Chăm sóc sức khỏe, đời sống để các nạn nhân chất độc da cam hoà nhập với cộng đồng

06-08-2024 13:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 6/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 63 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - cho biết: "Trung ương Hội đang rất quan tâm thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần, đời sống để các nạn nhân chất độc da cam được hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, Trung ương Hội sẽ tiếp tục đấu tranh công lý về pháp lý quốc tế, công tác đó cần sự chung tay của mỗi hội viên, tỉnh hội, thành hội, các đơn vị từ trung ương đến địa phương".

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Xuân Dự

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Xuân Dự

Với sự hỗ trợ của các cấp hội cũng như các đơn vị, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã được tiếp thêm nghị lực vượt qua khó khăn để tự lập trong cuộc sống, tìm được công việc ổn định nuôi sống bản thân.

Giao lưu với những nạn nhân chất độc da cam giàu nghị lực. Ảnh: Xuân Dự

Giao lưu với những nạn nhân chất độc da cam giàu nghị lực. Ảnh: Xuân Dự

Chị Trần Thị Hoan là nạn nhân chất độc da cam với đôi chân chỉ còn đến đầu gối, vẫn di chuyển thoăn thoắt mà không cần sự hỗ trợ của người khác. Chị Hoan được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Làng Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ từ năm 8 tuổi, nay đã tốt nghiệp đại học và trở thành nhân viên Phòng Công nghệ thông tin – Bệnh viện Từ Dũ. Người phụ nữ giàu nghị lực này cũng xây dựng được tổ ấm hạnh phúc và có được cô con gái 16 tháng tuổi phát triển khỏe mạnh.

"Tôi luôn nỗ lực vươn lên để các em có cùng hoàn cảnh như mình noi theo, trở thành một con người tự lập, có thể lo được cho bản thân. Trong cuộc sống sẽ trải qua vô vàn khó khăn, trắc trở, bản thân mỗi người nên nhặt nhạnh những khía cạnh tích cực, tình yêu thương từ mọi người, xã hội để luôn vươn lên", chị Hoan nhắn nhủ.

Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” của Trung ương Hội cho các cá nhân. Ảnh: Xuân Dự

Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” của Trung ương Hội cho các cá nhân. Ảnh: Xuân Dự

Anh Trần Thanh Sơn cũng là một trong những tấm gương vượt khó vươn lên khiến nhiều người cảm phục. Bị ảnh hưởng chất độc da cam, anh Sơn không thể tự đi lại nhưng vẫn hoàn thành chương trình đại học, cao học, hiện đang dạy thêm tại nhà để ổn định cuộc sống.

Chia sẻ về nghị lực của mình, anh Sơn cho biết: "Ngay từ nhỏ, ba tôi đã luôn dạy tôi rằng học hành là con đường duy nhất để tự nuôi mình, không trở thành gánh nặng của người khác.

Tôi nhận thấy rằng, với nạn nhân chất độc da cam cũng như những người khiếm khuyết, sự hòa nhập cộng đồng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên cần mở rộng lòng mình để đón nhận sự yêu thương, hỗ trợ từ bạn bè, xã hội, luôn cầu thị học hỏi để hoàn tiện bản thân".

Trao học bổng cho con cháu nạn nhân chất độc da cam học giỏi. Ảnh: Xuân Dự

Trao học bổng cho con cháu nạn nhân chất độc da cam học giỏi. Ảnh: Xuân Dự

Trong thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM đã phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân da cam có hiệu quả thiết thực như: hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tặng quà, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân da cam.

Trong 6 tháng đầu năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM đã thực hiện các công tác chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền và hiện vật hàng hóa quy ra tiền hơn 6 tỷ đồng để hỗ trợ tặng 7.665 suất quà, cấp 29 xe lăn xe lắc, hỗ trợ 105 nạn nhân khám chữa bệnh.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM chia sẻ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Xuân Dự

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM - chia sẻ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Xuân Dự

"Kỷ niệm 63 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để các cá nhân, tổ chức nhận thức vai trò trách nhiệm trước nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin, phát huy tinh thần tương thân tương ái, tiếp tục chung tay giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cả về vật chất lẫn tinh thần; tiếp thêm sức mạnh, nghị lực vượt khó vươn lên, xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần, giúp nạn nhân chất độc da cam từng bước hòa nhập đời sống xã hội", Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM nói.

Nạn nhân da cam/dioxin cần được tiếp cận thêm với phục hồi chức năngNạn nhân da cam/dioxin cần được tiếp cận thêm với phục hồi chức năng

SKĐS - Trong thời gian qua, ngành y tế đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin.


Xuân Dự
Ý kiến của bạn