Có hai dạng dẫn lưu bàng quang là đặt ống thông bàng quang qua niệu đạo và dẫn lưu bàng quang trên xương mu. Người bệnh có thể đang mắc phải một bệnh lý tuyến tiền liệt không mổ được hoặc cần lưu ống thông tiểu trong thời gian kéo dài giữa các cuộc mổ đường tiết niệu hoặc gặp bệnh lý bàng quang thần kinh gây rối loạn khả năng tiểu tiện... Dẫn lưu bàng quang dài ngày được chỉ định khi có rỉ nước tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu thường xuyên (liệt hai chi dưới hoặc những bệnh không mổ được) khi không hề có lựa chọn nào khác có thể thực hiện được.
Cho dù do bất cứ nguyên nhân nào thì việc người bệnh mang theo ống thông tiểu về nhà trong thời gian dài là có nhiều nguy cơ.
Những nguy cơ có thể gặp phải
Nguy cơ chính là nhiễm trùng (nhiễm trùng lỗ tiểu, niệu đạo, bàng quang, niệu quản, thận). Ống thông đặt dưới 7 ngày, tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng khoảng từ 10 - 30%. Ống thông đặt quá 28 ngày gọi là lưu ống thông dài ngày. Loại này luôn có nguy cơ nhiễm trùng cao.Bởi khi có đặt ống thông tiểu là luôn có tình trạng vi trùng thông thương với đường tiết niệu. Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng tiết niệu là có thể trở thành nhiễm trùng máu.
Mặt khác, ống thông bàng quang để trong thời gian dài cần được thay định kỳ. Do vậy khi thay ống thông có thể xảy ra những thương tổn niệu đạo, tuyến tiền liệt, bàng quang do làm thủ thuật quá mạnh tay, do ống thông có kích thước lớn, do đặt ống thông chưa vào hết bàng quang đã bơm căng bóng khi bóng còn trong niệu đạo hoặc do ống thông bị thúc mạnh...
Thường xuyên xả nước tiểu khỏi túi đựng.
Những nguy cơ khác có thể là tình trạng viêm của niêm mạc bàng quang do để ống thông lâu ngày; Teo bàng quang; Sỏi bàng quang; Là tình trạng bán hẹp bao quy đầu; Hoặc rỉ nước tiểu qua lỗ tiểu do tắc ống thông hay do bơm bóng không đủ căng hay thậm chí do ống thông quá nhỏ. Việc tắc ống thông thường do máu cục hoặc cặn nước tiểu; Dò niệu đạo do cố định ống không đúng vị trí; Hoại tử niệu đạo do ống cố định quá chặt, không chừa khoảng cách cử động hoặc do túi chứa nước tiểu quá nặng.
Các yếu tố khác không phụ thuộc vào ống thông bao gồm:
Lưu lượng nước tiểu: Nếu lượng nước tiểu càng ít thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao.
Sự ứ đọng nước tiểu: Bất kỳ sự tắc nào của hệ thống ống dẫn tiểu đều gây ứ đọng nước tiểu, là yếu tố nhân lên của vi khuẩn.
Giới tính: Nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ gấp đôi lần so với nam giới. Ở nam giới thường gặp viêm tinh hoàn cấp, viêm tuyến tiền liệt cấp tính.
Tuổi càng cao nguy cơ nhiễm khuẩn càng lớn.
Các bệnh phối hợp, nhất là bệnh tiểu đường.
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ, người bệnh cần được bác sĩ giải thích rõ trước khi ra viện. Trong thời gian ở nhà có mang theo thông tiểu, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân phải hiểu biết để tự phục vụ mình.
Những điều người bệnh và người chăm sóc cần lưu ý
Túi hứng nước tiểu phải vô trùng, có thể xả hết được, có van chống trào ngược, có ống dẫn với kích thước lớn, tương đối cứng. Cần tôn trọng một số quy tắc sau: Cần giữ cho nước tiểu thông tốt, không nên tháo bỏ ống dẫn một cách không vô trùng, thường xuyên xả hết nước tiểu trong túi chứa. Hạn chế tối thiểu việc tháo rời ống.
Tất cả những bệnh nhân phải đặt thông tiểu từ ngày thứ 3 đều có thể có nguy cơ nhiễm trùng nước tiểu nếu không tôn trọng những nguyên tắc trên.
Nếu nhiễm trùng nước tiểu, bệnh nhân có thể có triệu chứng như sốt, đau bụng dưới, rét run, nước tiểu đục..., cần phải điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Có thể cần lấy mẫu nước tiểu làm xét nghiệm vi khuẩn.
Khi ống thông bị tắc, bệnh nhân sẽ bị đau tức vùng bụng dưới và có hiện tượng nước tiểu rỉ quanh ống thông. Khi đó cần bơm rửa bàng quang qua ống thông bằng bơm tiêm và uống nhiều nước. Nếu ống thông vẫn bị tắc, cần thay ống thông mới. Những việc này phải được thực hiện bởi nhân viên y tế và chỉ định của bác sĩ. Có thể thực hiện tại nhà hoặc tại bệnh viện.
Cần uống nhiều nước để đạt khoảng 2 l nước tiểu/ngày.
Vệ sinh bộ phận sinh dục, hậu môn, lỗ tiểu, vùng ống thông sát lỗ tiểu khoảng 2 lần/ngày trong trường hợp ống thông niệu đạo. Nếu là dẫn lưu bàng quang trên xương mu: Cần giữ vệ sinh hàng ngày tránh để thành nhiễm trùng vết mổ. Cần thay băng, sát khuẩn hàng ngày. Cố định ống thông vào thành bụng bằng băng dính. Để phòng ngừa teo bàng quang, nếu không cần theo dõi nước tiểu mỗi giờ, nên kẹp dây dẫn nước tiểu và xả ra mỗi 3 giờ/1 lần hoặc khi bệnh nhân có cảm giác buồn đi tiểu để tập cho bàng quang hoạt động.
Và cuối cùng là phải thay ống thông mỗi tháng 1 lần.
Nếu có sốt, đau bụng, nước tiểu đục, nước tiểu lẫn máu, buồn nôn... cần phải thông báo ngay với bác sĩ.
Một số tình huống có thể xảy ra
Ít hoặc không có nước tiểu trong túi chứa: Có nhiều lý do, có thể do ống thông bị tắc do máu cục, có thể do ống thông lạc chỗ, cũng có thể do bệnh nhân uống ít nước
Ống thông bị tắc: Bệnh nhân đau bụng dưới, nước tiểu rỉ quanh bên ngoài ống thông. Cần bơm rửa bàng quang qua ống thông, cần uống nhiều nước. Nếu không làm hết tắc được, cần thay ống thông
Ống thông bị tuột ra: Biểu hiện với chảy máu nhiều. Cần đặt lại ống thông, bơm căng bóng rồi kéo căng ống thông rồi cố định vào đùi. Việc kéo căng này chỉ được kéo dài dưới 1 giờ nhằm tránh biến chứng hoại tử lỗ tiểu (với ống thông niệu đạo).
Rỉ nước tiểu quanh ống thông: Do ống thông bị tắc hoặc lạc chỗ. Do túi chứa để cao hơn bàng quang. Cần kiểm tra sự thông suốt của ống thông và phải thay ống nếu cần. Có thể do bàng quang co thắt bất thường, khi đó dùng thuốc chống co thắt (oxybutynine ) sẽ hết.
Tiểu máu: Có thể do tình trạng viêm của bàng quang do lưu ống thông lâu ngày, cũng có thể do bệnh lý ( sỏi, u bàng quang...). Cần rửa bàng quang, uống nhiều nước. Nếu không hết, cần báo cho bác sĩ. Lưu ý rằng, với bệnh nhân có lưu ống thông tiểu trên 10 năm cần phải được kiểm tra khối u bàng quang một cách hệ thống.