Hà Nội

Chăm sóc người mắc bệnh viêm họng: Những điều bạn cần biết

27-10-2021 06:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hiểu được tại sao lại mắc viêm họng, và quá trình diễn tiến của bệnh cũng như phương pháp điều trị đúng sẽ giúp lên kế hoạch chăm sóc khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh quá trình lành bệnh.

Bài viết có sử dụng lại một số thông tin tư vấn chuyên môn từ TS. BS. Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương và từ một số tài liệu y khoa đã đăng tải trước đây trên Báo Sức khỏe & Đời sống.

Viêm họng là bệnh khá phổ biến, bệnh xuất hiện quanh năm và thấy nhiều hơn vào thời điểm giao mùa. Bất cứ đối tượng, độ tuổi nào cũng có thể mắc viêm họng. Tuy không phải một bệnh lý quá nguy hiểm nhưng viêm họng mang đến nhiều khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh. Nếu không chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ dai dẳng lâu khỏi trở thành mãn tính, thậm chí dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. 

1. Tại sao bạn lại bị viêm họng?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm họng trong đó phải kể đến yếu tố nguy cơ như:

  • Thời tiết: thay đổi thời tiết đột ngột, chuyển lạnh, rét buốt,…
  • Các loại khói đốt như: Khói tàu xe, khói thuốc, khói than,…

  • Bụi bẩn trong không khí: môi trường sống và làm việc nhiều bụi bẩn ô nhiễm.

  • Trào ngược dạ dày, thực quản: khiến cổ họng luôn nóng rát và tổn thương niêm mạc.

  • Khối u: khối u khu trú tại cổ họng, lưỡi có thể gây viêm.

  • Nhiễm HIV: khi nhiễm HIV hệ miễn dịch suy yếu dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến viêm họng mãn tĩnh, tái đi tái lại do nhiễm trùng.

80% guyên nhân gây viêm họng là do virus, vi khuẩn:

  • Virus: cúm, sởi, Adenovirus...) tụ cầu, liên cầu, Hemophillus influenzae…
  • Vi khuẩn: phế cầu, vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes) gây nên biến chứng như viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm vi cầu thận cấp là những bệnh khá nguy hiểm. hiểm hoặc viêm họng cấp do nấm (Candida).

2. Diễn tiến của bệnh viêm họng

Những điều cần biết khi chăm sóc cho người mắc viêm họng - Ảnh 1.

Niêm mạc cổ họng sưng đỏ một trong những triệu chứng của viêm họng.

Thời gian đầu mắc viêm họng, bệnh nhân sẽ xuất hiện một vài triệu chứng như:

  • Sổ mũi.
  • Hắt hơi.

  • Nhức đầu.

  • Người nhức mỏi.

  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao (39-40 độ C).

  • Ớn lạnh.

  • Nuốt đau.

  • Ăn ngủ kém.

  • Dịch nhày, đờm nhiều gây ho.

Nếu viêm họng do virut thì có các biểu  hiện như:

  • Chảy mũi.
  • Ho.
  • Tiêu chảy.
  • Ban dạng virut.
  • Viêm kết mạc.

Nếu người bệnh có ít nhất một trong các dấu hiệu sau thì cần nghĩ đến viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A: 

  • Họng đỏ
  • Amidan sưng
  • Có chất xuất tiết trắng
  • Sưng đau hạch cổ
  • Sốt trên 38,5 độ C

Đây là một chứng bệnh nguy hiểm vì nguy cơ gây biến chứng nặng nề. Trường hợp này cần được điều trị đúng và đủ kháng sinh, để dự phòng các biến chứng thấp khớp cấp có thể ảnh hưởng đến tim sau này rất khó chữa. Vì vậy, khi có biểu hiện viêm họng, cần đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác bệnh.

3. Điều trị viêm họng

Trong điều trị viêm họng, chủ yếu tập trung điều trị triệu chứng như:

  • Nghỉ ngơi.
  • Uống nhiều nước.
  • Dùng các thuốc tây y hoặc đông y nếu ho nhiều. 
  • Có thể dùng mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh muối để uống giúp tiêu viêm, giảm đau rát.
  • Dùng thuốc hạ sốt như paracetamol khi sốt cao từ 38,5 độ trở lên.

Bệnh viêm mũi họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường kéo dài 3 - 4 ngày, người có sức đề kháng tốt sẽ hồi phục nhanh, mất dần các triệu chứng.

Đối với trẻ em và người cao tuổi, sức đề kháng yếu thì bệnh diễn biến phức tạp hơn. Do đó, dễ gặp biến chứng như viêm tai, viêm mũi, viêm phế quản, viêm họng mạn tính. Thậm chí, có nguy cơ thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S.pyogenes).

Nguyên nhân gây viêm họng chủ yếu do virus. Thuốc kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus, vì vậy bệnh nhân không tự ý dùng kháng sinh.

4. Chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi

Khi gặp các biểu hiện nghi viêm họng, người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Các bác sĩ qua chẩn đoán lâm sàng hoặc cận lâm sàng sẽ xác định tình trạng, nguyên nhân và loại bệnh viêm họng. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng đối tượng, từng loại bệnh viêm họng. Nhìn chung, khi bị bệnh viêm họng cần lưu ý những vấn đề sau đây:

    4.1. Uống thuốc điều trị viêm họng

Bác sĩ sau thăm khám sẽ cung cấp đơn thuốc và hướng dẫn chi tiết cách dùng thuốc điều trị viêm họng phù hợp với sức khỏe hiện tại của bệnh nhân.

Những điều cần biết khi chăm sóc cho người mắc viêm họng - Ảnh 2.

Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc chữa viêm họng.

Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định nhằm tập trung điều trị triệu chứng như:

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm (paracetamol, aspirin,…): thuốc giảm tình trạng sốt, đau rát, mệt mỏi, viêm sưng, khó nuốt,…
  • Thuốc kháng sinh: áp dụng khi bệnh trở nặng kèm triệu chứng ho nhiều, sốt cao, đờm có màu xanh hoặc vàng. 
  • Thuốc ho: một số loại thuốc đặc trị đông hoặc tây y được chỉ định nhằm giảm triệu chứng ho nhiều.
  • Thuốc nhỏ mũi: nhỏ mũi nước muối đẳng trương khi có dấu hiệu sổ mũi trong, ho, kém ăn.
  • Nước súc miệng: dung dịch sát khuẩn miệng như nước muối loãng hay dung dịch chuyên dụng có thể được chỉ định để hỗ trợ điều trị bệnh.

Những điều cần biết khi uống thuốc kháng sinh điều trị viêm họng: 

  • Chỉ dùng kháng sinh khi mắc viêm họng do vi khuẩn: kháng sinh không diệt được virus, các trường hợp viêm họng do virus tuyệt đối không dùng kháng sinh. 
  • Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh: lạm dụng thuốc kháng sinh khiến bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn gây nhờn thuốc kháng sinh, rối loạn tiêu hóa, suy giảm đề kháng,…
  • Không tự ý dừng thuốc khi chưa hết toa: nhiều trường hợp khi thấy dứt triệu chứng liền dừng thuốc, lúc này vi khuẩn chỉ yếu đi, chưa được tiêu diệt hoàn toàn. Dừng toa thuốc sẽ gây tình trạng tái bệnh, nhờn thuốc, thuốc không còn tác dụng gây hậu quả nghiêm trọng trong điều trị sau này.
  • Không uống lại các đơn thuốc cũ: mặc dù các triệu chứng viêm họng khá tương đồng, tuy nhiên không đảm bảo được tất cả các lần mắc viêm họng đều do một nguyên nhân. Người bệnh sử dụng kháng sinh tùy tiện sẽ không có hiệu quả điều trị và gây kháng thuốc.
  • Đi khám ngay nếu gặp triệu chứng bất thường sau uống thuốc: nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như sốt cao, phát ban, nôn ói, đi ngoài…sau khi uống thuốc thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Một số lưu ý khi dùng thuốc đối với trẻ em:

  • Không tự ý dùng các thuốc ngưng sổ mũi (chlorpheramin hoặc desloratadin): các thuốc này hoạt động theo cơ chế làm khô đờm từ đó ngắt cơn sổ mũi. Triệu chứng sổ mũi của trẻ thuyên giảm, nhưng đờm khô sẽ khiến kích thích ho nhiều do không tống được ra ngoài.
  • Không tự ý nhỏ các thuốc co mạch cho trẻ dài ngày: lạm dụng các thuốc này sẽ gây nhờn thuốc, tác dụng ngược, sung huyết mũi, tổn thương niêm mạc trẻ em non nớt,…cần sử dụng thuốc dưới chỉ định của bác sĩ.
  • Không tự ý dùng các thuốc loãng đờm: đặc biệt với bé quá nhỏ vì có thể làm nặng tình trạng bệnh khi bé không thể tống đờm ra khỏi họng.
  • Tạo tâm lý thoải mái vui vẻ khi uống thuốc: tâm lý trẻ nhỏ thường sợ uống thuốc. Vì vậy, bố mẹ cần tạo không khí thoải mái, tránh quát mắng để trẻ tự nguyện uống thuốc. Từ đó, trẻ dễ hấp thụ thuốc, không nôn trớ sau uống thuốc. Sử dụng các loại thuốc có thành phần hương vị dễ uống hấp dẫn cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Uống thuốc đúng thời điểm: uống thuốc sau bữa ăn 15-30 phút là thích hợp nhất để cho trẻ uống thuốc cũng như hấp thụ tốt thuốc cho cơ thể. Nếu uống ngay lập tức sau bữa ăn, trẻ co thể nôn gây phí thuốc. Nếu hiện tượng nôn sau khi uống thuốc của trẻ lặp lại nhiều lần, bố mẹ cần thay đổi cách cho bé uống thuốc hoặc nói với bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp.
  • Không dùng aspirin cho trẻ em: vì có thể gây suy hô hấp, co thắt phế quản, làm nặng thêm bệnh hen, dị ứng, sốc phản vệ,…

    4.2. Cách hạ sốt khi bị viêm họng

Sốt cao là một trong những triệu chứng gặp phải khi bị viêm họng. Nhiệt độ cơ thể lúc này có thể lên đến 38,5 – 40 độ C. Một số lưu ý để hạ sốt nhanh chóng và đúng cách khi bị viêm họng như: 

  • Sử dụng các thuốc hạ sốt, giảm đau (chứa paracetamol, tylenol, aspirin…) đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, hoặc uống theo chỉ định của bác sĩ. Uống thuốc cách nhau 4-6 giờ, không dùng quá 5 lần mỗi 24 giờ. 
  • Đối với trẻ em cần lưu ý liều lượng thuốc giảm sốt: hàm lượng paracetamol 80mg dành cho trẻ 5-8kg hoặc dưới 1 tuổi, hàm lượng 150mg dành cho trẻ 10-15kg hoặc 1 -3 tuổi, 250mg dành cho trẻ 16-25 kg hoặc trẻ 4 - 6 tuổi.
  • Chườm ấm nách, cổ, tay chân: giúp lỗ chân ông giãn nở, các mạch máu ngoại vi lưu thông dễ dàng, tản nhiệt từ đó giảm nhiệt độ cơ thể.
  • Tắm nước ấm, ngâm mình trong bồn tắm nước ấm: người lớn có thể hạ sốt bằng cách này, giúp tản nhiệt các vùng nách, háng giúp cơ thể hạ sốt. Đặc biệt, chú ý tắm và ngâm mình trong phòng kín gió với nhiệt độ nước ấm.
  • Vào thời tiết lạnh, cần giữ ấm cơ thể và đặc biệt là các khu vực cổ, bàn chân, ngực.
  • Bù nước bằng cách uống nhiều nước, uống nước hoa quả hoặc sử dụng dung dịch điện giải Oresol theo liều lượng quy định.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng, thoải mái.

    4.3. Bù nước và chất điện giải đúng cách 

Sốt khiến cao khiến cơ thể toát mồ hôi nhiều, gây mất nước, chính vì vậy cần chú trọng bù lại lượng nước đã mất cho cơ thể. Có một số cách bù nước hiệu quả như:

Bù nước bằng Oresol:

  • Sử dụng dung dịch điện giải đúng liều lượng quy định.
  • Không dùng dung dịch đã pha bị nhiễm bẩn hoặc quá 24h.
  • Không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng. Điều đó khiến các thành phần không đồng nhất và gây nhầm lẫn thể tích khi pha.
  • Không pha với nước khoáng, làm sai lệch nồng độ, chỉ nên dùng nước lọc đun sôi, để nguội.
  • Không đun sôi dung dịch đã pha, có thể làm mất các chất của thuốc, bay hơi, tăng độ thẩm thấu.

Bù nước cách thông thường:

  • Uống đủ 1,5 – 2 lít nước một ngày, môi lần uống vừa đủ, không uống dồn dập.
  • Uống các loại nước trái cây như: cam, chanh, dưa hấu,…
  • Ăn cháo, súp,…

    4.4. Giữ vệ sinh cá nhân

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ giúp loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn, tạo cảm giác thông thoáng dễ chịu hơn, đồng thời tắm cũng giúp giãn nở lỗ chân lông, giảm nhiệt độ cơ thể, hạ sốt. 

Vệ sinh đối với người lớn:

Tắm trong phòng kín gió, tắm dưới vòi sen nước ấm.  Nếu tắm bồn cần làm đầy nước ấm trong bồn rồi từ từ ngồi xuống để cơ thể thích nghi với nhiệt độ nước. Làm khô tóc ngay khi tắm xong.

Cách tắm cho trẻ khi bị viêm mũi họng, sốt:

  • Đo nhiệt độ trước khi tắm để nắm được thân nhiệt, từ đó có phương pháp tắm phù hợp.
  • Pha nước tắm thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ C.
  • Tắm bằng khăn lau hoặc bọt biển.
  • Tắm trong phòng kín gió, tránh gió lùa, nhiệt độ phòng ổn định.
  • Gội đầu trước, thao tác nhanh, tiếp đến phần thân.
  • Lau khô trẻ bằng khăn bông mềm và mặc quần áo thoáng, thấm hút tốt.
  • Lưu ý thời gian tắm không nên quá lâu.

    4.5. Chăm sóc, vệ sinh mũi họng khi bị viêm họng

Mũi họng khi bị viêm sưng sẽ tiết nhiều dịch mủ gây khó thở, vướng cổ, cần vệ sinh loại bỏ các dịch nhày thường xuyên để bệnh lành nhanh. Dưới đây là một số hướng dẫn khi vệ sinh mũi họng cho người lớn và trẻ em.

Những điều cần biết khi chăm sóc cho người mắc viêm họng - Ảnh 3.

Vệ sinh mũi họng thường xuyên và đúng cách.

Đối với người lớn:

  • Súc miệng và cổ họng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0.09% NaCI.
  • Đánh răng đầy đủ vào mỗi buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
  • Xì mũi để loại bỏ dịch nhầy và rửa nhẹ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý hoặc lau bằng tăm bông.

Đối với trẻ em:

  • Trẻ sơ sinh: Dùng dụng cụ hút mũi để hút đi dịch nhầy. Tuy nhiên, không nên lạm dụng vì có thể tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Làm sạch răng miệng của trẻ bằng dụng cụ rơ lưỡi đều đặn sáng và tối. Ngoài ra, bạn có thể ra trạm xá để được bác sĩ vệ sinh mũi cho trẻ bằng dụng cụ chuyên dụng.
  • Trẻ lớn: hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng sáng và tối, mỗi lần không ít hơn 2 phút. Súc miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối. 

    4.6. Chế độ dinh dưỡng tăng đề kháng cơ thể

Những điều cần biết khi chăm sóc cho người mắc viêm họng - Ảnh 4.

Người mắc viêm họng cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học.

Xây dựng một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng giúp tăng cường đề kháng nâng cao miễn dịch từ đó nhanh chóng phục hồi và phòng ngừa tái phát bệnh. 

Một số thực phẩm, dưỡng chất cần bổ sung để tăng đề kháng khi mắc viêm họng là:

  • Thức ăn giàu Vitamin A và C giúp tăng đề kháng, bảo vệ và làm dịu niêm mạc cổ họng, tăng sức bền thành mạch: cà rốt, cam, gấc, rau ngót, rau dền,..
  • Thực phẩm chứa khoáng chất như sắt, kali,…có tác dụng làm lành thương tổn niêm mạc cổ họng: cua, nấm hương, mộc nhĩ, rau dền đỏ,…
  • Thực phẩm chứa kẽm: các loại hạt, nấm, hải sản,…
  • Mật ong hấp quất, chanh muối, gừng hấp đường,…là các thực phẩm có tác dụng giảm viêm, giảm đau nên bổ sung trong chế độ chăm sóc trẻ viêm họng.
  • Bổ sung nước trái cây: cam, chanh, dưa hấu,…
  • Sữa chua.
  • Trứng.
  • Các mốn luộc.
  • Tỏi…

Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng khi bị viêm họng như:

  • Sử dụng thức ăn trơn, mát, dễ nuốt, tránh được khó chịu khi nuốt và thương tổn niêm mạc cổ họng.
  • Thay đổi thực đơn đa dạng, phong phú thường xuyên giúp cung cấp đủ dưỡng chất và tạo cảm giác ngon miệng.
  • Không sử dụng các loại đồ uống lạnh, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ.

Chế dộ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh mắc viêm họng:

Cho bé bú nhiều cữ trong ngày, sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu giúp tăng cường đề kháng của trẻ, nên tăng liều lượng sữa mẹ để trẻ hấp thu nhiều dưỡng chất hơn.

    4.7. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng

  • Môi trường không khí nhiều bụi bẩn sẽ gây hại nghiêm trọng đến đường hô hấp. Cần tự bảo vệ đường hô hấp và làm sạch môi trường sống nhằm giảm nguy cơ tái phát bệnh viêm họng.
  • Đeo khẩu trang tránh bụi,…khi ra đường hoặc làm việc ở nơi có nhiều khói bụi.
  • Thường xuyên lau dọn nhà cửa.
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói đốt,…
  • Tránh quạt, máy lạnh quạt thẳng vào mặt hoặc đầu, giữ nhiệt độ điều hòa ổn định không quá lạnh.
  • Hạn chế tới những nơi đông người, nếu mắc bệnh cần cách ly, không để tiếp xúc lây lan.
  • Bịt mũi, miệng khi ho, hắt hơi và vứt giấy lau vào thùng rác, không vứt lung tung gây lây nhiễm.
  • Thường xuyên thay chăn, ga, gối đệm,…
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để giảm khô trong không khí.

  5. Khi nào cần tới bệnh viện?  

Khi gặp các biểu hiện sau cần đi khám ngay:

  • Sưng tấy cổ lưỡi. 
  • Đau họng kèm phát ban.
  • Đau họng kèm sốt cao. 
  • Cổ cứng. 
  • Đau họng kèm chảy nước dãi.
  • Rêu lưỡi trắng kéo dài hơn 7 ngày. 
  • Có máu trong nước bọt hoặc đờm. 
  • Đau họng, đau khớp quai hàm, đau tai.

Đôi với trẻ em, cần đưa tới bệnh viện ngay khi có các biểu hiện như: 

  • Sốt cao liên tục trên 38 độ C, đã sử dụng các biện pháp hạ sốt nhưng không có tác dụng, co giật.
  • Trẻ ho dai dẳng, giữ dội, thở gấp, thở khó, co rút lồng ngực.
  • Trẻ đi ngoài ra phân lỏng nhiều lần trong ngày, trẻ nôn chớ nhiều.
  • Các triệu chứng liên tục trong 2 ngày điều trị không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Chảy dịch tai.

Hồng Hạnh (tổng hợp)
Ý kiến của bạn