“Có bệnh thì vái tứ phương”, đó là quan niệm của nhiều người bệnh, đặc biệt với người mắc bệnh nan y như ung thư. Không khó hiểu khi có rất nhiều người đang điều trị ung thư đúng phương pháp cộng với các kỹ thuật tiến bộ y khoa hiện đại, nhưng cũng sẵn sàng nghe theo lời mách để mong chữa khỏi bệnh với những lời quảng cáo “bùi tai” về dùng thực phẩm chức năng, ăn gạo lứt hay muối mè để chữa bệnh. Đã có nhiều người bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh di căn khắp nơi khi quay lại bệnh viện, đó là điều trăn trở, ưu tư của các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Khi người bệnh ung thư không tin điều trị
Bệnh ung thư cũng như nhiều căn bệnh hiểm nghèo khác, yếu tố tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị của bệnh nhân. Áp lực về tài chính dẫn đến việc bỏ điều trị chính thống là điều không thể tránh khỏi, bởi phần lớn các trường hợp điều trị ung thư đều cần thực hiện trong một thời gian dài, mà gánh nặng về tài chính là một áp lực lớn.
Sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến quyết định từ bỏ y học chính thống. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bệnh nhân được chăm sóc toàn diện, kỹ lưỡng hơn bởi nhóm chăm sóc đa chuyên ngành vẫn từ bỏ điều trị chính thống (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật) dù hiếm xảy ra hơn nhiều. Đừng quên rằng bác sĩ Tây y luôn tư duy y học dựa trên bằng chứng. Máy móc tối tân vẫn có thể thua xa một ông lang vườn biết quan tâm nói chuyện để xoa dịu người bệnh.
Khi bác sĩ quên mất vai trò làm “người xoa dịu”, ngành y mất đi phân nửa giá trị.
Là một người bệnh, đặc biệt là trường hợp bệnh hiểm nghèo, thì không một ai từ bỏ cơ hội bình phục và khỏe mạnh. Người bệnh ung thư cũng vậy, họ không tự nhiên mà bỏ bệnh viện này sang bệnh viện khác, bỏ bác sĩ này đến hỏi bác sĩ kia. Chẳng có ai dại dột rời bỏ một người bác sĩ có hiểu biết và thái độ ân cần, chu đáo lo lắng cho mình. Không chỉ nội dung tư vấn mà phong thái của người bác sĩ như nét mặt, ánh mắt, nụ cười, lời nói, cử chỉ … cũng cho bệnh nhân biết rằng, trong sâu thẳm trái tim bác sĩ có yêu thương bệnh nhân hay không, có hiểu cho nổi đau, khổ sở của bệnh nhân hay không, hay chỉ đó chỉ là trách nhiệm công việc đơn thuần.
Đừng quên rằng bác sĩ Tây y luôn tư duy y học dựa trên bằng chứng
Bệnh nhân không tuân thủ điều trị, một phần vì họ thiếu tình thương của bác sĩ. Con người là những sinh vật máu nóng với trái tim để yêu thương. Khi người bệnh trong tình trạng hiểm nghèo, họ không chỉ cần những lời giải thích, tư vấn đầy đủ về căn bệnh, điều trị; mà còn cần sự an ủi sẻ chia của bác sĩ, giúp họ giảm bớt nỗi đau, có niềm tin vào điều trị.
Đối với các bệnh nhân và người thân
Cứu người là trách nhiệm thiêng liêng của người thầy thuốc, đội ngũ bác sĩ y tá ở Việt Nam đều cố gắng cứu chữa cho bệnh nhân, dù đang phải làm việc trong một môi trường quá tải và đầy nguy cơ. Điều này cũng giống tình huống có quá nhiều người sắp chết đuối mà đội cứu hộ cũng…sắp đuối sức.
Người bệnh nên bình tĩnh phối hợp với nhân viên y tế bằng thái độ hòa nhã và cư xử lịch sự để dịu đi sự căng thẳng mà đội ngũ y bác sĩ đã phải đối mặt, để góp phần tạo điều kiện tốt nhất về tinh thần cho đội ngũ y tế cứu người. Thay vì ngơ ngác vùng vẫy làm công tác cứu hộ thêm phức tạp, hãy chăm chỉ tìm hiểu kỹ năng sinh tồn để cùng nhân viên cứu hộ bơi tới đích an toàn.
Kỹ năng sinh tồn trong y khoa bắt đầu từ kỹ năng xử lý thông tin, bao gồm phân biệt tin thật, tin giả và hiểu biết cơ bản về cách xử trí tình huống bệnh của mình. Bệnh nhân cần hiểu: Mục tiêu điều trị là gì? Điều trị chính thống trong trường hợp đó thường là gì? Bản thân có đủ điều kiện (thể lực, trí lực, tài lực) để theo điều trị chính thống hay không?
Nhiều người thiệt mạng vìbỏ lỡ thời điểm “điều trị vàng”do tin theo thực phẩm chức năng, phương pháp chữa bệnh không chính thống. Đó là những người được chẩn đoán đúng giai đoạn sớm của ung thư, nhưng đã chần chừ, bỏ lỡ điều trị vốn được chuẩn bị đểtăng cơ hội chữa lành bệnhcho mình.
Đã có nhiều người thiệt mạng vìkhông biết xử trí tình huống khẩn cấpvì vẫn tin lời khuyên trên mạng. Tin theo tư vấn của người không quen hoặc người không có kiến thức y khoa.
Cũng có những người thiệt mạng vì điều trị chính thống không được dùng đúng chỗ. Phần lớn là những người đã nằm liệt giường, không ăn uống được, nhưng vẫn còn muốn hóa trị, xạ trị thêm dù khả năng nguy cơ tử vong được tiên lượng khá cao.
Mỗi người bệnh có những đặc điểm khác nhau, điều kiện sức khỏe khác nhau, không ai giống ai và điều trị cũng vậy. Bản thân đội ngũ y bác sĩ cũng phải căn cứ trên tình trạng của từng bệnh nhân để tư vấn và chỉ định.
Vì thế, hiểu biết đúng đắn về ung thư là rất quan trọng,để theo đúng hướng điều trị. Không nên bắt chước sự lựa chọn của những người bệnh khác một cách gập khuôn, máy móc.
Mỗi sự lựa chọn đều có nguyên nhân của nó, người bệnh tuân theo bác sĩ hay tin theo thực phẩm chức năng là lựa chọn của mỗi cá nhân. Để việc điều trị được hiệu quả, cần có sự chung tay của bác sĩ, bệnh nhân và cả thân nhân người bệnh; vì mục tiêu cuối cùng của tất cả các phương pháp là giúp người bệnh bình phục và khỏe mạnh.