Làm giảm thị lực nghiêm trọng
Như chúng ta đã biết, thời lượng làm việc bằng mắt với các loại máy tính, màn hình chỉ được cho phép dưới 5 giờ/ngày. Nhưng với tình trạng học hành trong giai đoạn này học sinh, sinh viên phải dùng máy tính lên đến 7 – 8 giờ, thậm chí là nếu lại giải trí tiếp bằng các thiết bị thông minh thì thời lượng có thể lên tới 10 – 12 giờ/ngày. Như thế rất đáng ngại cho mắt.
Theo các nghiên cứu, khi chúng ta làm việc với các phương tiện có màn hình, ở cự ly gần trên 7 giờ/ngày thì tiến triển của cận thị sau 5 năm thì khoảng 70% sẽ mắc cận thị, nếu chưa cận thị thì sẽ cận thị, nếu đã cận thị rồi thì sẽ tăng số tương ứng với cường độ và thời gian làm việc bằng các loại màn hình.
Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề thị giác khi dùng máy tính
Đôi mắt phải hoạt động, điều tiết liên tục cả ngày khi làm việc trước máy tính nên rất dễ rơi vào tình trạng nhức mỏi, đỏ, khô ngứa…Bên cạnh đó còn do tác hại của việc chiếu sáng kém hoặc quá nhiều, kèm với các tia phản xạ từ màn hình; Khoảng cách nhìn không đúng; Ngồi sai tư thế; Mắt có tật khúc xạ: Viễn thị, loạn thị, lão thị hay các rối loạn về điều tiết; Giảm lượng nước mắt đến giác mạc do giảm số lần chớp mắt hoặc bị khô mắt.
Lạm dụng máy tính rất dễ làm giảm thị lực ở trẻ
Làm gì để hạn chế tác hại?
Cách chăm sóc mắt tốt nhất, hiệu quả nhất chắc chắn là việc điều chỉnh thời gian làm việc với máy tính vì nếu làm việc quá sức là tác nhân nguy hiểm nhất khiến mắt bị mệt mỏi.
Chớp mắt thường xuyên: Mải làm việc khiến nhiều người quên chớp mắt trong thời gian dài. Chớp mắt thường xuyên giúp mắt không bị khô và mỏi.
Massage cho đôi mắt: Nên massage đôi mắt mỗi ngày bằng cách: dùng hai bàn tay cọ xát vào nhau cho nóng lên rồi sau đó áp lên đôi mắt, vuốt nhẹ từ trong ra ngoài, dùng tay day nhẹ nhàng đôi mắt.
Dùng thuốc nhỏ mắt: Sau một ngày làm việc mệt mỏi, nên dùng thuốc nhỏ mắt vào mỗi buổi tối để giúp mắt sáng khoẻ. Hãy nhắm mắt lại và thư giãn. Mắt cần được cung cấp nước cũng như loại bỏ những màng mờ trên mắt. Nên xin ý kiến tư vấn của bác sĩ để lựa chọn loại thuốc nhỏ mắt thích hợp cho mình.
Bên cạnh đó luôn xem trong phòng đủ ánh sáng không. Khuyến cáo nên học trong phòng đủ ánh sáng để giảm mỏi mắt. Mức độ ánh sáng trên màn hình thiết bị được cài đặt ở mức độ trung bình, vừa phải với ánh sáng trong phòng. Xem màn hình trong phòng thiếu ánh sáng dẫn đến mỏi mắt và nguy cơ tổn thương võng mạc.
Dành thời gian ở ngoài trời: Hoạt động ngoài trời là một trong những cách bảo vệ đôi mắt hiệu quả nhất, đặc biệt đối với căn bệnh cận thị. Trong các nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Singapore, người ta thấy rằng trẻ em ở ngoài trời nhiều hơn có xu hướng ít bị cận thị hơn. Vì vậy, hãy để trẻ dành thời gian ở ngoài trời, nhìn những vật ở xa là rất quan trọng.
Bảo vệ mắt khi ngủ: Nên hạn chế ánh sáng tối đa bởi vì ánh sáng kích thích thị giác, tạo hưng phấn vỏ não gây khó ngủ. Nên mở cửa sổ cho thông thoáng vì lúc ngủ mắt cũng cần oxy để “thở”.
Không nheo mắt, liếc mắt: Máy vi tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh đều có chức năng phóng to để bạn có thể đọc dễ dàng hơn.
Nên khám mắt định kỳ để chỉnh kính cho trẻ
Đảo mắt: Làm việc quá tập trung khiến mắt căng và mỏi. Mở mắt to và đào mắt sẽ là bài tập thư giãn rất tốt cho mắt.
Một chế độ ăn uống cân bằng tốt là vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với trẻ em. Tất cả các vitamin và vi chất dinh dưỡng đều quan trọng đối với cơ thể, nhưng một số vitamin và vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với mắt. Chúng bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin E, lutein và axit béo omega. Các chất này có tự nhiên trong các thực phẩm cà rốt, củ dền, xoài, đu đủ, trái cây họ cam quýt, rau lá xanh, hạnh nhân, quả óc chó, trứng, cá... Tốt nhất nên cho trẻ ăn những loại vitamin này ở dạng tự nhiên hơn là cung cấp cho các chất bổ sung.
Nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các bệnh viện mắt chuyên khoa để điều chỉnh kính cho phù hợp vì đeo sai số kính cũng là một nguyên nhân khiến mắt nhức mỏi.