Những người sau khi khỏi sốt xuất huyết, việc phục hồi sức khỏe kéo dài có thể phải mất hàng tháng. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống cụ thể dành cho người sau sốt xuất huyết, có thể giúp phục hồi nhanh hơn. Chế độ ăn uống lành mạnh là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giữ gìn sức khỏe của mỗi người, từ việc ăn đúng bữa đến ăn đúng loại thức ăn. Một chế độ ăn uống cân bằng là rất cần thiết cho tất cả mọi người. Đặc biệt khi mắc bệnh sốt xuất huyết thì vai trò của thực phẩm càng trở nên quan trọng để tăng khả năng miễn dịch, sức đề kháng.
1. Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể bùng phát thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh, trong đó chủ yếu là do Aedes Aegypti. Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Như vậy, một người có thể có nguy cơ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type virus khác nhau.
Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm nhưng có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa từ tháng 5 - 11 hằng năm. Những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết sẽ khác nhau tùy vào giai đoạn và thể bệnh:
- Ở thể nhẹ, chủ yếu là: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C; sốt có thể kéo dài 4 - 7 ngày và khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau nhức khớp và cơ; buồn nôn, nôn; có thể nổi mẩn đỏ, phát ban.
- Ở thể nặng có dấu hiệu xuất huyết: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, cơn sốt có thể kéo dài hơn 10 ngày và cũng có thể dẫn đến chảy máu trong từ mũi và nướu, xuất huyết ngoài da, có vết bầm tím, nôn ra máu, đi ngoài phân đen; mệt mỏi, li bì, đau bụng nhiều, nôn nhiều, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Hoặc bệnh nhân đi vào sốc Dengue sớm, đây là thể bệnh nghiêm trọng nhất đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết nặng và tụt huyết áp, tổn thương nhiều cơ quan: Gan, thận, não; ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Nếu bạn đang phải đối mặt với những triệu chứng này, thì cùng với việc tham khảo ý kiến bác sĩ và dùng các loại thuốc phù hợp, không thể không kể đến vai trò của thực phẩm. Vì vậy, hãy duy trì chế độ ăn hiệu quả khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết.
Một số loại thực phẩm và các vi chất dinh dưỡng có thể giúp bạn nhanh phục hồi sau bệnh sốt xuất huyết, dưới đây là những thông tin về những vi chất dinh dưỡng và một số loại thực phẩm tốt nhất cho người bệnh sốt xuất huyết. Lưu ý, người bệnh nên tăng cường các vi chất dinh dưỡng qua nguồn thực phẩm. Nếu muốn bổ sung vi chất dinh dưỡng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Tham khảo vi chất dinh dưỡng và cơ chế đề xuất lợi ích lâm sàng ở bệnh nhân sốt xuất huyết
Vi chất dinh dưỡng | Các cơ chế đề xuất về lợi ích lâm sàng |
---|---|
Vitamin A | Tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng sinh tế bào B và kích hoạt tế bào T; ảnh hưởng đến hoạt động của đại thực bào và tế bào tiêu diệt tự nhiên. |
Vitamin C | Lọc các loại oxy phản ứng, tăng sản xuất interferon, tạo điều kiện cho các chức năng thực bào của bạch cầu. |
Vitamin D | Giảm các phản ứng viêm phá hủy, tăng sản xuất Interleukin-10, tăng biểu hiện của chất ức chế các protein tín hiệu cytokine. |
Vitamin E | Bảo vệ màng tế bào khỏi tác hại của quá trình oxy hóa, loại bỏ các gốc peroxyl, tăng cường chức năng miễn dịch thông qua kích hoạt enzym và thay đổi biểu hiện gen. |
Axít folic | Tác dụng bổ huyết, thúc đẩy phục hồi huyết học. |
Kẽm | Tạo điều kiện cho sự trưởng thành của tế bào lympho và sản xuất cytokine, thúc đẩy hoạt động của tế bào T và bạch cầu trung tính, tăng tốc quá trình apoptosis (quá trình apoptosis rất quan trọng với sự phát triển, duy trì cân bằng nội môi của mô). |
Theo Steven D. Langerman và Mija Ververs |
2. Một số thực phẩm nên ăn để phục hồi nhanh hơn
Nước dừa là một nguồn cung cấp các khoáng chất và muối cần thiết. Nó duy trì mức điện giải của cơ thể, ngừa mất nước và giúp giảm suy nhược. Nên uống hai cốc nước dừa mỗi ngày trong thời gian hồi phục. Lưu ý, những người có bệnh lý như huyết áp thấp, đái tháo đường, suy thận hoặc rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nước hoa quả
Chất lỏng rất quan trọng trong quá trình hồi phục bệnh sốt xuất huyết, vì chất lỏng nhanh chóng được cơ thể hấp thụ và giúp khắc phục tình trạng suy nhược. Nước ép trái cây, đặc biệt là trái cây họ cam quýt, là nguồn cung cấp vitamin tốt nhất và chất chống oxy hóa rất quan trọng cho cơ thể. Cam có đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết. Chúng chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường miễn dịch, thân thiện với đường ruột và chất xơ trong nước cam cũng giúp người bệnh giảm bớt các vấn đề về dạ dày.
Ngoài ra, kiwi có chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng là một trong những thực phẩm hữu hiệu đối với bệnh nhân sốt xuất huyết. Có thể làm thành sinh tố kiwi để có một hương vị hấp dẫn.
Bạn có thể lựa chọn các loại trà pha chế có thảo quả, bạc hà, gừng, quế... Trà thảo mộc sẽ giúp bạn thư giãn cơ thể và tinh thần. Nó cũng sẽ giúp tạo giấc ngủ, để cơ thể bạn có thể nghỉ ngơi trong thời gian tối đa và giúp bạn phục hồi sau bệnh sốt xuất huyết càng sớm càng tốt.
Hai tách trà thảo mộc là vừa đủ trong một ngày, không nên trộn quá nhiều loại gia vị, cho lượng trà vừa đủ để trà dễ tiêu hóa.
Cháo, súp
Cơ thể bạn cần carbohydrate. Điểm tuyệt vời nhất của các món cháo là nó rất dễ tiêu hóa, giúp bạn không cảm thấy nặng bụng và đầy hơi sau khi ăn quá nhiều. Các món cháo thịt nạc, thịt gà bổ sung nhiều dinh dưỡng cho người bệnh trong giai đoạn hồi phục.
Nên bổ sung các loại rau bổ dưỡng và súp giàu protein trong chế độ ăn uống của bệnh nhân sốt xuất huyết. Một bữa ăn có thể được chuẩn bị dưới dạng súp hoặc rau xay nhuyễn, cho thêm miếng đậu hũ hoặc ít thịt nạc để tăng protein, năng lượng, chất xơ và khoáng chất.
Ngũ cốc là một lựa chọn tốt vì có nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng cao giúp bạn có đủ sức mạnh để chống lại bệnh tật. Các thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch có thể dễ tiêu hóa nên tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì nó giúp chống lại các tác động xấu của bệnh sốt xuất huyết.
3. Tránh ăn gì?
Phục hồi sau bệnh sốt xuất huyết không dễ dàng và do đó, cùng với việc ăn một số loại thực phẩm giúp cơ thể mau phục hồi thì có những thực phẩm mà những người bị bệnh sốt xuất huyết nên tránh. Tiêu thụ sai thực phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến cơ thể.
Ăn ít đồ ăn có dầu mỡ hơn và đảm bảo rằng thực phẩm được nấu trong lượng dầu tối thiểu. Nên ăn thức ăn chần hoặc luộc trong thời gian phục hồi vì thức ăn nhiều dầu mỡ làm chậm quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, nên tránh thức ăn cay và đồ ăn vặt vì có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa, cụ thể:
Đồ chiên rán và đồ ăn vặt
Những thực phẩm chiên ngập dầu chứa nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe, những thực phẩm này không cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hồi phục của bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, nhất thiết bạn phải nói không với những thực phẩm ảnh hưởng xấu đến khả năng miễn dịch của cơ thể.
Thức ăn cay
Tương tự như đồ chiên, đồ cay khiến cơ thể không khỏe mạnh và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết. Ăn cay dẫn đến việc hình thành axit xung quanh dạ dày, thức ăn cay ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Trong các loại thực phẩm cần tránh trong thời kỳ sốt xuất huyết là đồ uống có chứa caffein như cà phê. Các loại đồ uống có chứa caffein có thể dẫn đến phá vỡ cơ bắp và cũng cản trở khả năng phục hồi của cơ thể sau bệnh sốt xuất huyết.
Rượu
Rượu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cơ thể, rượu là một trong những đồ uống có hại nhất cho tất cả mọi người. Nó làm cơ thể mất nước ở mức độ lớn hơn trong thời kỳ sốt xuất huyết và do đó, những người bị sốt xuất huyết và có số lượng tiểu cầu thấp nên rất tránh.
Lưu ý khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết:
Cung cấp một lượng lớn chất lỏng với chế độ ăn nhẹ.
Nên nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi.
Cần xét nghiệm máu nhiều lần theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi số lượng tiểu cầu và hematocrit.
Các chất thay thế dịch truyền tĩnh mạch kịp thời để chống lại sự rò rỉ huyết tương.
Không sử dụng Aspirin hoặc bất kỳ thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid nào (NSAID) khi bị sốt hoặc đau vì Aspirin là chất làm loãng máu và NSAID làm trầm trọng thêm tình trạng rò rỉ huyết tương.
Không bao giờ trì hoãn việc điều trị, đặc biệt nếu các triệu chứng như nốt đỏ, chảy máu từ bất kỳ vị trí nào, phân đen, buồn ngủ nhiều, khó thở, da tái và thường xuyên nôn mửa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C