Chăm sóc dinh dưỡng trong các giai đoạn của thời kỳ mang thai

19-08-2023 08:00 | Dinh dưỡng
google news

Chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống của người phụ nữ khi mang thai đặc biệt quan trọng, mỗi người phụ nữ cần quan tâm tới khẩu phần ăn của mình.

Chăm sóc dinh dưỡng trong các giai đoạn của thời kỳ mang thai - Ảnh 1.

Mức tăng cần hợp lý

Theo Hướng dẫn quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú, Bộ Y tế, chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Dinh dưỡng tốt, không chỉ giúp người mẹ đáp ứng đầy đủ các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của cơ thể, mà còn đáp ứng những thay đổi sinh lý về chuyển hóa, tích lũy mỡ, tăng cân, tăng khối lượng tử cung do mang thai.

Dinh dưỡng hợp lý khi mang thai còn giúp người mẹ có đủ dự trữ cần thiết để có đủ sữa sau sinh. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống của người phụ nữ khi mang thai đặc biệt quan trọng, mỗi người phụ nữ cần quan tâm tới khẩu phần ăn của mình lúc mang thai một cách khoa học, đạt được mức tăng cân phù hợp với tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai.

Những người mẹ bị thiếu năng lượng trường diễn từ trước khi mang thai và chế độ dinh dưỡng kém trong thời gian mang thai dễ sinh ra những đứa trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng.

Mức tăng cân trong thai kỳ: Tăng cân là biểu hiện tích cực cho thấy sự phát triển của thai nhi, tăng cân của người mẹ lúc mang thai phụ thuộc vào giai đoạn thai kỳ và tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai.

Tùy theo tình trạng dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể: BMI) trước khi có thai của người mẹ để khuyến nghị mức tăng cân:

Tình trạng dinh dưỡng bình thường (BMI: 18,5-24,9): Mức tăng cân của người mẹ nên đạt là 10-12kg. Mức tăng cân cụ thể như sau: 3 tháng đầu (quý I): 1 kg; 3 tháng giữa (quý II): 4-5 kg; 3 tháng cuối (quý III): 5 - 6 kg

Tình trạng dinh dưỡng gầy (BMI <18,5): mức tăng cân nên đạt 25% cân nặng trước khi có thai. Tình trạng dinh dưỡng thừa cân, béo phì (TC, BP) (BMI ≥25): mức tăng cân nên đạt 15% cân nặng trước khi có thai

Cân nặng của mẹ trước khi có thai và sự tăng cân trong thai kỳ ảnh hưởng rõ rệt đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Mẹ có cân nặng trước khi có thai dưới 40 kg, cân nặng trước khi đẻ dưới 47 kg và tăng cân trong khi có thai dưới 5 kg có nguy cơ đẻ con nhẹ cân < 2.500g.

Chế độ dinh dưỡng trong các giai đoạn của thời kỳ mang thai

Dinh dưỡng trong giai đoạn thai 3 tháng đầu

 Đây là giai đọan hình thành các cơ quan, tổ chức của thai nhi như tủy sống, não, tim, phổi, gan… nên cần ăn tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: trứng, sữa, thịt, đậu đỗ và chia lượng thức ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ để bớt cảm giác nghén

Ngoài việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn, bà mẹ cần uống bổ sung sắt và acid folic hoặc đa vi chất theo qui định của y tế.

Phác đồ bổ sung viên sắt/folic cho phụ nữ có thai: Uống ngày 1 viên trong suốt thời gian có thai đến sau đẻ 1 tháng. Mỗi viên gồm 60 mg sắt và 400 mcg acid folic. Nếu thai phụ có thiếu máu: cần được điều trị theo phác đồ. Việc cung cấp viên sắt/acid folic cần được thực hiện ngay từ lần đầu khám thai. Kiểm tra việc sử dụng và cung cấp tiếp viên sắt/acid folic trong các lần khám thai sau.

Dinh dưỡng hợp lý, khắc phục tình trạng nghén để đạt mức tăng cân phù hợp với tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai (bình thường là tăng 1kg).

Dinh dưỡng trong giai đoạn 3 tháng giữa

Đây là giai đoạn thai phát triển nhanh vì vậy cần tăng đáp ứng năng lượng cho bà mẹ khi có thai Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế năm 2016, mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng giữa thai kỳ, khẩu phần ăn nên nhiều hơn sao cho năng lượng cung cấp tăng 250 kcal/ngày (tương đương 1 bát cơm và thức ăn hợp lý).

Giai đọan 3 tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ nên chú ý ăn các thực phẩm giàu can xi, kẽm như: tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản. Cần bảo đảm cung cấp đủ can xi 1200mg/ngày, vì thể ngoài chế độ ăn thông thường cần uống thêm 6 đơn vị sữa/ngày. Thai phụ tiếp tục uống bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất theo qui định.

Dinh dưỡng trong giai đoạn 3 tháng cuối

Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy dinh dưỡng thai phụ cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi.

Nhu cầu về năng lượng của thai phụ theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng về mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng cuối là năng lượng cung cấp tăng 450 kcal/ngày (tương đương 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý). Về tính cân đối của khẩu phần cần đảm bảo số lượng chất béo và chất lượng chất béo (cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, đủ các acid béo không no cần thiết).

Tăng cường bổ sung dinh dưỡng thông qua đa dạng thực phẩm: Bổ sung chất đạm, chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể thai nhi: Ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn của bà mẹ có thai cần bổ sung thêm chất đạm, chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn sẵn có như: trứng, cá, tôm, cua, thịt, đậu đỗ các loại (đậu tương, đậu xanh…) và vừng, lạc.

Đây là những thức ăn có hàm lượng đạm cao, lại có thêm lượng chất béo giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong chất béo. Nên cố gắng sử dụng sữa và chế phẩm sao cho đạt 6 đơn vị sữa/ngày (tương đương 600 mg can xi bao gồm: 2 miếng phô mai, 2 hộp sữa chua và 200 ml sữa)…

Chất đạm đặc biệt quan trọng ở 3 tháng đầu cho việc tạo hình và xây dựng các tổ chức nội tạng trong cơ thể như: tim, gan, phổi và nhất là tế bào thần kinh. Nhu cầu chất đạm cần tăng hơn so với khi chưa có thai.

Khi có thanh, không nên dùng các loại đồ uống chứa chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc; Giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi; Giảm ăn mặn nhất là đối với những người mẹ có phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén để tránh tai biến khi đẻ.

Phụ nữ có thai không nên chỉ ăn một vài loại thức ăn hoặc ăn quá nhiều thức ăn chua hoặc cay…, vì dễ gây thiếu dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Bữa ăn cần đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau (nên có ít nhất 10 loại thực phẩm/1 bữa chính).

Trong trường hợp bị nghén nhẹ như buồn nôn, nôn hay sợ ăn một số thức ăn, người mẹ cố gắng thay thế sang một số thức ăn khác hoặc đồ uống khác để đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khi có thai. Phụ nữ có thai không nên quá kiêng khem, ít ăn rau, củ, quả, cá hay mỡ… gây bất lợi cho sức khỏe, ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của mẹ và thai nhi, giảm lượng sữa sau sinh. Những thực phẩm sẵn có như cua, ốc, tôm, tép, trứng, rau xanh, quả chín nên được ưu tiên lựa chọn.



PV
Ý kiến của bạn