Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật sọ não

07-05-2020 10:30 | Y học 360
google news

SKĐS -Phẫu thuật sọ não bao gồm những phẫu thuật bệnh lý và chấn thương như bệnh u não, dị dạng mạch não, chấn thương sọ não, vết thương sọ não… Giống như những ngành ngoại khoa khác, sự chăm sóc, chuẩn bị và theo dõi trước, trong và sau mổ rất quan trọng đối với bệnh nhân. Chăm sóc trước và sau mổ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả điều trị phẫu thuật.

Nhờ sự áp dụng những phương tiện hiện đại như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, chụp mạch não, kính vi phẫu, định vị…trong chẩn đoán và điều trị nên chuyên ngành phẫu thuật thần kinh rất phát triển.

Mở nắp sọ là một phần của phẫu thuật sọ não, trong đó hộp sọ được mở ra để cho phép phẫu thuật viên can thiệp vào não hoặc các mạch máu não. Mở nắp sọ được thực hiện trong các phẫu thuật, bao gồm:
• Lấy bỏ một khối u, chẳng hạn như u màng não.
• Lấy bỏ cục máu đông trong tai biến mạch não hoặc dẫn lưu áp xe não.
• Sửa chữa các tổn thương gãy xương sọ sau chấn thương.
• Giải ép mạch máu – thần kinh trong đau dây thần kinh V (còn được gọi là Giải ép vi mạch),...
Trong một số ít trường hợp, mở nắp sọ còn được tiến hành khi nối tắt mạch trong – ngoài sọ để điều trị một số bệnh về mạch máu não.
Chăm sóc người bệnh sau khi phẫu thuật sọ não đóng vai trò vô cùng quan trọng, vậy chăm sóc như thế nào cho đúng?

Chăm sóc vết mổ

Hãy giữ vết mổ của bạn sạch sẽ và khô ráo; Bạn có thể gội đầu nhưng cần cẩn thận, tránh gõ hoặc chà xát bất kỳ vật nào trên vết mổ. Làm khô tóc của bạn bằng cách lau khăn khô, sạch. Tránh nhiệt trực tiếp từ máy sấy tóc trong vài tuần đầu tiên. Không sử dụng bất kỳ loại kem dưỡng da, thuốc mỡ hoặc các sản phẩm khác vào vết thương và tránh thuốc nhuộm tóc cho đến 12 tuần.

ảnh minh họa.

Các hoạt động thể chất

Việc tập vận động thường xuyên để giúp máu lưu thông ở chân và giảm nguy cơ đông máu. Một việc cũng quan trọng cần dành thời gian luyện tập là tập hít thở sâu để giảm nguy cơ viêm phổi, đặc biệt là trong vài tuần đầu sau khi phẫu thuật. Tăng mức độ hoạt động của bạn từ từ.
Nếu bạn cảm thấy đau đầu nhẹ hoặc mệt mỏi sau khi hoạt động, hãy nghỉ ngơi và giảm bớt số lượng hoạt động mà bạn đang làm. Bạn cũng cần rèn luyện để thích nghi với việc hoạt động chậm hơn. Không được lái xe cho đến khi bạn được bác sĩ cho phép.Bạn có thể tiếp tục hoạt động tình dục nếu bạn cảm thấy thoải mái, có ham muốn.Tránh mọi hoạt động khiến bạn nín thở và nâng đẩy, ví dụ: nâng hoặc di chuyển các vật nặng, rặn lâu trong quá trình đi đại tiện. Nhớ nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Lắng nghe cơ thể của bạn và tránh quá sức. Bạn có thể giúp chăm sóc trẻ em, việc nhà, mua sắm hay chuẩn bị bữa ăn.

Một số triệu chứng cần theo dõi

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên đến khám lại: Cảm thấy không khỏe;  Buồn ngủ, ngủ nhiều; Đi lại khó khăn, yếu ở chân, tay hoặc mặt; Hay nhầm lẫn hoặc các rối loạn về trí nhớ; Nhìn đôi hoặc mờ mắt;  Cứng cổ; Sốt; Sợ ánh sáng; Nhức đầu dữ dội; Nôn liên tục hoặc cảm thấy mệt mỏi sau những ngày cảm thấy khỏe khoắn; Vết mổ của bạn có dấu hiệu đỏ, sưng, hoặc chảy bất kỳ dịch nào từ vết mổ hoặc cảm thấy nóng khi sờ vào vết mổ; Ho có đờm màu vàng hoặc xanh; Đau, sưng hoặc đỏ ở bắp chân hoặc đùi của bạn; Bất kỳ dấu hiệu nào của cơn co giật hoặc co giật, chẳng hạn như co giật ở mặt, ở tay chân, cử động hoặc tê và ngứa ran ở một vị trí hoặc một số vị trí trên cơ thể bạn.


BS. Khắc Hiếu
Ý kiến của bạn