Chăm sóc người nghiện rượu

08-01-2015 08:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Người nghiện rượu thường phải nhập cấp cứu bởi những ảnh hưởng lớn về sức khỏe, tinh thần.

Nghiện rượu được xem như là một bệnh nghiện mãn tính. Chứng nghiện rượu được liệt vào loại “rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất kích thích lên tâm thần”.

Một người được coi là nghiện rượu khi uống với một lượng nhỏ rượu nhưng đều đặn mỗi ngày. Những người mang chứng bệnh này thường không ý thức được tính nghiêm trọng của chứng bệnh.

Việc điều trị nghiện rượu có thành công hay không phụ thuộc vào ý chí và sự quyết tâm của người bệnh nhiều hơn là vào cách thức và thời gian điều trị.

Những chứng bệnh của người nghiện rượu

Hiện nay, rượu được biết đến như một vấn đề nan giải trong xã hội hiện đại. Nhiều người vẫn nhầm tưởng rượu là một chất kích thích, nhưng trên thực tế nó là chất ức chế thần kinh trung ương, ảnh hưởng mạnh đến tâm tính, sự phán đoán, cử chỉ, tính tập trung và ý thức của người sử dụng. Với số lượng vừa phải rượu đem lại cho người uống cảm giác khoan khoái, dễ chịu, vui vẻ, giải khuây, giúp quên đi những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống. Nhưng nếu lạm dụng rượu: uống rượu lượng nhiều và đều đặn mỗi ngày trong thời gian dài sẽ dẫn đến chứng nghiện rượu, nó sẽ “ăn mòn” sức khỏe và nhân cách, gây nhiều tác hại nặng nề, làm băng hoại đạo đức xã hội và đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Những người nghiện rượu nặng thường ở người trưởng thành hay người trên 60 tuổi. Người nghiện rượu thường phải nhập cấp cứu bởi những ảnh hưởng lớn về sức khỏe, tinh thần.

Về sinh lý, khi rượu vào cơ thể, nó sẽ được hấp thu tại dạ dày, phân hủy tạo các chất hóa học nguy hại và cơ quan bị ức chế đầu tiên là não bộ. Đây là nơi tập trung các tế bào não chịu trách nhiệm về chức năng phán đoán, ý thức tự chủ, sự kiềm chế về mặt đạo đức, do đó khi vùng trung tâm này bị ức chế, người nghiện rượu thường không kiểm soát ý thức và hành vi của mình. Họ nói nhiều nhưng không ý thức được nội dung nói, có hành động bất thường, đôi khi quái dị, nguy hiểm mà nếu không uống rượu thì không bao giờ một người bình thường có lòng tự trọng được phép thực hiện. Khi người uống vẫn tiếp tục uống thêm rượu thì những vùng não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, phối hợp động tác, thị giác sẽ bị ức chế tiếp theo họ đi đứng trở nên loạng choạng, không vững; nói năng lộn xộn và không kiểm soát được hành vi, dễ gây tai nạn khi lái xe, dễ nổi giận trong giao tiếp. Rượu gây ngộ độc trực tiếp nhiều cơ quan khác:

- Tiêu hóa: gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan.

- Tuần hoàn: tăng khả năng gây xơ vữa động mạch, góp phần gây đột quỵ trong một số trường hợp…

Người nghiện rượu được khuyến khích uống nhiều nước, đặc biệt là nước ép trái cây

Người nghiện rượu được khuyến khích uống nhiều nước, đặc biệt là nước ép trái cây

Người nghiện rượu rất hay ngủ gà và hôn mê đôi khi dẫn đến tử vong.Vì nguy cơ gây nghiện của rượu là rất lớn nên phương thức phòng ngừa và điều trị duy nhất là từ bỏ một cách triệt để các thức uống, món ăn hay thuốc uống có chứa cồn. Để đạt được mục đích này cần thiết ngoài điều trị triệu chứng không thể bỏ qua các biện pháp điều trị về tâm lý.

Do mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau có nền văn hóa không giống nhau nên việc cai nghiện rượu hay vấn đề thảo luận chống lại việc nghiện rượu sẽ khác nhau ở nhiều nước. Tại Việt Nam với nền văn hóa lâu đời, rượu đã đi vào lịch sử và văn hóa Việt, được cả xã hội công nhận thì việc này càng trở nên khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết đoán của người uống rượu và người chăm sóc.

Chăm sóc người bệnh

Khi tiếp nhận người nghiện rượu tại các cơ sở y tế, người điều dưỡng cần lượng giá người bệnh xem có các chấn thương đầu, các cơ quan khác trên cơ thể không? Lượng đường huyết? Có giảm đường huyết? Và có những vấn đề sức khỏe khác hay không? Ngoài ra cũng cần nhận biết các kiểu thở không hiệu quả liên quan đến chèn ép hệ thần kinh trung ương và nguy cơ cao của các hành động bạo lực liên quan đến nguyên nhân ngộ độc nặng do rượu.

Các giai đoạn điều trị cấp cứu người bệnh nhiễm độc rượu cấp tính bao gồm điều trị triệu chứng liên quan: giải độc rượu (1), ổn định (2), phục hồi (3).

Chăm sóc người bệnh trong thời gian giải độc rượu:

1. Khi điều trị người bệnh, nhân viên y tế cần phải có ý nghĩ khách quan, không kết án, không chỉ trích hay trách mắng người nghiện rượu khi họ nhập viện.

- Trong giai đoạn người nghiện rượu bị kích động có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và người khác nên nhân viên y tế cần tìm cách vừa bảo vệ an toàn cho người bệnh nhưng cũng giữ an toàn cho bản thân.

- Cần đối xử với người nghiện rượu bằng thái độ: cảm thông, chấp nhận những hành vi không tự chủ của họ; không khinh thường hay chống đối lại hành vi hay lời nói không tự chủ của người nghiện rượu.

- Nhân viên y tế cần nói chuyện nhẹ nhàng và chậm rãi thì người bệnh mới hiểu được, vì rượu sẽ ảnh hưởng đến tiến trình suy nghĩ của người nghiện rượu.

2. Cần lấy mẫu máu của người bệnh để thử nồng độ cồn.

3. Cho người nghiện rượu được tiếp tục ngủ nếu họ ngủ gà cho đến khi họ tỉnh rượu. Trong thời gian đó, nhân viên y tế phải:

- Theo dõi sát triệu chứng của tình trạng ức chế thần kinh trung ương.

- Duy trì đường thở thông thoáng.

- Nên nới rộng hoặc cởi quần áo và cho người bệnh đắp mền.

4. Tạo không gian êm dịu cho người bệnh nghỉ ngơi, tránh các âm thanh kích động. Đối với những người bệnh bứt rứt, không chịu nằm yên cần:

- Theo dõi sát người bệnh, đặc biệt về tình trạng tim mạch: giảm huyết áp; hô hấp và tri giác.

- Cố định an toàn cho người bệnh.

5. Thực hiện thăm khám, tìm những tổn thương do tai nạn cũng như phát hiện những bệnh lý kèm theo trên người nghiện rượu.

Những người nghiện rượu thường không tự phát hiện ra bệnh hoặc không quan tâm về sức khỏe của họ, bản thân họ sẽ có những bệnh lý như: xơ gan; rối loạn tiêu hóa; đái tháo đường; cao huyết áp; rối loạn chức năng tình dục: liệt dương ở nam, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ; gây dị tật thai nhi ở thai phụ, trầm cảm, mất trí nhớ…

- Đánh giá tình trạng thần kinh, theo dõi chấn thương đầu.

- Nhận định tình trạng hôn mê do ngộ độc rượu.

- Theo dõi sát tình trạng động kinh.

- Lượng giá tình trạng nhiễm trùng hô hấp:

Người nghiện rượu thường rất dễ bị nhiễm trùng hô hấp hậu quả từ sự ức chế hô hấp do rượu, suy giảm hệ thống miễn dịch và có khuynh hướng trào ngược dịch dạ dày.

Người bệnh có thể sốt nhẹ hay tăng bạch cầu nhẹ.

Chăm sóc giai đoạn ổn định:

Cung cấp cho người bệnh về chế độ dinh dưỡng hợp lý.

- Điều trị tiếp tục các bệnh lý kèm theo.

- Điều trị tâm lý, động viên, an ủi người bệnh.

- Hướng dẫn và giáo dục cho người nghiện rượu những tác hại về rượu.

Chăm sóc giai đoạn hồi phục:

Vai trò chăm sóc quan trọng trong giai đoạn này chính là gia đình và người thân của người nghiện rượu.

Phải thấu hiểu người nghiện rượu và lắng nghe họ, không sử dụng các biện pháp như: cách ly, phê phán và ngăn cấm họ uống rượu mà nên giải thích và động viên họ chủ động từ bỏ uống rượu.

Tạo ra thời gian thư giãn cá nhân cho họ như: khuyến khích họ tập thể dục, tập thiền thư giãn, tham gia các khóa học theo sở thích, dạy cho con học, nghe nhạc, đi xem phim… khi rảnh rỗi hoặc có chuyện không vui.

Tìm những tạp chí theo sở thích của họ để họ đọc.

Không bao giờ bàn luận hay dùng những từ có tên rượu hoặc liên quan tiệc rượu khi nói chuyện với họ.

Nếu người nghiện rượu vẫn tiếp tục uống chúng ta cần kiên trì, đồng hành lo lắng cho họ như: lau mặt cho họ thấy thoải mái, thay quần áo nếu họ nôn ói, cho họ uống nhiều nước, cho họ nghỉ ngơi nơi yên tĩnh và an toàn... và tuyệt đối không phê bình hay cố gắng giải thích những tác hại của rượu trong lúc này vì họ không còn hiểu được gì người thân nói mà còn dễ nổi giận và có thể có những hành động gây nguy hiểm cho mình. Dùng tình yêu thương thông qua những hành động chăm sóc tận tình sẽ giúp người nghiện rượu cảm nhận tình yêu thương và khát vọng sống. Nói tóm lại chỉ có tình yêu thương thật sự mới cai được nghiện rượu.

Người nghiện rượu được khuyến khích ăn các thức ăn có lợi cho sức khỏe: trái cây, rau xanh, nhiều chất xơ, uống nhiều nước đặc biệt nước ép trái cây nhằm mục đích nâng đỡ chức năng gan và cung cấp đủ nước cũng như giúp họ giảm bớt thèm rượu. Hãy cho người nghiện rượu ăn các thức ăn theo sở thích nhưng nên tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đạm và tránh xa các thức ăn cần có rượu để nhấm hay gọi là “mồi”. Cũng nên cho họ nhai kẹo cao su vì cách nhai này giúp giảm thèm rượu và kích thích sự thèm ăn do được tăng tiết nước bọt và dịch tiêu hóa.

Gia tăng vệ sinh thân thể để phòng tránh các bệnh về da, dinh dưỡng phù hợp, nuôi dưỡng tình thương yêu, thực hiện phương pháp thư giãn, rèn luyện ý chí của bản thân… là những biện pháp tốt nhất để cai rượu trong giai hồi phục. Việc phòng ngừa tái nghiện là rất quan trọng cho người nghiện rượu.

ThS.ĐD. NGUYỄN THỊ NGỌC SƯƠNG

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

 


Ý kiến của bạn