Hà Nội

Chăm sóc mắt trong kỳ học online

24-04-2020 09:30 | Đời sống
google news

SKĐS - Vừa rồi các em học sinh phải học online để thực hiện giãn cách xã hội, phòng ngừa dịch bệnh. Ở góc độ của bác sĩ chuyên khoa mắt, học online có nhiều điểm cần chú ý.

Trước ngày dịch COVID- 19 hoành hành, mắt của trẻ đã khá là mệt mỏi rồi. Bao nhiêu môn học khiến mắt hoạt động liên miên - ước tính là 5 tiếng với trẻ thành thị. Nếu làm bài tập và học ở nhà nữa là khoảng 7 tiếng. Nếu sau đó, lại xem TV hay chơi game thì là 10-12h/ngày. Đôi mắt mệt nhoài!

Nay thực hiện học online,  dường như con trẻ được thoải mái dùng các thiết bị điện tử để học tập, tra cứu, chơi vui tại nhà. Dù rằng như thế vẫn còn hơn chơi rông, rồi lây bệnh hay truyền bệnh cho người khác, nhưng chúng ta đã quên đi tác hại của việc dùng mắt đến cạn kiệt.

Mắt phải hoạt động không cần biết hậu quả

Trong thời đại hiện nay, ngưỡng dùng máy tính và các loại màn hình khác là dưới 5 tiếng/ngày được coi là an toàn hay chí ít cũng đừng quá 7 tiếng/ngày. Nếu không thì sao? Nếu ai quên, tôi xin nhắc lại, nếu bạn dùng mắt bất chấp mọi giá sẽ gây hậu quả sau:

Bị cận thị và cận thị tăng số nhanh. Nghiên cứu trên sinh viên tại Singapore sau 3 tháng ôn thi miệt mài, chúng sẽ phát sinh cận thị khoảng 0.50-0.75D. Nghiên cứu cỡ mẫu lớn tại Mỹ với những người dùng các loại màn hình trên 7 tiếng/ngày, sau 2 năm có tới 80% sẽ bị cận thị.

Chăm sóc mắt trong kỳ học onlineMắt cận thị và cận thị tăng số nhanh là hậu quả khi trẻ học online và tiếp cận nhiều máy tính, thiết bị điện tử.

Khô mắt với các khó chịu như: Chói, cộm, dàn dụa nước mắt, nhìn mờ thoáng qua, không tiếp tục công việc được hoặc giảm tập trung khi làm việc máy tính. Màn hình LCD hiện đại vẫn không cản được hoàn toàn ánh sáng xanh, môi trường điều hòa thông khí nhân tạo, giảm chớp mắt do tăng chú ý... là tổng hợp các nguyên nhân làm khô mắt nhiều hơn, nặng hơn ở những người nghiện màn hình.

Mỏi mắt, đau đầu, rối loạn và co quắp điều tiết: Mỏi mắt, cảm giác giật mắt, đau nhức trong hốc mắt, nhìn mờ cả xa và gần thoáng qua... là những khó chịu khi làm việc với máy tính do mệt mỏi thị giác, tình trạng co cơ mắt hay mệt mỏi điều tiết.

Các rối loạn tâm thần, chứng cách biệt xã hội, gù vẹo, rối loạn dinh dưỡng là những biến loạn xa nhưng đã và có thể gặp phải.

Lời khuyên của bác sĩ mắt

Trước khi những hệ quả do COVID-19 gây ra chấm dứt, chúng ta nên cùng với trẻ thay đổi và cải tạo để học online hay làm việc tại nhà hợp vệ sinh mắt hơn. Thiết nghĩ, ngay cả khi hết dịch rồi, những lời khuyên sau đây vẫn còn hữu ích:

Chọn môn học online: Hãy để các nhà sư phạm, khoa học giáo dục lên tiếng nhưng không phải môn nào cũng dùng e-learning được. Điều này gọi là lạm dụng máy tính, gây mệt mỏi thị giác.

Giờ học hợp sinh lý: Các giờ học nên tránh khoảng 17h-19h, 7h-9h, 11h-13h. Khung giờ này trùng đúng điểm rơi của sinh lý cơ thể cũng như cơ quan thị giác, thích hợp với nghỉ ngơi chứ không phải học hành.

Tần suất và giãn cách: Nên quan tâm tới tần suất học xen kẽ với thời gian giãn cách để mắt được nghỉ ngơi phù hợp.

Không bỏ mặc trẻ tự học tự chơi: Đừng nghĩ để trẻ ở nhà, có đồ ăn, máy tính, mạng là xong. Bố mẹ thoải mái ra ngoài là không ổn. Chúng ta vẫn nên giám sát, bảo ban trẻ: Sau 1h học, nên nghỉ 5 phút; sau 2h học, nên nghỉ 15 phút. Không ra ngoài hay thả tầm mắt được thì cũng nhắm mắt lim dim, massage quanh mắt, chườm ấm nếu mắt mệt mỏi. Tổng giờ tương tác với màn hình: đừng quá 7h/ngày.

Chiếu sáng và tăng độ tương phản: Màn hình có nấc tăng chiếu sáng tự thân, có nút tăng tương phản, chỉnh cỡ chữ và ký tự to lên..., bạn có thể giúp con cái nhưng không nên tạo hiệu ứng glare-lóa, sáng quắc. Chiếu sáng từ bên ngoài là nguồn phụ nhưng quan trọng nên chiếu từ phía trên và phía sau lại màn hình. Bóng đèn công suất bé, compact và đèn vàng là thích hợp, không nên dùng đèn neon. Không nên để gần máy tính ở cửa sổ hay nguồn sáng mạnh, gây giao thoa ánh sáng và hiệu ứng glare.

Chăm sóc mắt trong kỳ học onlineNên kiểm soát việc học trên máy tính của trẻ để ngừa các bệnh về mắt.       (Ảnh minh họa)

Cự ly, khoảng cách:  Học bằng smartphone do màn hình bé nên chỉ nghe giảng và học ngoại ngữ thì ổn. Nên cho trẻ dùng laptop và desktop là thích hợp. Khoảng cách từ mắt đến màn hình: Desktop khoảng 60-80cm, laptop-ipad 30-40cm là vừa. Màn hình tạo với trục nhìn góc 15-20 độ là khuyến cáo chung. Tư thế ngồi thấp quá, cự ly có vấn đề hay gặp khi ta để con trẻ tự nhiên dùng bàn làm việc của bố mẹ. Ngoài laptop, bố mẹ cũng nên quan tâm đến bàn, ghế hợp với tầm vóc của trẻ.

Dinh dưỡng cho mắt: Giai đoạn trẻ học online, mắt phải làm việc nhiều, vì thế ngoài cân đối dinh dưỡng chung, phải bồi dưỡng cho mắt. Rau, củ, quả màu đỏ hoặc vàng nên được ăn nhiều. Hải sản, các loại cá, nhuyễn thể rất tốt cho mắt và não. Nếu không thì dùng một loại thuốc bổ mắt hay thực phẩm chức năng chứa vitamin A-E-C cũng không phải là thừa.

Nước mắt nhân tạo và thuốc chống mỏi mắt: Rất nhiều cơn mỏi mắt, chảy nước mắt, đau rát mắt sẽ phát sinh khi trẻ học online. Có điều trẻ không nói ra. Cha mẹ nên chủ động bổ sung cho con nước muối rửa mắt hoặc nước mắt nhân tạo, chất bôi trơn mắt. Thuốc chống mỏi mắt dạng nhỏ tác dụng khiêm tốn và không giải tỏa tức thì chuyện mỏi mắt  nhưng nếu có điều kiện cũng nên dùng thử.

Chúng ta ai cũng mong những ngày tháng chống dịch nhanh chóng qua đi để cuộc sống lại trở lại bình thường. Dù là về bình thường thì các bậc phụ huynh cũng lưu ý một điểm cơ bản với con trẻ: chúng ít nói ra những vấn đề của mình vì tưởng đó là bình thường. Hãy gần gũi, tìm hiểu con cái xem chúng cần gì để giải quyết những bệnh mắt do học nhiều, bệnh mắt thường gặp và đừng quên phòng chống tai nạn mắt tại nhà.


TS.BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn