Từ việc làm cụ thể
Năm 2008, khi bắt đầu nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường: sụt cân nhanh, trong người luôn cảm thấy mệt mỏi và xuất hiện nhiều mụn ở hai chân... Phạm Thị L. (ở Đông Triều, Quảng Ninh) đã đi khám bệnh. Và cô đã choáng váng, không tin vào mắt mình khi nhận được giấy xét nghiệm mang dấu HIV ( ). Trở về nhà, L. tự dằn vặt mình, buồn bã và suy sụp...
Thế nhưng, cuộc sống của L. đã thực sự thay đổi khi cô được tiếp xúc với nhân viên chăm sóc tại nhà của Dự án Chăm sóc, hỗ trợ cho người có HIV tại cộng đồng của Hesdi thực hiện tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh. L. tâm sự: Chị nhân viên chăm sóc ấy đã tìm đến với tôi và gia đình chia sẻ, động viên rồi tư vấn về HIV/AIDS. Lúc đầu, tôi cũng dè dặt lắm, không muốn nói chuyện. Ngày một, ngày hai chị lại kiên trì tới nói chuyện. Rồi, qua những câu chuyện chị kể, tôi biết chị cũng là người nhiễm HIV như tôi, mà sao chị lại lạc quan, không giống như tôi lúc nào cũng sầu não. Tôi thấy quý, tin chị rồi trở thành khách hàng của chị.
Chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà. Ảnh: ĐA |
Giờ đây, khi tiếp xúc với L. thấy cô tự tin, lạc quan và sống cởi mở hơn rất nhiều, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Còn ông V.H.L., (ông nội của cháu V.Đ.T. - trẻ bị nhiễm HIV) ở Uông Bí, Quảng Ninh thì mừng lắm. Ông cho biết, cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lúc đầu, gia đình lúng túng không biết phải chăm sóc cháu như thế nào và rất sợ cháu lây bệnh cho những người khác trong gia đình. Còn cháu thì cứ quanh quẩn, lủi thủi trong nhà... Nhờ có các anh chị là nhân viên chăm sóc của dự án đến tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, dinh dưỡng và dùng thuốc rồi hỗ trợ về dinh dưỡng, thuốc thang nên sức khỏe của cháu đã dần hồi phục, tăng cân, khỏe mạnh và nhanh nhẹn lên. Đặc biệt là không còn mặc cảm mà hòa đồng với những trẻ bình thường khác ở cộng đồng cũng như ở trường học. Gia đình tôi không còn cảm thấy cô độc và bị xa lánh như trước.
Đến những thành công
Nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc tại nhà và tăng cường sự hợp tác trong việc chăm sóc, hỗ trợ cho người có HIV (PLHIV) và trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC), với sự giúp đỡ của các tổ chức USAID, Pact từ tháng 5/2008, Hesdi đã triển khai Dự án Mạng lưới chăm sóc và hỗ trợ PLHIV, OVC tại huyện Đông Triều và tháng 10/2009 tiếp tục triển khai tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh nhằm giúp người có HIV và trẻ OVC có cuộc sống tốt hơn.
Dự án đã thành lập Đội chăm sóc tại nhà gồm 24 thành viên. Thông qua các thành viên này triển khai một cách toàn diện các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người nhiễm HIV và trẻ OVC như: tư vấn, cung cấp hỗ trợ dinh dưỡng, theo dõi dinh dưỡng của trẻ OVC thông qua biểu đồ tăng trưởng và chỉ số BMI theo lứa tuổi; Giới thiệu khách hàng tiếp cận điều trị ARV khi cần thiết (bao gồm cả dự phòng lây truyền mẹ con) và gửi đến các địa chỉ cần thiết. Hướng dẫn, hỗ trợ về tuân thủ điều trị ARV, dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội; Chăm sóc triệu chứng và hướng dẫn vệ sinh cho người nhiễm HIV tại nhà; Hướng dẫn tình dục và tiêm chích an toàn...
Trong 3 năm hoạt động đã có 436 khách hàng là người nhiễm HIV, 252 trẻ OVC, 317 người thân của những người nhiễm HIV và trẻ OVC được tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ của dự án. 387 người đến đăng ký điều tị ARV, 40 trẻ OVC được hỗ trợ giáo dục; Đã cấp phát 36.500 bao cao su miễn phí cho người có HIV và bạn tình của họ. Nhân viên chăm sóc tại nhà đã thực hiện 15.633 buổi thăm nhà và chăm sóc cho người có HIV và trẻ OVC.
Chỉ sau một thời gian ngắn, dự án đã thu hút được sự tham gia đông đảo của người có HIV, trẻ OVC và người thân của họ; Cải thiện một cách rõ rệt sự tiếp cận của người nhiễm HIV tới các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có liên quan tới HIV. Và điều quan trọng là nâng cao năng lực chăm sóc tại nhà cho bản thân người nhiễm HIV và người thân trong gia đình họ, giúp giảm thiểu những khó khăn, lo lắng, sợ hãi trong việc chăm sóc tại nhà và cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS, giảm chi phí y tế không cần thiết. Ngoài việc giúp người nhiễm HIV cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn còn giúp họ hiểu được trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội. Chị L. mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những dự án tương tự được triển khai để giúp đỡ nhiều hơn cho những người nhiễm HIV/AIDS và cũng để cho những người nhiễm HIV/AIDS như chị có cơ hội được cống hiến...
Phương Hà