Chăm sóc giảm nhẹ – nhu cầu lớn của những người mắc bệnh hiểm nghèo

09-06-2016 14:20 | Tin nóng y tế

SKĐS - Mặc dù Việt Nam có nhu cầu lớn trong Chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) hay gọi nôm na là giảm sự đau đớn cho người bệnh nhưng khả năng tiếp cận CSGN của người bệnh rất hạn chế. Việt Nam có thể hướng tới việc đào tạo lực lượng CSGN ngay tại y tế tuyến dưới, đến từng xã phường nhằm giảm tải cho tuyến trên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) là cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang đối mặt với những vấn đề liên quan đến sự ốm đau đe dọa đến tính mạng, thông qua sự ngăn ngừa và giảm gánh nặng họ phải chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện, điều trị đau và các vấn đề khác như triệu chúng thực thể, tâm lý, xã hội, tâm linh.

TS Bs. Eric L Krakauer

Theo TS Bs. Eric L Krakauer, Giám đốc các chương trình quốc tế, Trung tâm chăm sóc giảm nhẹ, Phó giáo sư y khoa Khoa chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện đa khoa Massachusetts, Mỹ cho biết, tại những nước phát triển CSGN luôn được chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng sống của người bệnh, nhưng tại Việt Nam hầu như mới chỉ quan tâm tới việc chữa bệnh, còn việc giảm đau cho bệnh nhân hầu như vẫn còn để ngỏ. Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn CSGN đối với bệnh nhân ung thư và HIV. TS Eric thừa nhận, mặc dù Việt Nam có nhu cầu lớn trong CSGN nhưng khả năng tiếp cận CSGN của người bệnh rất hạn chế.  Việt Nam có thể hướng tới việc đào tạo lực lượng CSGN ngay tại y tế tuyến dưới, đến từng xã phường nhằm giảm tải cho tuyến trên. TS Eric cho biết, ông đã có những công trình nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nếu thực hiện tốt CSGN ngay từ tuyến dưới sẽ giảm gánh nặng y tế lên xã hội.

WHO cho biết, mỗi năm có hàng triệu người trên thế giới bị đau mức độ trung bình đến nặng mà không được điều trị hiệu quả. Chỉ tính riêng bệnh ung thư, có tới 5,5 triệu bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối trên thế giới không được điều trị giảm đau. Một nghiên cứu phi chính thống cho biết có tới 5,5 tỷ người trên thế giới không thể tiếp cận thuốc giảm đau opioid để điều trị đau mức độ trung bình đến nặng. Một trong những vấn đề gây nhức nhối cho nhiều quốc gia là thuốc giảm đau (chủ yếu là morphin) không sẵn có và việc tiếp cận thuốc không công bằng giữa người có thu nhập cao và người có mức thu nhập trung bình và thấp. Nghiên cứu toàn cầu năm 2008 cho thấy, chỉ có 17% dân số thế giới tiếp cận được với 91% lượng thuốc giảm đau trên toàn cầu. Trong khi 83% dân số thế giới (102 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp) lại chỉ tiếp cận được 9% số thuốc giảm đau. Điều này trở thành một nghịch lý trong việc CSGN cho người bệnh, người có nhu cầu thì không được CSGN, nhất là những người nghèo, còn người giàu lại tiếp cận thuốc một cách dễ dàng.

TS Eric cho rằng, trong lĩnh vực CSGN, một trong những bài học y tế Việt Nam nên học tập là đại đa số việc chăm sóc y tế nên được thực hiện ở y tế xã phường, y tế thôn bản. Việt Nam cần xây dựng một màng lưới chăm sóc người bệnh, tức là người bệnh sau khi được chẩn đoán, điều trị, người bệnh nên được tiếp tục theo dõi tại y tế cơ sở. Đó là một mặt cần tản người bệnh về tuyến cơ sở để chăm sóc. Mặt khác,  là khi người bệnh cần có một sự chăm sóc cao hơn, hệ thống y tế cần gửi bệnh nhân đến những cơ sở đúng để điều trị CSGN hiệu quả hơn.

BS. Bùi Văn Giang, Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn đã chia sẻ với phóng viên về việc thực hiện CSGN ở một bệnh viện Hà Nội:



Phóng viên: Xin ông cho biết, CSGN bao gồm các biện pháp nào và lý do nào bệnh viện đưa chuyên gia hàng đầu thế giới về CSGN tới đây?

BS. Bùi Văn Giang: CSGN là biện pháp bao gồm các biện pháp tâm lý, chăm sóc dùng thuốc, các biện pháp can thiệp, và nhiều biện pháp điều trị chuyên khoa khác làm sao giảm được nỗi đau về thể xác và tinh thần cho bệnh nhân.
Chúng tôi tổ chức một buổi hội thảo do GS Eric L Krakauer – một chuyên gia hàng đầu thế giới về CSGN, đến Bệnh viện Xanh Pôn để nói chuyện với các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn và các bác sĩ thuộc màng lưới Hà Nội với mục tiêu để các y bác sĩ được cập nhật kiến thức về CSGN đang được thực hiện trên thế giới như thế nào. Khi Bộ Y tế xây dựng chiến lược trong phát triển CSGN, Bệnh viện Xanh Pôn sẽ tham gia vào khâu đào tạo hoặc trở thành một trung tâm giúp y tế địa phương có thể thực hiện được các CSGN.

PV: Bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện được CSGN hay chưa?

BS. Bùi Văn Giang : Bệnh viện Xanh Pôn là bệnh viện đi đầu trong triển khai các kỹ thuật điện quang can thiệp để điều trị giảm đau, tuy nhiên điều trị giảm đau bằng phương pháp điện quang can thiệp chỉ là một trong những mảng nhỏ của CSGN bởi CSGN gồm rất nhiều kỹ thuật để giảm đi sự đau đớn của bệnh nhân về cả thể xác và tinh thần. Cần phải có sự phối hợp giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nghĩa là cần sự phối hợp của cộng đồng với các nhân viên y tế, từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn. Bệnh viện Xanh Pôn là một bệnh viện lớn của Hà Nội đã áp dụng một số kỹ thuật tiên tiến, tuy nhiên vẫn cần có sự cố gắng của toàn xã hội mới xây dựng và triển khai CSGN trong tương lai.

PV: Bệnh viên Xanh Pôn đang triển khai CSGN với những bệnh nhân nào?

BS. Bùi Văn Giang: Ở bệnh viện Xanh Pôn chưa thực hiện CSGN thành hệ thống, các bác sĩ bằng chuyên môn của mình vẫn đang điều trị giảm đau cho bệnh nhân hoặc thực hiện những biện pháp chăm sóc giảm nhẹ, ví dụ như thái độ tiếp xúc với người bệnh cũng là một trong những biện pháp giúp CSGN. Tuy nhiên trong tương lai, tôi hy vọng rằng với sự phát triển nói chung của lĩnh vực CSGN, bệnh viện sẽ hòa nhập với hệ thống y tế chung chăm sóc giảm đau cho người bệnh.

PV: Xin cảm ơn ông.

PV (ghi)

Hải Yến
Ý kiến của bạn