Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng là một lĩnh vực y tế phối hợp nhiều biện pháp để giảm bớt sự đau đớn, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tại VIỆT NAM, vấn đề này đang được chú trọng mang ý nghĩa nhân văn.
Nhiều người hiểu sai cho rằng chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng chỉ được đặt ra với những bệnh không thể nào chữa hết. Thật ra, lĩnh vực điều trị này rất rộng, có thể áp dụng cho các bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng và kinh niên (như: ung thư, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, Alzheimer, Parkinson...) thuộc mọi lứa tuổi, mọi giai đoạn bệnh và có thể tiến hành song song với việc điều trị bệnh.
Theo đó, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng được tiến hành từ lúc bệnh được chẩn đoán đến khi bệnh nhân qua đời, bao gồm cả việc tang lễ cho bệnh nhân. Bản thân nó cũng là một mô thức điều trị, được coi trọng và phối hợp với các mô thức khác như: phẫu trị, xạ trị, hóa trị... trong suốt quá trình điều trị của bệnh nhân, mục đích là giúp bệnh nhân có được một chất lượng sống tốt nhất cho đến thời khắc cuối đời.
Ngoài ra, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng còn có một dạng đặc biệt dành cho những người sắp qua đời, không thể sống thêm quá 6 tháng.
Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứngcó thể tiến hành tại nhà hay tại bệnh viện, bệnh xá an dưỡng, nhà tế bần… và được thực hiện bởi một đội ngũ chuyên trách được đào tạo cẩn thận bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực,nhân viên trợ giúp xã hội, tình nguyện viên và người nhà bệnh nhân. Những người này cùng làm việc với các bác sĩ khác của bệnh nhân để có thêm nữa một sự hỗ trợ. Hầu hết công việc tập trung vào giảm nhẹ các triệu chứng như: đau, khó thở, mệt, táo bón, buồn nôn, ăn không ngon miệng, khó ngủ, trầm cảm… giúp bệnh nhân tăng khả năng chịu đựng các điều trị y tế, giúp hỗ trợ trong các sinh hoạt hàng ngày và nâng cao hiểu biết để có thể lựa chọn tốt hơn các biện pháp điều trị.
Nguyên tắc chung
Trong lĩnh vực y tế này, có thể chấp nhận Nguyên lý Tác dụng đôi. Đây là tiêu chuẩn đạo lý (không riêng gì cho lĩnh vực y tế) trong việc đánh giá một việc làm có thể chấp nhận được mà không thể nào làm khác hơn (ví dụ dùng morphine liều cao để làm giảm cơn đau khủng khiếp cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối) tuy có thể đưa đến hậu quả mà thông thường phải tránh (ví dụ tình trạng gà gật, tụt huyết áp, ức chế hô hấp, thậm chí tử vong). Vấn đề cần cân nhắc là liệu hiệu quả điều trị có nhiều hơn tác dụng phụ hay không để có thể biện minh cho việc làm của mình, và khi sử dụng cần theo dõi cẩn thận để giảm đến mức tối thiểu các tổn thất.
Giảm nhẹ các triệu chứng: các triệu chứng của bệnh nhân cần được phát hiện và xử lý đúng mức, kịp thời thông qua việc hỏi bệnh sử, thăm khám cẩn thận, đánh giá tình huống và ra quyết định kịp thời.
Kiểm soát đau
Đau là triệu chứng phổ biến nhất, đặc biệt ở bệnh nhân ung thư. Đau là yếu tố làm cho bệnh nhân khổ sở nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, đau là một vấn đề lớn cần được phát hiện, đánh giá đúng mức và điều trị phù hợp.
Đánh giá đau: cần xác định các yếu tố sau:
Đau do thụ cảm thể gồm: đau bản thể thường được mô tả là đau của cơ - xương (tiếp nhận từ da, mô dưới sâu, các cơ quan giác quan, tất cả các cơ xương) và đau nội tạng (từ các nội tạng và các mạch máu).
Đau do thần kinh: đau do tổn thương mô thần kinh. Người bệnh có cảm giác nóng rát, đau như điện giật, tê bì.
Nguyên nhân đau: do bệnh lý hoặc hội chứng khác đi kèm, do yếu tố tâm lý, tình cảm, hoặc đơn thuần chỉ do bệnh ung thư/tình trạng di căn… để có hướng điều trị phù hợp.
Mức độ đau: dựa theo sự tự đánh giá của bệnh nhân và thang đánh giá mức độ đau từ 0 - 10 (0: không đau; 1 - 3: đau nhẹ; 4 - 6: đau vừa; 7 - 10: đau nặng).
Điều trị đau: chủ yếu dùng thuốc, phối hợp với các biện pháp sẵn có khác.
Thuốc giảm đau: ưu tiên dùng dạng uống. Đường tiêm chích hoặc đường qua da chỉ áp dụng cho những bệnh nhân không thể uống được. Cách sử dụng thuốc (loại thuốc, liều lượng thuốc) tùy theo mức độ đau.
Thang điểm điều trị đau mạn tính cho bệnh nhân ung thư của WHO:
- Đau nhẹ: thuốc giảm đau thông thường không có opioid (Aspirin, Paracetamol) và thuốc giảm đau phụ trợ khác (Amitriptylin, Gabapentin, Carbamazepine).
- Đau vừa: thuốc giảm đau không có và có opioid (Codein), phối hợp thuốc giảm đau phụ trợ khác.
- Đau nặng: thuốc giảm đau opioid mạnh (Morphine, Oxycodone) và không opioid, phối hợp thuốc giảm đau phụ trợ khác.
Nếu phác đồ này không đủ giảm đau, có thể sử dụng các dạng thuốc phiện thích hợp khác.
Tuy phác đồ này đầu tiên được đề cập đến giảm đau trong ung thư, nhưng nó vẫn có thể sử dụng cho các trường hợp đau mạn tính khác không do ung thư, ví dụ trong HIV-AIDS.
Nhân viên y tế cần nắm vững cách sử dụng, liều lượng, tác dụng phụ của các thuốc giảm đau, đặc biệt là Morphine, để đạt hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân cũng như hạn chế tác dụng phụ ở mức thấp nhất.
Các thuốc phụ trợ khác có thể dùng kèm làm tăng hiệu lực thuốc giảm đau: Corticosteroid, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống co giật, thuốc phong bế dẫn truyền thần kinh, thuốc giãn cơ, Bisphosphonates...
Điều trị các triệu chứng khác: nôn ói, tiêu chảy, táo bón, lở miệng, khó thở, ho, yếu mệt, sốt...Cần xác định rõ nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng này để có biện pháp điều trị thích hợp.
Hỗ trợ về mặt tâm lý - xã hội và tinh thần: các bệnh nhân thuộc diện chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng rất đau khổ và bi quan nên sẽ phát sinh nhiều vấn đề tâm lý - xã hội và tinh thần. Cần có hướng tiếp cận đúng để giải quyết thỏa đáng những vấn đề nàycho bệnh nhân cũng như cho gia đình họ.
Điều trị các biến chứng gây ra do các mô thức điều trị (như xạ trị, hóa trị, phẫu trị):
Nhân viên y tế cần nắm vững những biến chứng này cũng như cách điều trị đặc thù để điều trị tốt cho bệnh nhân.
Khái niệm Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng được đề xuất lần đầu tiên trên thế giới bởi một nữ bác sĩ người Anh, bà Cicely Mary Saunders, tại Nhà Tế bần St. Christopher, Luân Đôn, năm 1967.
Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ, biên soạn Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân ung thư và AIDS và đưa vào áp dụng từ năm 2006.
BS.CKI. Lâm Phương Nam
Đơn vị Hóa trị liệu ung thư, BV. ĐHYD TP.HCM