HIV/AIDS đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Nhiều chương trình, chiến lược phòng chống HIV/AIDS đã được phát động và triển khai nhưng đại dịch HIV/AIDS vẫn có xu hướng phát triển và lan rộng, đối tượng nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, có khoảng gần 3.000 trẻ trong số gần 2 triệu trẻ mới sinh hằng năm có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên còn có một điều may mắn không phải đứa trẻ nào sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng bị nhiễm HIV. Nếu biết dự phòng, chăm sóc và theo dõi đúng cách, số trẻ nhiễm HIV sinh ra từ mẹ có HIV sẽ giảm đi đáng kể.
Không phải tất cả các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều bị nhiễm HIV
Đứa trẻ mới sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV được gọi là “trẻ có phơi nhiễm HIV” chứ không được khẳng định trẻ nhiễm HIV. Hiện nay, thông thường người ta chẩn đoán nhiễm HIV trẻ sinh ra từ những người mẹ nhiễm HIV khi trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, có xét nghiệm kháng thể HIV dương tính 3 lần với 3 phương pháp khác nhau. Nếu trẻ có bú mẹ cần xét nghiệm sau khi trẻ ngừng bú mẹ hoàn toàn 6 tuần. Đối với những trẻ dưới 18 tháng chỉ chẩn đoán nhiễm HIV các xét nghiệm về virut học dương tính (xét nghiệm tìm kháng nguyên p24, xét nghiệm PCR ADN hoặc PCR ARN) (PCR: Polymerase chain reaction).
Quản lý, theo dõi và chăm sóc phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai
Phụ nữ nhiễm HIV khi có thai cần được quản lý, theo dõi và chăm sóc tại các cơ sở sản khoa. Song song với việc đánh giá tình trạng thai nghén theo định kỳ, tình trạng lâm sàng nhiễm HIV cũng phải được theo dõi và đánh giá sát. Nếu thai phụ nhiễm HIV đang được dùng thuốc kháng virut (ARV) thì tiếp tục được theo dõi và dùng thuốc theo hướng dẫn; nếu chưa được dùng thuốc kháng virut, nhưng trong quá trình mang thai có đủ tiêu chuẩn dùng thuốc kháng virut thì được chỉ định dùng và theo dõi; trường hợp thai phụ nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn dùng thuốc kháng virut thì được dùng thuốc để dự phòng lây truyền virut từ mẹ sang con. Tùy thuộc vào thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn mấy của thai kỳ mà có các chỉ định dự phòng khác. Thông thường thai phụ sẽ được uống thuốc dự phòng từ lúc xác định HIV dương tính cho đến trước khi chuyển dạ và một liều khi bắt đầu chuyển dạ. Khi chuyển dạ, cần hạn chế tối thiểu các chấn thương cho mẹ và cho trẻ như đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ, không rạch màng ối sớm, hạn chế các can thiệp gây chảy máu đường sinh dục trong thời gian sinh, tránh các thủ thuật can thiệp có thể gây tổn thương da cho thai nhi... Bên cạnh các chăm sóc về y tế thì những chăm sóc về tinh thần và tư vấn sẽ giúp cho người mẹ thêm kiến thức về đường lây truyền HIV/AIDS là cơ sở để thai phụ ổn định tâm lý và tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, dự phòng.
Quản lý, theo dõi và chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV
Việc quản lý, theo dõi, chăm sóc tốt trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bên cạnh tác dụng làm giảm đáng kể việc lây truyền virut từ mẹ sang con còn có ý nghĩa giúp các nhà thống kê, các nhà quản lý ước đoán được con số chính xác tỷ lệ trẻ xác định nhiễm HIV sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Công việc này đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa ngành sản khoa, ngành nhi khoa cùng sự chấp hành, tuân thủ tốt của người chăm sóc trẻ. Cần tư vấn cho người mẹ về nguy cơ lây truyền HIV qua sữa mẹ từ đó khuyến khích nuôi trẻ bằng thức ăn thay thế hoàn toàn ngay sau đẻ. Trong trường hợp không thể nuôi hoàn toàn bằng thức ăn thay thế, tư vấn cho người mẹ chỉ cho ăn bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu. Người mẹ sau khi sinh tiếp tục được theo dõi, xem xét chỉ định dùng thuốc kháng virut, dự phòng các nhiễm trùng cơ hội và dự phòng cho cộng đồng như những người nhiễm HIV khác. Trẻ ngay sau khi sinh cần được tắm ngay, sau đó được dùng thuốc kháng virut để dự phòng tùy từng loại thuốc có thể dùng trong 48 giờ đầu hoặc cho đến một tuần tuổi. Tiếp sau đó, trẻ cần được theo dõi và xét nghiệm để khẳng định có nhiễm HIV hay không, đồng thời dự phòng các nhiễm trùng cơ hội có thể xảy ra và xem xét chỉ định điều trị thuốc kháng virut nếu trẻ có đủ tiêu chuẩn được dùng thuốc. Những trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV chưa chẩn đoán xác định nhiễm HIV không có những lưu ý đặc biệt về tiêm chủng so với trẻ bình thường, ngoại trừ cần lưu ý theo dõi để phát hiện các biến chứng sau khi tiêm BCG (vaccin phòng lao). Trong trường hợp trẻ đã được xác định nhiễm HIV và có các biểu hiện lâm sàng của AIDS các giai đoạn thì tiêm chủng theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
ThS. Lê Hà Kiên