Tôi bị mắc trĩ đã lâu nhưng do tính chất công việc và ngại nên tôi không đi khám. Thời gian gần đây, tình trạng bệnh ngày càng nặng, đi khám bác sĩ khuyên tôi cần phẫu thuật khiến tôi rất lo lắng. Xin bác sĩ cho biết cách chăm sóc sau phẫu thuật như thế nào? Tôi có đi xe máy được ngay không?
Nguyễn Lê Nam (Cao Bằng)
Bệnh trĩ, hay còn gọi là bệnh lòi dom theo dân gian, là bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua và vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại ngùng, chỉ đến khi chảy máu nhiều hoặc bị sa búi trĩ thì bệnh đã ở cấp độ nặng, không thể dùng thuốc mà phải chỉ định phẫu thuật.
Về điều trị ngoại khoa, có nhiều phương pháp, tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể như: chích xơ, thắt dây thun, đốt, phẫu thuật cắt trĩ, phẫu thuật Longo,... Phẫu thuật trĩ tuy đơn giản nhưng để an toàn và hiệu quả sau phẫu thuật, bệnh nhân cần chú ý những vấn đề sau: Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, vết thương có thể thấm dịch màu hồng, nếu vết thương ra máu cục, dùng gạc hay giấy thấm tẩm ôxy già ép vào vết thương và báo cho bác sĩ biết. Sau mổ 24 giờ, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường, tuy nhiên không nên ăn những đồ cay, nóng, nước uống có cồn, ga như: tiêu, ớt, cà rốt, rượu, bia. Giữ khô vết thương bằng cách lót giấy thấm và băng, không bôi thuốc, không ngâm hậu môn trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Tránh táo bón nhưng cũng không nên đi đại tiện nhiều lần trong ngày (dễ gây chảy máu vết thương). Trường hợp đại tiện lắt nhắt nhiều lần trong ngày, cảm giác nặng hay đau hậu môn, dùng thuốc giảm đau nhưng không khỏi, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng để được hướng dẫn. Không đi xe máy trong 2 tuần đầu để phòng ngừa chảy máu. Ngoài ra, cần tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
BS. Trung Tín