Khi dân số già đi, việc chăm sóc những người mắc chứng mất trí nhớ đã trở nên ngày càng phổ biến hơn. Việt Nam hiện có khoảng 500.000 bệnh nhân bị sa sút trí tuệ cần chăm sóc.
Lớp học trẻ con cho… ông bà
“Một ổ bánh mì giá 15.000 đồng. Hai ổ bánh mì bao nhiêu, bà Thúy?”. Bà cụ tóc bạc trắng 77 tuổi “bẽn lẽn” trả lời: “Một ổ bánh mì đàng hoàng nha, bánh mì không không có giá 15.000 đồng đâu nha. Hai ổ bánh mì thịt mới có giá 30.000 đồng”.“Tô hủ tiếu này giá 30.000 đồng.Mọi người nhớ giá nha.Hai tô bao nhiêu, cô Tư ơi?”… “Vậy đưa 100.000 đồng, chủ quán trả lại bao nhiêu?” “40.000 đồng…”
10 học viên tóc bạc trắng, háo hức nhìn lên màn hình, học cộng - trừ như cháu nội, cháu ngoại ở nhà. Cả lớp cười rộ lên, mỗi khi được cô điều dưỡng đứng lớp hay BS.CKII. Trần Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trưởng Đơn vị Trí nhớ và Sa sút Trí tuệ, BV 30.4, khen giòn.
Điều đặc biệt, họ đều là những bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ, một hội chứng thường bắt đầu từ những tổn thương ở vùng não kiểm soát bộ nhớ, tiến triển làm ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và cảm xúc. Người cao tuổi bị sa sút trí tuệ dần mất tính độc lập và mất chức năng sống cũng như khả năng chăm sóc bản thân, cần phải được sự chăm sóc giúp đỡ trong mọi mặt cuộc sống.
Các hoạt động trị liệu nhóm và cá nhân cho bệnh nhân sa sút trí tuệ
Trong lớp học chăm sóc ban ngày dành cho bệnh nhân sa sút trí tuệ, bệnh nhân được học hát, học đếm, tập thể dục, học thủ công, bịt mắt đoán hình… để tìm lại những thói quen xưa, những ký ức bị mất đi, học cách đối thoại, nhớ đồ vật quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, những sự kiện như trung thu, tết…
“Bác có mệt không, có cần uống nước không?”.Những câu hỏi đó được nêu ra thường xuyên trong lớp bên cạnh việc ôn luyện trí nhớ, điều dưỡng và các bác sĩ còn phải chú trọng quan sát tình trạng bệnh nhân. Đôi khi, lớp học phải dừng lại vì bệnh nhân lớn tuổi nào đó bị mệt vì đứng lâu, cần ngồi nghỉ ngơi, hay uống nước.
Bà Nguyễn Thị B. P. (50 tuổi, Khánh Hòa) chia sẻ: “Chứng mất trí nhớ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mẹ tôi và những người thân yêu trong gia đình tôi. Mẹ tôi giống như quên mất cách nói chuyện, không còn biết cách giao tiếp với con cháu.Thời gian bà mới được chẩn đoán bệnh, chúng tôi vô cùng lúng túng, không biết chăm sóc, hỗ trợ bà như thế nào”.
Đi qua những miền ký ức
Hiện nay, người lớn tuổi ngày càng nhiều tại cộng đồng, trong khi Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Do vậy, các bệnh về sa sút trí tuệ ngày càng nhiều. Bệnh nhân cũng như người nhà không biết họ bị bệnh gì, cần đi khám ở đâu, điều trị như thế nào. TS.BS. Trần Công Thắng, Phó Chủ tịch Hội Bệnh Alzheimer và Rối loạn Thần kinh Nhận thức Việt Nam, nhận xét gia đình có một người bệnh sa sút trí tuệ, cả nhà lo âu, mất ăn, mất ngủ và muốn bệnh cùng người bệnh luôn. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng nhiều hoạt động hỗ trợ người chăm sóc, cung cấp cho họ các kiến thức và các hoạt động phương tiện hỗ trợ phù hợp.
Chẩn đoán sa sút trí tuệ thường sẽ ảnh hưởng đến bạn đời, con trẻ, cháu chắt, anh chị em và hơn thế nữa. Chứng mất trí nhớ hay sa sút trí tuệ là do các bệnh thoái hóa não gây ra, làm thay đổi khả năng suy nghĩ, suy luận, giao tiếp, ghi nhớ thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính cách, hành vi và tâm trạng của bệnh nhân.
Chính vì vậy, BV 30.4 đã tìm kiếm những dự án hỗ trợ từ Đức để xây dựng Đơn vị Trí nhớ và Sa sút Trí tuệ. Tại đây, các chuyên gia sẽ triển khai hỗ trợ bệnh nhân sa sút trí tuệ một cách toàn diện từ hoạt động tầm soát, chẩn đoán điều trị, triển khai điều trị bằng thuốc, trị liệu gồm trị liệu nhóm và trị liệu cá nhân, mở các lớp huấn luyện miễn phí cho người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ (daily caregiver). Sau hơn 1 năm Đơn vị Trí nhớ và Sa sút Trí tuệ hoạt động, 230 bệnh nhân đã đến làm các test thử nghiệm, 140 bệnh nhân được chẩn đoán sa sút trí tuệ, trong đó 85 bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer, ngoài ra còn có bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ thể mạch máu…
“Mục đích của các lớp sinh hoạt nhóm này là giúp bệnh nhân sa sút trí tuệ sống cuộc sống của họ một cách đầy đủ nhất có thể, càng lâu càng tốt. Qua các lớp học này, người thân trong gia đình cũng dần hiểu rõ và biết cách đối mặt với tình trạng theo cách riêng của họ”, BS. Thu Hương cho biết.
Theo BS. Hương, ở các nước, nhiều trung tâm chăm sóc ban ngày (daily care) được nhà nước hỗ trợ nên bệnh nhân tiếp cận với các chăm sóc và hỗ trợ trị liệu dễ dàng hơn.Còn tại TP.HCM, như BV 30.4, bệnh nhân và người nhà vẫn phải tự lo liệu nên tham gia vào các lớp như vậy vẫn khá hạn chế.
“Tại các lớp học, chúng tôi sử dụng các bài tập đơn giản nhất như bài vận động, tính toán, nhớ từ, học chơi trên máy tính...để bệnh nhân nắm được, kích thích nhận thức cũng như trí nhớ hay những bài tập làm quen lại các đồ vật quen thuộc hàng ngày... Chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sa sút trí tuệ do Alzheimer thể trung bình - nặng; lúc mới vào, không thể tiếp xúc, không giao tiếp được, nhưng đến nay, hoạt động của bệnh nhân dần cải thiện. Bệnh nhân tham gia từ trị liệu cá nhân dần chuyển sang trị liệu nhóm. Thân nhân bệnh nhân chia sẻ với chúng tôi rằng, chỉ cần nghỉ học 1, 2 tuần, người bệnh trầm xuống rất nhiều và rất mong đi học”, BS. Thu Hương kể.
Các bài tập đơn giản chỉ là gợi sự ghi nhớ cùng các bài tập gợi sự tương tác, giao lưu vui vẻ.Thế nên dù các bệnh nhân chưa quen biết nhưng không ai bị lạc lõng mà luôn vui vẻ hòa cùng bầu không khí thân thiện, khỏe vui.Qua thời gian giao tiếp của bệnh nhân tốt hơn, nhiều cụ chịu nói chuyện, sinh hoạt hàng ngày không phụ thuộc nhiều vào người nhà.
BS.CKII. Trần Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trưởng Đơn vị Trí nhớ và Sa sút Trí tuệ, BV 30.4
Anh Trần Thanh V. (40 tuổi, quận 12 TPHCM) tươi cười nói: “Mẹ tôi từ ngày tham gia các lớp trị liệu này đã vui vẻ hơn. Lúc trước, mẹ tôi hay cáu gắt, giờ sắc khí của mẹ tốt hơn, dịu hẳn, hòa đồng, tham gia vào những việc lặt vặt trong gia đình. Nhờ các bác sĩ, tôi biết căn bệnh này của mẹ tôi cần được khuyến khích tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày mà mẹ vẫn làm được như lặt rau, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, xếp gọn quần áo…, nghỉ ngơi hợp lý”.
Những lớp học trị liệu nhóm hay trị liệu cá nhân dù chỉ vài giờ trong 1, 2 ngày/tuần nhưng cũng đem lại nhiều khởi sắc cho bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Vì vậy, nếu ông bà, bố mẹ đột nhiên thay đổi tính tình, có câu gì đó nhắc đi nhắc lại; đó là triệu chứng “quên ngược chiều”, hồi ức xa xưa nhớ rất rõ. Nếu con cháu không hiểu bệnh, không biết cách chăm sóc, cũng dễ rơi vào trầm cảm. Bệnh thường kéo dài, biến chứng từ từ nên theo BS. Thu Hương, điều quan trọng nhất là chia sẻ với bệnh nhân. Bước đầu, tại các chuyên khoa về Nội Thần kinh hay Trí nhớ và Sa sút Trí tuệ đã triển khai, chuẩn hóa các chẩn đoán, điều trị, hỗ trợ trị liệu phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của bệnh nhân Việt Nam một cách đầy đủ nhất.