cho năm 2015 là 14,8%o. Đến năm 2014, theo con số thống kê chính thức của TCTK, chúng ta đã đạt được 14,9%o. Như vậy năm 2015, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích cao khác như tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc trước sinh trên 98%, tỷ lệ đẻ do nhân viên y tế đỡ đạt trên 95%, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt trên 95%.
Các công tác khác như CSSKSS vị thành niên, nam học, CSSK người cao tuổi mặc dù nguồn ngân sách rất hạn chế nhưng đã có những can thiệp bước đầu nhằm cải thiện sức khỏe tình dục cho vị thành niên và nam giới, sàng lọc ung thư...
Cùng những thành tựu đã đạt được vẫn còn có những hạn chế. Đó là, sự chênh lệch vùng miền khá rõ. Tỷ suất TVM, TVTE ở khu vực miền núi còn cao gấp 3-4 lần so với đồng bằng. Ở một số dân tộc thiểu số, tỷ suất TVM cao gấp 5-6 lần so với mặt bằng chung toàn quốc. Tỷ suất tử vong sơ sinh (TVSS) vẫn còn cao, chiếm tới 70% TVTE dưới 1 tuổi và 50% TVTE dưới 5 tuổi. Ngoài ra, dù triển khai nhiều can thiệp mạnh mẽ, nhưng những năm gần đây tỷ suất TVM và TVSS tốc độ giảm đã chậm lại. Nguyên do là chúng ta đã giải quyết được những nguyên nhân dễ xử lý hơn như đẻ tại nhà không có người đỡ, băng huyết không được xử trí, nhiễm khuẩn sau sinh, trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn, bị mắc các bệnh có thể dự phòng bằng tiêm chủng... Giờ đây còn lại những nguyên nhân khó giải quyết hơn: tập quán lạc hậu của đồng bào thiểu số, thực hành của nhân viên y tế chưa bắt kịp với những quy trình tiến bộ...
PV: Bộ Y tế có những can thiệp nào để giải quyết những hạn chế đó?
ThS.BS. Đinh Anh Tuấn: Nhiều can thiệp đã được Bộ Y tế đưa ra để giảm tỷ lệ TVM và TVTE. Mô hình cô đỡ thôn bản đang được triển khai tại nhiều địa phương. Hoạt động của cô đỡ thôn bản đã giúp tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai thăm khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trước khi đẻ, giảm tỷ lệ đẻ tại nhà, giảm tỷ lệ TVM, TVSS... Tại các cơ sở y tế, để giảm tỷ lệ TVM, TVSS, Bộ Y tế đang triển khai gói can thiệp cấp cứu sản khoa toàn diện tại tuyến huyện. Theo đó, tất cả các bệnh viện tuyến huyện đều phải thực hiện được các kỹ thuật mổ đẻ, truyền máu, hỗ trợ đẻ bằng forceps. Nhiều khóa đào tạo các kíp phẫu thuật đa khoa cho các bệnh viện đa khoa ở miền núi đã được triển khai. Bộ Y tế phối hợp với chính quyền địa phương bổ sung trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, giám sát kỹ thuật để các bệnh viện huyện đủ năng lực để giải quyết những trường hợp tai biến sản khoa, những trường hợp đẻ khó...
Để giảm TVSS, chúng ta đang tiến hành hỗ trợ các bệnh viện miền núi khó khăn thiết lập đơn nguyên sơ sinh nhằm chăm sóc, điều trị các trẻ sơ sinh bệnh lý, dị tật, nhẹ cân, non tháng giúp bệnh nhi không phải chuyển tuyến với nguy cơ tử vong rất lớn.
Gần đây, Bộ Y tế đã triển khai Quy trình chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu (EENC). Quy trình này thay đổi gần như hoàn toàn việc đỡ đẻ và chăm sóc sơ sinh trước đây. Theo đánh giá của WHO, quy trình này có thể giúp giảm 50% tỷ lệ TVSS. Dự kiến đến năm 2020, tất cả các cơ sở y tế trên cả nước sẽ áp dụng quy trình mới này.
PV: Có những rào cản nào ngăn cản chúng ta đạt hay chậm đạt được mục tiêu đề ra, thưa ông?
ThS.BS. Đinh Anh Tuấn: Rào cản thứ nhất là về pháp lý. Để đưa Quy trình EENC triển khai ở các cơ sở y tế, chúng ta cần thay đổi Hướng dẫn quốc gia về CSSKSS. Ngoài ra, quy định về phụ cấp cho cô đỡ thôn bản còn bất cập. Hiện nay, chỉ khoảng 1/3 số cô đỡ thôn bản trên cả nước được hưởng phụ cấp theo Quyết định 75 của Chính phủ. Đó là do họ kiêm nhiệm nhân viên y tế thôn bản. Số còn lại chỉ được hưởng phụ cấp từ kinh phí của Chương trình mục tiêu Quốc gia, rất ít ỏi và sẽ chấm dứt khi hết năm 2015. Rào cản thứ hai từ phía nhân viên y tế - họ cần được tập huấn, đào tạo. Để đào tạo và duy trì hoạt động của cô đỡ thôn bản hay triển khai Quy trình EENC... đều đòi hỏi kinh phí. Trong khi đó kinh phí rất hạn hẹp. Một rào cản nữa, đó là nhận thức của người dân, những tập tục lạc hậu còn tồn tại trong cộng đồng. Cần tăng cường hơn nữa truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp đến người dân thông qua hoạt động của nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản.
Ngoài ra, cũng cần sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương để các can thiệp vừa kể trên đạt hiệu quả và bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!