Chăm sóc khi bị viêm mũi dị ứng

23-11-2024 14:35 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm mũi dị ứng có những triệu chứng khá giống với một số bệnh lý như cảm cúm, hoặc đơn giản là những triệu chứng khi thay đổi thời tiết nên rất dễ khiến người bệnh lơ là, bỏ qua.

Làm thế nào để nhận biết được rõ ràng các triệu chứng của viêm mũi dị ứng để chữa trị kịp thời ngăn ngừa biến chứng, cách chăm sóc đúng để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống?

Gia tăng số ca mắc bệnh dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến. Theo những thông báo về dịch tễ học, tỷ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10-15% dân số Thế giới. Ở Việt Nam viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32 % trong các bệnh lý về tai mũi họng. Ngày nay khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do vậy tỷ lệ mắc bệnh dị ứng cũng tăng theo.

Viêm mũi dị ứng được chia ra làm hai loại, viêm mũi dị ứng theo mùa (hay là viêm mũi dị ứng ngắt quãng) và viêm mũi dị ứng quanh năm (hay là viêm mũi dị ứng dai dẳng).

Trong trường hợp viêm mũi dị ứng theo mùa thì bệnh hay xảy ra vào mùa xuân là mùa phấn hoa nở. Còn những bệnh nhân viêm mũi dị ứng dai dẳng quanh năm thì bất cứ thời điểm nào cũng có thể bị bệnh tuy nhiên vào những thời điểm giao mùa bệnh nhân viêm mũi dị ứng dễ có các đợt cấp nặng bệnh hơn.

Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị cũng như không kiểm soát bệnh tốt thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.

Chăm sóc khi bị viêm mũi dị ứng- Ảnh 1.

Thời điểm giao mùa bệnh nhân viêm mũi dị ứng dễ có các đợt cấp.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi người bệnh tiếp xúc và hệ miễn dịch phản ứng với các vật thể lạ xâm nhập vào đường hô hấp (trong y học gọi là các dị ứng nguyên).

Các dị ứng nguyên đó có thể là phấn hoa, bụi nhà trong đó có thể chứa bào tử nấm mốc, xác và chất thải côn trùng, các sợi bông vải, lông thú cưng (lông chó, mèo…), khói thuốc lá,…

Ðặc biệt trong bụi nhà có con rệp bụi (tên khoa học là Dermatophagoides pteronysinus) phân của nó chứa một chất protein được khoa học chứng minh là nguyên nhân chính gây ra đa số ca bệnh viêm mũi – xoang dị ứng và suyễn. Rệp bụi nhà là một vi sinh vật bé nhỏ sinh sống trong môi trường ẩm nóng như: vải gối, nệm, drap trải giường, thảm nhà và bàn ghế salon phòng khách có thể là nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng.

Dấu hiệu viêm mũi dị ứng

Triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là: ngứa mũi, hắt hơi từng tràng dài kèm theo có hoặc không có ngứa mắt, chảy nước mắt. Người bệnh có biểu hiện ngạt tắc mũi. Chảy nước mũi trong nhiều. Ở một số bệnh nhân điển hình có thể thấy hình ảnh nếp ngang 1/3 dưới sống mũi gây ra bởi sự cọ xát mũi với lòng bàn tay theo hướng từ dưới lên trên.

Cách chăm sóc khi bị viêm mũi dị ứng

Khi bị viêm mũi dị ứng, có thể chăm sóc để giảm bớt các triệu chứng đang mắc phải, người bệnh nên áp dụng như: Vệ sinh, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bớt các dị nguyên đang tồn tại trong khoang mũi.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh để hạn chế tiếp xúc với dị nguyên. Giữ cho nhà cửa thông thoáng sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc. Không nên sử dụng các đồ nhồi bông, thảm vì đây là nơi tích trữ bụi. Giặt chăn ga gối 1 tuần/lần bằng nước nóng hoặc phơi nắng.

Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài để hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khí độc hại. Không nuôi động vật, hoặc có khu vực nuôi riêng, tránh lông động vật phát tán khắp nhà. Tiêu diệt gián và dọn sạch nơi ở, đồ ăn đặc biệt trong bếp để loại bỏ gián.

Trường hợp bị dị ứng phấn hoa, thời tiết theo mùa, người bệnh cần che chắn kín khi đi ra ngoài. Hạn chế sự phát tán của dị nguyên trong không khí bằng cách đóng bớt các ô cửa hút gió.

Tránh tiếp xúc với các bệnh nhân viêm nhiễm đường hô hấp trên, mặc ấm đặc biệt vào những thời điểm giao mùa.

Tóm lại: Viêm mũi dị ứng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng như: polyp mũi, viêm xoang cấp, viêm tai giữa

Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như: nghẹt mũi, sưng và đau nhức hốc mũi; ho nhiều và sốt; trẻ ăn uống kém hoặc bỏ ăn; sụt cân, mất ngủ; dị ứng nặng đến mức phù nề; khó thở...thì cần đến bệnh viện khám ngay.

Ngoài ra, viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến giấc ngủ, hoạt động sinh hoạt hằng ngày và ảnh hưởng đến quá trình làm việc và học tập cũng cần nhập viện ngay để được thăm khám và điều trị.

Hai vị thuốc chữa viêm mũi dị ứng tái phát khi gặp lạnhHai vị thuốc chữa viêm mũi dị ứng tái phát khi gặp lạnh

SKĐS - Trong Y học cổ truyền, viêm mũi dị ứng được trị liệu bằng nhiều biện pháp với những bài thuốc và vị thuốc khác nhau, trong đó có cây cóc mẳn và ké đầu ngựa...

BS CKII Vũ Hải
Ý kiến của bạn