Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt tại nhà

23-10-2013 13:24 | Phòng mạch online
google news

Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh mạn tính, tiến triển từ từ, theo từng giai đoạn do vậy cần phải điều trị và theo dõi lâu dài, có thể vài năm, thậm chí có thể cả cuộc đời.

Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh mạn tính, tiến triển từ từ, theo từng giai đoạn do vậy cần phải điều trị và theo dõi lâu dài, có thể vài năm, thậm chí có thể cả cuộc đời. Ðiều trị tại nhà thường tiếp diễn sau khi bệnh nhân có một thời gian điều trị giai đoạn cấp tại bệnh viện. Nhân viên y tế thôn bản cần hướng dẫn người nhà biết cách chăm sóc bệnh nhân đúng cách.

Ai có thể điều trị tại nhà?

Các bệnh nhân sau khi được điều trị ổn định tại bệnh viện, phần nào đã thích ứng được với đời sống tại gia đình, xã hội: có thể tự chăm sóc vệ sinh cá nhân, làm được một số công việc hàng ngày, tuân thủ điều trị, chịu uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Khi người bệnh không có các biểu hiện cần chỉ định vào viện như: kích động, tự sát, không chịu ăn, hoang tưởng, ảo giác nặng hoặc có các hành vi nguy hiểm đến tính mạng của chính bản thân hoặc những người xung quanh.

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt tại nhà 1
 Ảnh nguồn google.

Làm gì để chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt?

Ðể việc điều trị tại nhà có hiệu quả cần có sự phối hợp giữa người thân và bác sĩ. Do vậy gia đình bệnh nhân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về bệnh tâm thần phân liệt và cách chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt. Các thông tin này có thể lấy từ sách, báo hoặc tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt do các bác sĩ chuyên khoa tâm thần phụ trách.

Biết cách theo dõi bệnh nhân: bao gồm theo dõi về diễn biến bệnh, theo dõi các triệu chứng về thuốc và các triệu chứng khác. Gia đình bệnh nhân nên có một cuốn sổ để ghi lại các diễn biến của bệnh phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát bệnh như: thay đổi tính cách (dễ cáu giận, bực bội...); thay đổi trong nền nếp sinh hoạt; ngủ kém hoặc mất ngủ; cảm giác xung quanh thay đổi... để liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đưa người bệnh đến cơ sở chuyên khoa tâm thần khám và điều chỉnh liều thuốc. Theo dõi sát bệnh nhân để kịp thời phát hiện các triệu chứng nặng như: kích động, tự sát, không chịu ăn... để có thể đưa bệnh nhân vào viện kịp thời.

Quản lý thuốc chặt chẽ, cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều chỉnh thuốc và liều thuốc. Yêu cầu bệnh nhân uống thuốc khi có mặt của người thân vì bệnh nhân tâm thần phân liệt hay từ chối điều trị, một số bệnh nhân cho rằng đã khỏi bệnh hoặc cho rằng thuốc độc nên giấu thuốc, không chịu uống; không cho bệnh nhân giữ hoặc biết nơi để thuốc vì bệnh nhân có thể uống quá liều gây ngộ độc.
Thường xuyên cho bệnh nhân khám định kỳ, thông thường có thể 2 tuần, 3 tuần hoặc 1 tháng một lần tùy theo thể bệnh (khi đến khám bệnh cần mang tất cả các tài liệu liên quan đến quá trình bệnh của bệnh nhân).
Theo dõi các biểu hiện bất thường về cơ thể như: sốt, mệt mỏi, ho, các vết thương, chấn thương (do bệnh nhân có thể tự gây thương tích cho mình), các bệnh lý cơ thể khác để kịp thời điều trị. Ðộng viên, giúp đỡ và có thái độ cư xử tôn trọng người bệnh. Giúp đỡ, huấn luyện người bệnh làm các công việc hàng ngày, tạo điều kiện cho người bệnh được giao tiếp xã hội, được làm việc.

BS. Hoàng Nam


Ý kiến của bạn