Chất béo: là nguồn năng lượng quan trọng từ thực phẩm, với cùng một hàm lượng nó cung cấp hơn gấp đôi so với chất đạm và chất bột: ngoài ra nó giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K rất cần cho phát triển xương, mắt) và cung cấp các acid béo no cần thiết. Do vậy, cần tăng thêm lượng dầu, mỡ cho trẻ bị nhiễm khuẩn để bảo đảm đủ nhu cầu năng lượng tăng cao của trẻ.
Nên cho trẻ ăn cả mỡ lẫn dầu đặc biệt là mỡ gà vì có chứa tới 18% acid béo chưa no rất tốt cho sự hấp thu của trẻ, bên cạnh đó còn có chứa những acid béo no cần cho chuyển hóa của trẻ. Công thức khẩu phần ăn cho trẻ sơ sinh cần chứa đủ lượng chất béo lý tưởng là chiếm 30-50% tổng năng lượng. Do đó kể cả những trường hợp nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cũng không được loại bỏ hoàn toàn dầu mỡ trong khẩu phần của trẻ.
Khi trẻ bị sốt, bữa ăn của trẻ cần đa dạng, đủ dinh dưỡng. |
Các loại thực phẩm giàu chất đạm quý (acid amin cần thiết): sữa mẹ, sữa bò, sữa đậu tương, trứng, thịt, cá. Cần tăng cường:
Ở những gia đình không có điều kiện cho trẻ ăn nhiều trứng, thịt thì có thể thay thế bằng đậu tương, đậu xanh, lạc là thực phẩm thực vật cung cấp chất đạm, béo tốt, giá rẻ. Nhưng nếu thức ăn bổ sung cho trẻ chủ yếu từ nguồn thức ăn thực vật thì chất lượng và hiệu quả sử dụng của protein (đạm) hấp thụ cần đặc biệt chú trọng về lượng do khả năng hấp thu của loại thực phẩm này thấp hơn so với đạm động vật. Trong những trường hợp này khuyến nghị cho nhu cầu protein ăn vào cần được đặt cao hơn một chút. Chế độ ăn dựa chủ yếu vào lúa gạo thì có hệ số sử dụng protein (NPU) chỉ khoảng 50 (thấp hơn những chế độ ăn khác), nhu cầu khuyến nghị về protein trong những trường hợp này phải cao hơn nhiều.
Các loại quả chín, các loại quả chứa nhiều vitamin C: cam, chanh, quýt, bưởi... Các loại rau có màu xanh thẫm: rau ngót, rau muống, rau dền... và các loại quả có màu vàng, đỏ có nhiều tiền vitamin A như: gấc, đu đủ, xoài, cà chua.
Vai trò của vitamin C và vitamin A trong bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt quan trọng vì những lý do sau:
Vitamin C có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Vitamin A có vai trò đặc biệt trong hoạt động thị giác và tham gia làm giảm nhiễm khuẩn trong cơ thể, còn giúp tái tạo tốt các niêm mạc như niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa bị tổn thương sau quá trình viêm nhiễm. Sữa, trứng... là nguồn vitamin A động vật dễ dàng được hấp thu và dự trữ trong cơ thể để dùng dần.
Trong rau và quả còn chứa nhiều loại muối khoáng cần thiết cho cơ thể như sắt, đồng, coban (cần cho cấu tạo máu), canxi, phốtpho (cần cho cấu tạo xương), và nhiều yếu tố vi lượng khác cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Quả còn chứa nhiều các acid hữu cơ có tác dụng kích thích tiêu hóa. Một số quả như dứa có men bromelin, đu đủ có men papain giúp trẻ tiêu hóa tốt thức ăn. Chuối, hồng xiêm nghiền nát có tác dụng tốt với tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Nên ăn đa dạng quả để lấy đa dạng các loại vitamin và khoáng. Quả tươi ăn không qua chế biến không bị hao hụt chất dinh dưỡng, rất nên ăn hằng ngày.
Các loại rau cho trẻ ăn cần xay nhỏ và cho lẫn vào cháo bột khi cháo bột đã chín, đun sôi lại bắc ra ngay.
Trẻ từ tháng thứ 6 bắt đầu cần ăn quả tươi, có thể ép lấy nước các loại quả như: cam, quýt, chanh, xoài, dứa... lúc đầu ăn từ 5-7 giọt sau tăng dần lên 2-3 thìa cà phê, sau đó tập cho trẻ ăn chuối nạo, đu đủ, hồng xiêm nghiền nát ăn từ vài thìa đến cả quả.
Các thực phẩm không nên dùng là: những thực phẩm nguyên hạt, khó tiêu (như ngô...), thấp năng lượng mà chiếm dung lượng lớn như miến, khoai...
Những sai lầm cha mẹ hay mắc phải trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bị sốt nhiễm khuẩn:
Không tăng cường số bữa ăn cho trẻ mặc dù mỗi bữa trẻ chỉ ăn rất ít hoặc bỏ ăn. Nấu loãng hơn bình thường (cho ít chất đạm, dầu mỡ hơn bình thường) khiến cho trẻ đã ăn ít hơn về lượng lại càng bị thiệt thòi về chất.
Không cho dầu mỡ vào bát bột, cháo của trẻ khi trẻ bị sốt tiêu chảy. Như vậy không đúng vì chúng ta biết dầu mỡ có vai trò quan trọng thế nào, và với lượng hợp lý sẽ không là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ.
Không cho trẻ ăn thịt gà khi có ho sốt vì sợ trẻ ho nặng thêm. Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học, và thực tế cho thấy thịt gà không gây ho ở trẻ. Như chúng tôi đã phân tích ở trên, ta thấy hàm lượng đạm trong thịt gà thuộc loại cao trong các loại thịt, thịt gà lại rất thơm ngon do vậy nếu không cho trẻ ăn thịt gà trong giai đoạn trẻ đang bị nhiễm khuẩn, khó ăn là một điều rất thiệt thòi cho trẻ.
Không cho trẻ ăn cá tôm cua khi trẻ có nhiễm khuẩn ho hay tiêu chảy: Chỉ trong những hợp cá tôm cua là nguyên nhân gây tiêu chảy như một biểu hiện của bệnh dị ứng ở một số cơ địa dị ứng đồ tanh (tỷ lệ rất thấp) (những trường hợp này chỉ cần một lượng nhỏ cá tôm cua có thể gây tiêu chảy và hoặc nổi mẩn đỏ, ngứa ngoài da). Còn trong các trường hợp không phải cơ địa dị ứng đồ tanh thì những thực phẩm này rất nên cho trẻ ăn khi đang có bệnh nhiễm khuẩn.
Không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ kịp thời (khi trẻ bắt đầu sốt từ 39oC) khiến cho nhiều trường hợp trẻ bị co giật dẫn đến những tổn thương ở não bộ gây nên chứng động kinh sau này rất đáng tiếc.
Ở Việt Nam hay có những đợt sốt dịch do virut, đặc biệt mùa hè. Nếu dùng kháng sinh trong những trường hợp không cần thiết thì không những không có lợi mà còn gây cho cơ thể trẻ những mệt mỏi, hao tốn năng lượng vô ích. Chỉ nên dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn chư không chỉ đơn thuần virut.