Hà Nội

Chăm sóc dinh dưỡng khi người nhiễm HIV mắc nhiễm trùng cơ hội

26-03-2013 16:23 | Y học 360
google news

Người nhiễm HIV/AIDS có thể có một hay nhiều triệu chứng của nhiễm trùng cơ hội. Do vậy cần phải có sự lựa chọn một cách thận trọng thức ăn phù hợp. Thức ăn hỗn hợp bình thường sẽ được ăn trở lại khi các triệu chứng và các nhiễm trùng cơ hội được giải quyết.

Người nhiễm HIV/AIDS có thể có một hay nhiều triệu chứng của nhiễm trùng cơ hội. Do vậy cần phải có sự lựa chọn một cách thận trọng thức ăn phù hợp. Thức ăn hỗn hợp bình thường sẽ được ăn trở lại khi các triệu chứng và các nhiễm trùng cơ hội được giải quyết.

Buồn nôn và nôn

Một số loại thuốc có thể làm giảm buồn nôn. Nếu không hết buồn nôn cần phải đến bác sĩ để có lời khuyên thích hợp. Tuy nhiên, người bệnh nên ngồi ăn và cố gắng không nằm, chỉ nằm sau khi ăn 1-2 giờ. Uống nhiều sau bữa ăn và cố gắng đừng tự nấu thức ăn vì mùi khi nấu có thể làm tăng cảm giác buồn nôn. Có thể nhờ nấu hoặc ăn các loại thức ăn ít nấu.
Chăm sóc dinh dưỡng khi người nhiễm HIV mắc nhiễm trùng cơ hội 1
 Tư vấn dinh dưỡng cho người nhiễm HIV.

Nếu bị nôn có thể uống một ít nước, súp và chè gia vị, ăn thức ăn mềm rồi chuyển sang thức ăn rắn khi ngừng nôn. Có thể làm giảm nhẹ cảm giác buồn nôn bằng cách ngửi mùi cam tươi hoặc chanh cắt lát hoặc bằng cách uống nước chanh nóng, chè dược thảo, chè gừng; Ăn thức ăn khô và mặn như bánh mỳ khô, bánh quy khô và ngũ cốc.

Không nên ăn thức ăn béo, nhiều mỡ và ngọt có thể làm cảm giác buồn nôn tăng lên. Cố gắng mỗi lần lấy đi một loại thức ăn để xem có sự khác biệt không. Nếu có thì tránh không ăn loại thức ăn đó. Một loại thức ăn có thể ảnh hưởng lên người này nhưng không ảnh hưởng lên người kia. Bạn nên tìm loại thực phẩm phù hợp nhất cho mình.

Đau miệng hoặc đau họng hoặc đau khi ăn

Khi bị đau miệng hoặc đau họng nên ăn thức ăn mềm, nghiền, mịn hoặc hơi ướt như quả lê tàu, quả bầu, bí đỏ, đu đủ, chuối, sữa chua, rau trộn (đã nấu), súp, mỳ, thức ăn xay. Nấu thức ăn lỏng hoặc làm mềm thức ăn khô bằng cách nhúng vào súp. Uống đồ uống lạnh, súp, rau và nước hoa quả. Sử dụng ống hút để uống.

Khi đau họng nên vắt chanh và trộn với mật ong, uống một thìa to khi cần thiết. Súc miệng bằng dung dịch nước muối vài lần trong ngày. Có thể ngậm chanh muối hay gừng.

Không nên ăn thức ăn nhiều gia vị và quá mặn (như ớt và món kho mặn), thức ăn và gia vị quá chua (như cam, chanh, dứa, giấm và cà chua), thức ăn và đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh, những thức ăn dai, nhiều chất xơ khó tiêu (như măng) hoặc thức ăn dính và khó nuốt (như lạc). Nếu mắc bệnh nấm miệng thì không ăn thức ăn ngọt như đường, mật ong, hoa quả và đồ uống ngọt do đường có thể làm bệnh nặng hơn.

Tiêu chảy

Là khi đi phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn trong một ngày. Bệnh hay gặp ở người bị nhiễm HIV/AIDS. Tiêu chảy làm mất nước và chất khoáng của cơ thể. Ở trẻ nhỏ, tiêu chảy nhanh chóng bị nặng lên và nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến tử vong. Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy như: triệu chứng của một bệnh hoặc do tác dụng phụ của thuốc và thường là do thức ăn bị nhiễm khuẩn. Nhiều người hiểu sai rằng khi bị tiêu chảy thì ngừng ăn uống và chỉ uống thuốc mà thôi. Tuy nhiên, việc giảm ăn có thể làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Tiêu chảy là cách để cơ thể đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Tuy vậy, phần lớn tiêu chảy sẽ ngừng sau vài ngày và việc làm tốt nhất là uống nhiều dịch lỏng (hoặc dịch phục hồi nước ORS). Nếu không có ORS thì nấu cháo muối đường (1 nắm gạo, 8 thìa đường, 1 thìa muối, 6 bát nước) hay dung dịch muối đường (1/2 thìa muối, 8 thìa đường và 1 lít nước sạch) và điều trị các nguyên nhân chính, nếu biết cho đến khi ngừng tiêu chảy. Uống trên 8 cốc dịch lỏng, đặc biệt là nước mỗi ngày. Khi bị tiêu chảy, nên uống nước canh, nước hoa quả hoặc dung dịch ORS. Ăn thức ăn mềm, nghiền nhỏ như rau quả mềm, cháo, cơm, chuối, khoai tây. Để bù việc mất chất khoáng và vitamin nên ăn các loại rau quả mềm nhất là chuối, xoài, đu đủ, dưa hấu, bí đỏ, bầu và cà rốt. Nên ăn rau để có vitamin, chất khoáng và chất xơ kéo chất độc ra khỏi cơ thể. Ăn thức ăn ấm thay vì ăn rất nóng hoặc rất lạnh. Ăn ít mỗi bữa và chia nhiều bữa.

Nên hạn chế hoặc tránh sử dụng mỡ (nên giảm ăn mỡ, cho ít hoặc chỉ ăn dầu, thay xào rán bằng luộc. Tuy nhiên, mỡ là nguồn năng lượng quan trọng và không nên loại bỏ trừ phi thật sự cần thiết), cà phê, chè, rượu làm mất nước trầm trọng hơn (chúng nên được thay thế bằng nước, chè dược thảo và súp), các gia vị như ớt, tiêu đôi khi làm cho tiêu chảy nặng hơn. Các thức ăn làm đầy hơi: đậu, cải ngồng, súp lơ, bắp cải, giá đỗ, hành... cũng không nên ăn khi bị tiêu chảy.

Các vấn đề tiêu hóa khác

Khi bị nhiễm HIV/AIDS có thể có những vấn đề trong việc tiêu hóa một số thức ăn hoặc có thể bị táo bón, đầy bụng do rối loạn các vi khuẩn có ích cần cho sự tiêu hóa sẵn có trong đường ruột bị tổn thương. Những vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt bởi kháng sinh hoặc các thuốc điều trị ARV. Vì vậy, khi ăn cần nhai kỹ làm thức ăn dễ tiêu hóa hơn. Cho thêm đu đủ vào thịt làm mềm thức ăn để giúp cho việc tiêu hóa thức ăn. Ăn các thức ăn chua như nước dưa chua, bột chua, sữa chua dễ tiêu hóa và giúp tiêu hóa các thức ăn khác.

Không nên ăn thức ăn béo như thức ăn rán, pho mát, lạc, kem sẽ khó tiêu hóa. Tuy nhiên, có thể ăn trở lại bình thường khi cảm thấy khỏe.

Để chống táo bón, ăn nhiều chất xơ và nhuận tràng như rau khoai lang (cả củ khoai lang), rau đay, mùng tơi, một số quả: soài, cam, thanh long, nho, bưởi. Mỗi bữa ăn ít nhưng ăn nhiều bữa. Uống nhiều nước, tích cực và luyện tập thể dục thường xuyên để kích thích nhu động ruột tăng tiêu hóa. Để tránh cảm giác đầy bụng, không uống quá nhiều khi ăn. Tránh ăn các loại thức ăn như bắp cải, đậu, hành, xúp lơ, cải xanh và nước có ga lạnh thường sinh hơi trong dạ dày.

(Theo tài liệu của Bộ Y tế)

BS. Nguyễn Bích Ngọc


Ý kiến của bạn