Hà Nội

Chăm sóc răng miệng cho trẻ em trong thời gian giãn cách

17-08-2021 19:03 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Trong những ngày giãn cách, bên cạnh các vấn đề răng miệng cần đến phòng khám can thiệp khẩn cấp, một số tình trạng bệnh lý răng miệng thông thường khiến cha mẹ lo lắng nhưng có thể xử trí tại nhà giúp giảm triệu chứng và trì hoãn cho đến khi có thể xử trí tại phòng khám.

Chăm sóc răng miệng cho trẻ em

Khi nào cần đưa trẻ đến phòng khám? 

Nhiều trường hợp cấp cứu nha khoa trẻ em vẫn cần được điều trị ngay lập tức ngay cả trong thời gian giãn cách, như đau răng do viêm tủy răng cấp tính, viêm quanh cuống cấp tính, chấn thương răng miệng và chấn thương răng hàm mặt. 

Chăm sóc răng miệng cho trẻ em trong mùa dịch COVID 19 - Ảnh 2.

Trẻ em cần được điều trị ngay lập tức khi bị đau răng do viêm tủy răng cấp tính, viêm quanh cuống cấp tính...

Những bệnh lý răng miệng có thể trì hoãn

Bong mối hàn

Nếu bị bong mối hàn và không thể đến phòng khám ngay, cần giữ để thức ăn không lọt vào lỗ sâu, chải răng kỹ, dùng tăm nước làm sạch thức ăn đọng vào lỗ sâu và gây đau và ê buốt. Tránh thức ăn quá nóng, quá lạnh có thể gây đau và ê răng. 

Bong mối hàn tạm trong quá trình điều trị tủy răng sữa: nếu không thể đến phòng khám ngay, có thể xử trí tại nhà bằng cách sử dụng bơm tiêm không có đầu kim để bơm rửa với nước muối để loại bỏ mảnh vụn thức ăn, và đặt vào một viên bông trước khi trẻ ăn.

Răng viêm tủy có biến chứng nha chu 

Để kiểm soát tạm thời các triệu chứng, có thể sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh. Tuy nhiên cần trao đổi tình trạng cụ thể với nha sĩ của bạn. Tùy thuộc vào về tiền sử về các bệnh toàn thân, tình trạng kháng thuốc hoặc quá mẫn cảm với kháng sinh, nha sĩ sẽ kê đơn thuốc hỗ trợ làm giảm tạm thời các triệu chứng và trì hoãn lại điều trị nha khoa.

Răng vĩnh viễn mọc lẫy

Răng vĩnh viễn đã mọc trong khi răng sữa chưa rụng. Trong trường hợp răng sữa lung lay nhiều, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nhai thức ăn cứng như trái cây, kết hợp với việc để trẻ tự lung lay răng hàng ngày, vì có thể kích thích răng rụng bằng cách làm cho răng tự rụng hoàn toàn khỏi ổ răng một cách cơ học. 

Trong trường hợp răng sữa ít lung lay mà răng vĩnh viễn đã mọc, cần trao đổi với nha sỹ của trẻ vì khó có thể xử trí tại nhà

Viêm lợi trùm do mọc răng hàm vĩnh viễn

Thường gặp ở răng hàm lớn vĩnh viễn. Lợi trùm lên phía xa bề mặt răng tạo thành miệng túi dễ đọng thức ăn và gây viêm, sưng nề đỏ. Hay gặp ở trẻ 6-7 tuổi. 

Cha mẹ có thể sử dụng tăm bông/gạc làm sạch, bài chải răng, tăm nước giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn trong túi lợi trùm. Để giảm tình trạng viêm nhiễm và các triệu chứng đau và sưng lợi, bác sĩ cũng có thể đề sử dụng thuốc bôi tại chỗ hoặc nước súc miệng có chlorhexidine. Cần trao đổi với nha sỹ nếu tình trạng tiến triển nặng hơn.

Các vấn đề với trẻ em đang điều trị chỉnh nha

Với các khí cụ tháo lắp như hàm Hawley, nếu một móc giữ bị gãy, nhưng trẻ vẫn có thể đeo khí cụ mà không bị rơi. Trong trường hợp này, nếu không thể đến phòng khám, có thể vẫn tiếp tục đeo khí cụ, nhưng chỉ nên đeo vào ban ngày và có sự giám sát của cha mẹ. Nếu khí cụ không thể đeo lại, cần liên lạc ngay với nha sĩ điều trị

Với các khí cụ chỉnh nha được gắn cố định trên vòm miệng. Cần tránh cho trẻ ăn các thức ăn dẻo dính, chẳng hạn như caramen hoặc kẹo cao su, hoặc thức ăn cứng có thể khiến bong một phần khí cụ, dẫn đến tình huống khẩn cấp cần phải can thiệp ngay lập tức bởi bác sĩ chỉnh nha nhi khoa.

Với điều trị mắc cài cố định, dây cung răng có thể trượt và di chuyển về một bên và chọc ra má/lợi ở phía xa răng hàm. Trong trường hợp này, đặc biệt là khi sử dụng dây cung nhỏ, nếu trẻ có cảm giác khó chịu và bị chọc vào lợi và má, có thể đặt lại cung bằng cách trượt về phía răng gần nhất với răng hàm, bằng cách sử dụng các đầu ngón tay cái và ngón trỏ. Nếu mắc cài bị bong nhưng vẫn giữ trên dây cung, có thể hoãn việc đặt lại mắc cài cho đến khi dịch ổn định và có thể sắp xếp đến phòng khám.

Phòng ngừa sức khỏe răng miệng 

Cha mẹ cần thực hiện biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà đầy đủ và đúng cách và có chế độ ăn hợp lý. Một chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả với nhiều chất xơ không chỉ giúp bảo vệ khỏi sự tấn công của sâu răng, nhờ sự bảo vệ cơ học liên quan đến sự kích thích của nước bọt, mà còn giúp bảo vệ khỏi sự tấn công của các bệnh về lợi. 

Hơn nữa, điều quan trọng cơ bản là hạn chế tiêu thụ nước ngọt có gas và nước tăng lực vì ngoài việc chứa lượng đường cao, hàm lượng axit của chúng tạo ra xói mòn răng và làm cho mô men răng kém khả năng chống lại sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh.

Chăm sóc răng miệng cho trẻ em trong mùa dịch COVID 19 - Ảnh 3.

Cần vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên.

Việc cách ly tại nhà, trong môi trường hẹp, ít không gian vận động, gây nên sự căng thẳng có thể khiến trẻ quấy, khó đi vào giấc ngủ. Nhiều cha cho trẻ ngậm bình sữa, ngậm bình nước hoa quả, nước cháo loãng, núm vú giả nhúng mật ong. 

Những thói quen này tăng nguy cơ sâu răng sớm ở trẻ nhỏ, tiến triển nhanh chóng với sự khởi phát dễ dàng của các biến chứng áp xe nha chu tại chỗ, gây đau đớn, sưng nề, viêm tấy mô lan tỏa và đòi hỏi cần can thiệp nha khoa ngay lập tức. 

Cha mẹ cũng cần tránh thói quen dùng chung đồ dùng ăn uống, nếm, mớm thức ăn cho trẻ vì nguy cơ lây truyền vi khuẩn từ người lớn.

Hoạt động trong môi trường kín cả ngày khiến trẻ hiếu động hơn, nguy cơ chấn thương răng do tại nạn sinh hoạt tăng, nhất là chấn thường răng cửa, hay gặp ở bệnh nhân có độ cắn chìa quá mức. Cha mẹ cần giám sát, thậm chí cho trẻ đeo hàm bảo vệ để tránh va chạm mạnh dễ gây chấn thương răng.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Các triệu chứng bệnh COVID-19

ThS Nguyễn Thùy Linh
Ý kiến của bạn