Hiện nay, số người bệnh phải thay van tim cơ học ngày càng tăng, đa số do tổn thương sau thấp tim. Đây vẫn là bệnh phổ biến của các nước đang phát triển, vì vậy việc chăm sóc người bệnh sau khi thay van tim là vô cùng quan trọng, cần phải nắm rõ những nguyên tắc cơ bản để đạt kết quả điều trị tốt nhất.
Cần tuân thủ chặt chẽ mọi chỉ định của bác sĩ
Tất cả bệnh nhân thay van tim cơ học đều cần dùng thuốc chống đông suốt đời. Ở Việt Nam, loại thuốc kháng đông được sử dụng là sintrom, thuộc nhóm thuốc kháng vitamin K. Nếu không uống thuốc kháng đông có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bệnh nhân không uống thuốc hoặc uống chưa đủ liều sẽ dễ hình thành cục máu đông tại van cơ học. Cục máu đông có thể vào hệ tuần hoàn có thể gây tắc mạch nhiều nơi trong cơ thể như tắc ở mạch máu não sẽ gây nhồi máu não. Nếu cục máu đông tắc ngay tại van cơ học khiến van không hoạt động, bệnh nhân có thể đột tử. Ngược lại, nếu uống thuốc quá liều sẽ gây xuất huyết trong cơ thể như xuất huyết não, dạ dày, cơ, thận, da...
Bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông cần được xét nghiệm máu định kỳ để thử giá trị INR (International Normalized Ratio). Với bệnh nhân có van động mạch chủ cơ học, INR cần giữ ở mức 2 - 3, với van hai lá cơ học là 2,5 - 3,5.
Hình ảnh van tim cơ học
Khi nào cần tái khám?
Trước tiên, bệnh nhân cần ý thức được việc sử dụng thuốc chống đông sau phẫu thuật thay van cơ học là vấn đề rất quan trọng. Ngay sau mổ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống đông và theo dõi INR hàng ngày trong thời gian nằm viện để điều chỉnh liều phù hợp với từng bệnh nhân. Khi bệnh nhân đạt chỉ số INR ổn định sẽ được ra viện và có lịch hẹn tái khám. Bệnh nhân phải tái khám đúng theo lịch và uống thuốc chống đông đúng theo đơn của bác sĩ, uống đúng liều lượng, uống đều đặn, không được ngưng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì nếu không có ý kiến của bác sĩ.
Nếu bệnh nhân thấy có những dấu hiệu như: chảy máu chân răng (tự nhiên hay sau khi đánh răng), chảy máu mũi, nổi vết bầm dưới da, đi ngoài phân đen sệt, nôn ra máu, tiểu đỏ, lượng máu hành kinh ra nhiều...(có thể do dùng thuốc quá liều) hoặc thấy tức ngực, khó thở... (có thể bị kẹt van) thì cần đến bệnh viện ngay để bác sĩ tim mạch kiểm tra và điều trị.
Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông không nên tự uống thuốc khác (kể cả các loại thuốc bổ, vitamin), khi cần dùng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ và xem kỹ hướng dẫn sử dụng.
Khi bệnh nhân phải vào bệnh viện (vì tai nạn, bệnh tật...), phải báo cho bác sĩ biết là đang dùng thuốc chống đông máu và đang mang van tim nhân tạo.
Nếu phụ nữ muốn có con phải báo ngay cho bác sĩ để có chỉ dẫn cụ thể, nhất là đến ngày sinh đẻ.
Chế độ ăn ảnh hưởng đến kết quả điều trị
Ngoài tuân thủ việc uống thuốc thường xuyên và đều đặn, chế độ ăn cũng rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dùng thuốc chống đông.
Người bệnh thay van tim cơ học cần lưu ý chế độ ăn ít thực phẩm chứa vitamin K.
Các thực phẩm có thể ảnh hưởng đến thuốc chống đông
Nhiều loại thực phẩm chứa vitamin K gây cản trở tác dụng của thuốc này. Bệnh nhân nên hạn chế ăn các loại rau quả có lá màu xanh sẫm có nhiều vitamin K. Các loại thực phẩm có chứa vitamin K bao gồm: cải xoăn, trà xanh, măng tây, bơ, bông cải xanh, cải bắp, súp lơ, mù tạc, gan, dầu đậu tương, đậu nành, đậu (đậu Hà Lan, đậu xanh), củ cải, mùi tây, hành xanh, và rau diếp. Quan trọng hơn cả, bệnh nhân cần ăn lượng rau trong khẩu phần hàng ngày tương đối đều nhau, tránh thay đổi nhiều trong các bữa ăn.
BS. Ngô Tuấn Anh (Bệnh viện 108)
Một số điều nên tránh khi dùng thuốc chống đông
Tránh uống rượu.
Không tham gia bất kỳ hoạt động thể thao nào có thể dẫn đến va chạm mạnh.
Không thay đổi mạnh mẽ trong chế độ ăn uống.
Mang thai: Không nên sử dụng thuốc chống đông trong khi mang thai vì có nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi.
Ngưng thuốc: Việc ngưng thuốc hay thay đổi liều thuốc phải tuyệt đối theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh tự ý điều chỉnh hay ngưng thuốc đột ngột.
Các thủ thuật: Trước khi làm bất kỳ xét nghiệm hoặc thủ thuật nào (ví dụ: phẫu thuật, nhổ răng, chụp mạch) bệnh nhân cần được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Cho con bú: Thuốc chống đông có thể đi vào sữa mẹ nên có thể ảnh hưởng đến em bé. Thảo luận với bác sĩ về việc bạn nên tiếp tục cho con bú hay không.