Chăm sóc sau phẫu thuật tim

19-07-2017 14:58 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sự thành công của cuộc mổ tùy thuộc một phần lớn vào chăm sóc sau mổ. Giai đoạn sau mổ là giai đoạn có nhiều rối loạn về sinh lý bao gồm các biến chứng về hô hấp...

Sự thành công của cuộc mổ tùy thuộc một phần lớn vào chăm sóc sau mổ. Giai đoạn sau mổ là giai đoạn có nhiều rối loạn về sinh lý bao gồm các biến chứng về hô hấp, tuần hoàn, kích thích, đau, rối loạn chức năng thận, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ...gây ra do gây mê hoặc do phẫu thuật.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và gia đình người bệnh. Đòi hỏi người chăm sóc bệnh nhân và bệnh nhân cần có kiến thức về bệnh cũng như cách chăm sóc và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra với bệnh nhân. Trên thực tế nhiều người bệnh quá lo lắng hoặc chủ quan sức khỏe sau mổ, điều này cũng ảnh hưởng không tốt đến quá trình hồi phục và có thể làm bệnh dễ tái phát.Điện tim cho người bệnh. Ảnh: TM

Điện tim cho người bệnh. Ảnh: TM

Thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ

Thực hiện nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ trong quá trình sau phẫu thuật. Tiếp tục uống thuốc điều trị theo đơn hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được ngưng thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Cần tái khám định kỳ, bệnh nhân cần xét nghiệm chuyên biệt để điều chỉnh liều lượng thuốc chống theo từng trường hợp cụ thể.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách bắt mạch, kiểm tra mạch mỗi ngày và gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị khi có bất thường (quá chậm hoặc quá nhanh). Ngoài ra, sau phẫu thuật bệnh nhân cảm thấy trầm cảm và tâm lý không được tốt nhất là sau khi nói chuyện với người thân và bạn bè mà tình trạng không giảm cần gặp các chuyên gia tâm lý.

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả và cá

Khi trải qua một cuộc phẫu thuật, dù lớn hay nhỏ, thì vấn đề dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng để mau lành vết thương và phục hồi sức khỏe tốt.

Để có được một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh sau phẫu thuật, phải tùy theo độ tuổi, mức độ bệnh lý, phương pháp phẫu thuật, tình trạng dinh dưỡng trước phẫu thuật, cũng như quá trình điều trị đi kèm (điều dưỡng, thuốc, vật lý trị liệu, tâm lý...). Để người bệnh dễ hấp thu, nên chia nhỏ bữa ăn, từ 6-8 bữa hoặc 4-6 bữa, theo từng giai đoạn. Khi đã ăn được bằng đường tiêu hóa, cần chọn thức ăn bình thường hoặc dung dịch nuôi ăn chuẩn hoặc sữa chuẩn. Bổ sung các vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng trong quá trình làm lành vết thương nhanh. Đa dạng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.Sau phẫu thuật, người bệnh cần tái khám định kỳ. Ảnh: ĐA

Sau phẫu thuật, người bệnh cần tái khám định kỳ. Ảnh: ĐA

Nhằm đánh giá tác động của chế độ dinh dưỡng trong quá trình phẫu thuật, để xem có phải thay đổi ăn uống gì không, bệnh nhân cần được thăm khám định kỳ và ghi nhận các thông tin như khả năng dung nạp với bữa ăn (đau bụng, nôn ói, tiêu chảy...), cân nặng; các dấu hiệu khác như vẻ mặt, sức cơ, mức độ lành vết mổ, lượng nước tiểu, tính chất phân...

Các chất dinh dưỡng có trong các loại rau xanh vô cùng phong phú. Các chất chống ôxy hóa trong chúng giúp tăng cường sức khỏe cho hệ tim mạch. Những loại trái cây và rau quả, chẳng hạn như cam, chuối và nấm cũng có rất nhiều kali giúp điều hòa huyết áp. Các bác sĩ khuyến nghị bạn nên ăn 5-9 phần ăn trái cây và rau quả (ba loại rau và 2 loại trái cây khác nhau) mỗi ngày nhằm bảo đảm cung cấp sự cân bằng các chất dinh duỡng mà cơ thể cần. Ngoài ra, bổ sung hải sản vào thực đơn hàng ngày cũng rất quan trọng, đặc biệt là cá. Bạn nên bổ sung các loại cá như: cà hồi, cá mòi... trong chế độ ăn uống của bạn 2 lần/tuần, giúp cơ thể được bổ sung axit béo omega-3. Chất béo này cũng có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh tim bằng cách chúng làm giảm huyết áp và triglyceride. Nói không với thuốc lá. Hút thuốc dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tim, mạch vành 2-4 lần. Đồng thời, hút thuốc còn làm hẹp động mạch, tăng huyết áp... khiến nhiều khả năng bị đông máu, là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau tim.

Cần vận động sớm trong quá trình hồi phục

Trong tuần đầu tiên phải cần đến người giúp đỡ, liên tục trong khoảng 1-2 tuần đầu tiên, nhưng sau đó nên nhanh chóng trở lại với sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Người bệnh cần phải chủ động vận động trong quá trình hồi phục. Quá trình vận động cần bắt đầu sớm và tăng dần từng ít một. Không nên nằm hoặc ngồi 1 chỗ quá lâu, đi bộ rất tốt cho tim và phổi. Đi bộ chậm từng bước một khi mới bắt đầu và tăng dần tốc độ về sau. Thực hiện những công việc đơn giản và nhẹ nhàng trong nhà. Hầu hết mọi người sẽ trở lại với công việc của mình sau khi hồi phục hoàn toàn. Nếu làm việc văn phòng, có thể trở lại với công việc sau 6 tuần. Nếu công việc nặng nhọc hơn thì thời gian chờ đợi sẽ lâu hơn. Một số người có thể sẽ không thể trở lại với công việc như trước đây nếu như công việc đó quá sức.

Ngưng vận động khi có các dấu hiệu sau: khó thở, chóng mặt hoặc đau ngực. Không thực hiện những động tác gây căng lồng ngực hoặc gây đau nhiều ở vết mổ.

Lời khuyên thầy thuốc

Tất cả người bệnh sau phẫu thuật tim mạch cần được thăm khám định kỳ, dùng thuốc đầy đủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, nếu có những dấu hiệu sức khỏe bất thường cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, cần liên hệ với bác sĩ ngay khi thấy các dấu hiệu khó thở hoặc đau ngực và triệu chứng không giảm khi nghỉ ngơi. Đau vết mổ không cải thiện, đau vùng mổ, vết mổ sưng nề đỏ hoặc có mủ.

BS. Tuấn Anh
Ý kiến của bạn