Chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng - Giải pháp nào?

TTND.GS.TS. Trịnh Đình Hải

TTND.GS.TS. Trịnh Đình Hải

20-08-2019 11:12 | Phòng mạch online

SKĐS - Bệnh ở răng miệng nhưng lại ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, vậy mối liên kết này như thế nào? Chúng ta cần làm gì để chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt hơn? Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TTND. GS.TS. Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, để tìm hiểu về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa GS. được biết, sức khỏe răng miệng có liên quan rất chặt chẽ tới sức khỏe tổng thể của con người, GS. có thể cho biết rõ hơn về mối liên quan này?

TTND.GS.TS. Trịnh Đình Hải: Răng là cửa ngõ đầu tiên của đường tiêu hóa, nơi tiếp nhận và cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho cơ thể. Một đứa trẻ nếu có vấn đề về răng miệng sẽ ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai, dinh dưỡng và sự phát triển thể chất.Tương tự một người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi khi bị mất răng hay có các bệnh lý răng miệng cũng sẽ bị ảnh hưởng đến chức năng nhai, từ đó ảnh hưởng đến dinh dưỡng, đặc biệt trường hợp mất nhiều răng sẽ làm giảm tầm cắn, gây lồi cầu xương hàm dưới ảnh hưởng đến thành trước của ống tai, dẫn đến giảm thính lực, thậm chí gây điếc...

Các ổ nhiễm khuẩn trong túi lợi, trong khoang miệng là nguyên nhân sâu sa dẫn đến những bệnh lý nội khoa như viêm cầu thận, viêm khớp, viêm nội tâm mạc... Có một số nghiên cứu khoa học trên thế giới còn đưa ra những bằng chứng về mối liên quan giữa các bệnh lý răng miệng với đột quỵ, các bệnh lý tim mạch, sức khỏe toàn thân...

Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội (BVRHMTUHN) hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải mổ cấp cứu cho các trường hợp viêm nhiễm đe dọa tính mạng như viêm tấy lan tỏa sàn miệng, viêm tấy lan tỏa một nửa mặt, áp xe thành bên họng, áp xe trung thất, áp xe hầu, vùng hàm mặt... Các trường hợp này nếu không được mổ dẫn lưu kịp thời bệnh nhân rất dễ tử vong do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc...

Chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng - Giải pháp nào?TTND. GS.TS. Trịnh Đình Hải.

Phóng viên: Trên quy mô quốc gia, Việt Nam đã có chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng (CSSKRM) nào cho người dân để phòng chống các bệnh răng miệng, thưa GS.?

TTND.GS.TS. Trịnh Đình Hải: Trước hết là Chương trình Chăm sóc răng miệng trẻ em học đường hay còn gọi là Nha học đường: Chương trình này giúp dự phòng các bệnh răng miệng phổ biến ở trẻ em ngay ở lứa tuổi học đường như sâu răng, viêm lợi... Chương trình được bắt đầu từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Tháng 10 năm 1987 đã có Thông tư liên bộ giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục tổ chức triển khai chương trình Nha học đường trong phạm vi cả nước. Trải qua mấy chục năm BVRHMTUHN được giao là đơn vị đầu mối thường trực triển khai Chương trình này. Có thời điểm tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều triển khai Chương trình, đã có hàng chục tỉnh phủ kín Chương trình, 100% trường học trong địa bàn các tỉnh này đều có Chương trình, toàn bộ trẻ em học đường được chăm sóc răng miệng ổn định tại trường học.

Nội dung chủ yếu của Chương trình là hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng, đánh răng 2 lần mỗi ngày buổi sáng và tối, kiểm soát mảng bám răng; Hướng dẫn trẻ cách ăn uống có lợi cho răng miệng như không ăn quà vặt, không ăn chất gây hại cho răng miệng; Cho trẻ súc miệng bằng dung dịch chứa fluor 0,2% hàng tuần, 36 tuần trong một năm. Sau 5 năm, khi các cháu 12 tuổi, có bộ răng vĩnh viễn đã giảm được 50 – 60% tỉ lệ sâu răng ở lứa tuổi học đường. Fluor đóng vai trò như tấm lá chắn cho lớp men răng khỏi sự tác động của vi khuẩn làm phân hủy men răng và ngăn ngừa sâu răng; Khám, phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng cho trẻ, trẻ được phát hiện sâu răng sớm sẽ được hàn, không bị sâu vào tủy nên việc chữa trị không tốn kém và phức tạp, phát hiện sớm các bệnh viêm lợi và điều trị sớm.

Chúng ta cần học hỏi thành công của các nước đi trước trong công tác dự phòng sâu răng trẻ em và các bệnh lý răng miệng nói chung.

Thứ hai là Chương trình Dự phòng răng miệng cho cộng đồng: BVRHMTUHN, Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Nha khoa thế giới triển khai Chương trình này gồm: Tuyên truyền cho cộng đồng về các bệnh lý răng miệng thường gặp và cách dự phòng; Triển khai phòng khám răng tại các trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh nhằm chăm sóc răng miệng cho cộng đồng. Năm 2011 BVRHMTUHN bắt đầu hướng dẫn sử dụng muối fluor cho cộng đồng ở huyện Bát Xát, Lào Cai. Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở châu Á sử dụng muối fluor để dự phòng sâu răng cho cộng đồng. Từ năm 2006 chúng ta bắt đầu nghiên cứu, sản xuất, điều tra khu vực thiếu fluor... Sau 5 năm triển khai Đề tài cấp Bộ này đã được nghiệm thu và cho kết quả tốt trong dự phòng sâu răng an toàn. Đây là một tư liệu quý cho ngành Nha khoa Việt Nam, hy vọng Dự án sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm CSSKRM cộng đồng tốt hơn.

Phóng viên: Trong tương lai công tác CSSKRM cho nhân dân có những cải tiến nào đáng kể nhằm giúp người dân Việt Nam có nụ cười trắng sáng, có sức khỏe răng miệng tốt, thưa GS.?

TTND.GS.TS. Trịnh Đình Hải: Các hoạt động chăm sóc răng miệng trẻ em và cộng đồng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên đoàn Nha khoa thế giới (FDI), y tế các nước phát triển quan tâm từ mấy chục năm nay. Từ những thập niên 40 của thế kỷ trước tình trạng sâu răng ở các nước Bắc Âu, một số nước phát triển rất nghiêm trọng, trung bình mỗi trẻ 12 tuổi ở các nước này có trên 10 răng bị sâu. Sâu răng trở thành một trong ba thảm họa bệnh tật của nhân loại thời kỳ này, sau ung thư và tim mạch.

Tại các nước phát triển như Mỹ, Thụy Sĩ, Đức, Pháp, và một số nước châu Âu đã có những chính sách dự phòng sâu răng ở tầm quốc gia như đưa fluor vào nguồn nước cấp cho cả một thành phố. Đến đầu năm 1990 các nước này đã được WHO công nhận Chương trình Dự phòng sâu răng trẻ em đạt được nhiều thành quả bất ngờ, trở thành thành tựu của Y tế các nước này trong thế kỷ 20,  giúp làm giảm sâu răng ở trẻ trên 12 tuổi xuống còn dưới 1 răng sâu.

Chính vì vậy WHO đã kêu gọi các nước đang phát triển và chậm phát triển học tập mô hình này. Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoại lệ. Chúng ta cần học hỏi thành công của các nước đi trước trong công tác dự phòng sâu răng trẻ em và các bệnh lý răng miệng nói chung.

Chúng tôi đề nghị ngành Y tế và cả xã hội tiếp tục quan tâm, ủng hộ các chương trình dự phòng CSSKRM trẻ em và cộng đồng, giúp thế hệ tương lai của đất nước có hàm răng chắc, đẹp.

Phóng viên: Thưa GS. để giúp triển khai tốt công tác CSSKRM cộng đồng, chúng ta cần có giải pháp gì?

TTND.GS.TS. Trịnh Đình Hải: Có ba chương trình trụ cột CSSKRM. Đó là chương trình Nâng cấp mạng lưới CSSKRM tại các tuyến sao cho người dân ở bất cứ đâu cũng đều có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng, được khám và điều trị các bệnh lý răng miệng thông thường như sâu răng thì được hàn, những răng nhổ không nguy hiểm thì được nhổ, viêm lợi được hướng dẫn điều trị... Hàng chục năm nay BVRHMTUHN thường xuyên cử cán bộ đi các tỉnh, làm việc với các đơn vị chức năng để nâng cấp mạng lưới CSSKRM cộng đồng.

Chương trình thứ hai là Triển khai phòng bệnh nha học đường, phòng bệnh nha khoa cộng đồng;

Chương trình thứ ba là Triển khai các kỹ thuật tiên tiến tại các cơ sở nha khoa lớn nhằm “giữ chân” người bệnh, người bệnh không phải ra nước ngoài để điều trị các bệnh lý răng miệng. Đây là ba chương trình lớn, ba điểm nhấn để ngành Nha khoa Việt Nam phát triển một cách bền vững, sánh kịp với các nước có trình độ nha khoa tiên tiến trên thế giới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn GS.!


Mai Hương (thực hiện)
Ý kiến của bạn