nâng cao chất lượng sống, ngành y tế Khánh Hòa đã triển khai và thực hiện nhiều kế hoạch chăm sóc sức khỏe người dân ở những nơi còn gian khó nhất, cách trở nhất.
Tự tin hơn
Làm nghề mộc trên biển, nhiều năm trước, anh Nguyễn Văn Hải và hàng chục thợ khác sợ hãi nhất là mỗi lần bị nạn. Nhưng từ đầu năm 2017, anh Hải trực tiếp được ngành y tế huấn luyện thành thục cách băng bó caro, các sơ cứu ban đầu. Bây giờ, những thợ mộc như anh tự tin hơn, khi gặp sự cố có thể cùng sơ cứu ban đầu cho nhau. Anh Hải cho biết: Ngâm mình đóng nhà gỗ, đóng bè cá cho bà con ngư dân nên tai nạn nhẹ xảy ra thường xuyên. Giờ được trang bị kiến thức y tế rồi cũng vơi bớt đi nhiều lo lắng.
Không chỉ hàng ngàn lao động, người dân ở các vùng biển đảo mà nhiều nhân viên y tế ở vùng biển, hải đảo cũng được bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức mới. Y tá Nguyễn Thị Hậu thường xuyên đi cấp cứu trên các vùng biển ở Ninh Hòa cho biết: Chúng tôi được ngành y tế đặc biệt quan tâm, trang bị kiến thức bài bản về các tình huống ứng cứu và xử trí trên biển nên không còn lúng túng nữa.
Tư vấn và thăm khám sức khỏe miễn phí cho người dân vùng biển Tân Thủy (Ninh Hòa).
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, từ đầu năm 2017 đến nay, ngành y tế địa phương đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 144 cán bộ y tế thuộc các trạm y tế khu vực biển đảo về các kỹ năng cấp cứu cơ bản như xử trí cấp cứu ban đầu suy hô hấp, xử trí cấp cứu ban đầu sốc, xử trí cấp cứu ban đầu chấn thương, xử trí cấp cứu ban đầu ngộ độc cấp, đuối nước. Tổ chức 5 lớp tập huấn cho 500 người lao động trên biển khu vực TP. Nha Trang và Cam Ranh về các nội dung như: Cấp cứu ngừng tim - ngừng thở; Garo cầm máu vết thương; Băng bó vết thương; Cố định xương gãy; Vận chuyển nạn nhân - bệnh nhân. Khảo sát các lao động sau khi tham gia tập huấn, họ đều nắm vững các kiến thức y tế về chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh các lao động trực tiếp trên biển thì hàng ngàn ngư dân ở các vùng biển đảo cũng được trang bị đầy đủ kiến thức về: phòng chống dịch, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tăng huyết áp, sơ cấp cứu, an toàn vệ sinh thực phẩm (phòng chống ngộ độc cá nóc, ốc biển), chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dinh dưỡng, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Ngư dân Nguyễn Thị Thu ở Tân Thủy (Ninh Hòa) chia sẻ: Trước đây, ngư dân không có kiến thức y tế nên mỗi mùa mưa bão thế này hay mắc bệnh viêm nhiễm, không biết cách phòng chống gì hết. Giờ thì ai cũng biết cả rồi.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
Ông Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế Khánh Hòa nhận định: Chúng tôi dành nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế vùng biển đảo nhằm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các vùng còn khó khăn. Công tác hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật y tế cho các vùng đảo được tiến hành thường xuyên, liên tục. Khi cần, các bác sĩ ở đất liền có thể tức tốc ra chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên đảo.
Đến thời điểm hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Khánh Hòa đã làm chủ được kỹ thuật oxy cao áp trong điều trị các bệnh lý liên quan đến tai biến lặn, tai biến do hoạt động trên biển, hàng loạt ngư dân bị tai nạn đã được cứu chữa thành công.
Hàng chục trung tâm y tế, trạm y tế các vùng biển đảo đã nắm bắt và làm chủ được kỹ thuật cấp cứu ngạt nước, ngộ độc trên biển. Để kịp thời có mặt ở những nơi chia cắt, các đội cấp cứu lưu động được thành lập và sẵn sàng đến các vùng biển xa xôi để cứu người. Túi cấp cứu ngoại viện, áo phao, thuốc được trang bị đầy đủ cho các trạm y tế vùng biển đảo. Với mong muốn tất cả người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế thì trong năm 2018, những vùng biển đảo còn khó khăn như: Điệp Sơn, Đầm Môn, Ninh Tân (huyện Vạn Ninh), Bình Hưng (TP. Cam Ranh)… cũng sẽ được xây dựng trạm hoặc phân trạm y tế.