Thông tin cho biết, trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể trong công tác Chăm sóc Sức khoẻ Toàn Dân (CSSKTD) cho người dân, cũng như trong việc tăng cường các cam kết chính trị và đầu tư ngân sách để thúc đẩy CSSKTD. Đạt được CSSKTD là một trong những mục tiêu chính của Chính phủ Việt Nam cũng như trong Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), trong đó tập trung phát triển Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu như một yếu tố nền tảng để đạt được cùng lúc cả hai mục tiêu trên.
Tiến sĩ Kidong Park, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giời (WHO) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam cần tiếp tục sự lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, cũng như các hành động liên ngành nhằm giải quyết các nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang liên tục thay đổi như hiện nay. Với sự đầu tư mạnh mẽ hơn cho Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu, cả về tài chính và lực lượng cán bộ, nhân viên y tế, chúng ta có thể biến các mục tiêu CSSKTD trở thành hiện thực ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, bác sĩ David Duong, Phó Giám đốc Chương trình Chăm sóc Sức khoẻ Ban đầu và Thay đổi Xã hội Toàn cầu, Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ Ban đầu thuộc Trường Đại học Y Harvard cho biết: “Đầu tư phát triển chăm sóc sức khỏe ban đầu là cách thức hiệu quả và tiết kiệm nhất để duy trì hệ thống y tế và đảm bảo cho mọi cá nhân, mọi gia đình trong cộng đồng và trên toàn thế giới có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.
Qua hàng chục năm kinh nghiệm hỗ trợ cải thiện hệ thống y tế Việt Nam, HAIVN và Trường Đại học Y Harvard nhận ra rằng đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu mang lại các kết quả tốt hơn, với chi phí thấp hơn và tạo được sự hài lòng cao hơn cho người dân. Điều quan trọng là chúng ta cần đào tạo được các thế hệ cán bộ, nhân viên y tế tiếp bước để giúp họ hiểu và có định hướng đúng về chăm sóc sức khoẻ ban đầu”.