Theo thống kê có gần 1/4 số bệnh nhân ĐTĐ sẽ bị loét chân và hơn 50% các ca loét chân bị nhiễm trùng, cần nhập viện điều trị và 1/5 số đó bị đoạn chi. Trên thế giới mỗi 30 giây, có 1 ca đoạn chi do hậu quả của ĐTĐ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời các biến chứng bàn chân thì có thể ngăn ngừa được tới 85% các trường hợp bị đoạn chi.
Các yếu tố nguy cơ đoạn chi trên bệnh nhân ĐTĐ do mất cảm giác ở bàn chân, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thần kinh gây giảm tiết mồ hôi và da khô, nhiễm trùng vết loét, chai chân, kiểm soát đường huyết kém hoặc do mang giày dép không hợp lý.
Vì vậy việc chăm sóc bàn chân mỗi ngày là biện pháp phòng ngừa loét chân hữu hiệu.
Cách chăm sóc
Rửa sạch chân hàng ngày, rửa chân với nước sạch, không dùng nước nóng, lau khô bằng khăn mềm, chú ý lau khô kẽ ngón và không ngâm chân quá lâu trong nước. Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi dùng rửa chân.
Quan sát bàn chân hàng ngày xem có xuất hiện vết thương, vết loét hoặc bóng nước mới xuất hiện hay không, sự thay đổi nhiệt độ, màu sắc da (đỏ hoặc tím tái), phù chân, da khô, nứt nẻ, hay xuất hiện các nốt chai chân.
Nên cắt móng ngang, giũa các phần móng nhọn
Nên dùng dung dịch dưỡng ẩm - đặc biệt tốt cho trường hợp khô da, nứt da (nứt gót chân). Không nên thoa kem vào giữa các ngón hay dùng các loại thảo dược không rõ thành phần. Nên dùng kem chống nắng ở vùng da tiếp xúc ánh nắng.
Nên cắt móng ngang, giũa các phần móng nhọn, nhờ người giúp đỡ nếu móng quá dày. Không nên để móng quá dài, cắt da, lấy khóe móng vì dễ gây nhiễm trùng.
Đối với các nốt chai, bệnh nhân có thể dùng đá mài sau khi tắm, nên gặp nhân viên y tế để được gọt nốt chai. Không nên dùng lưỡi lam, dao cạo râu để gọt nốt chai dễ gây tổn thương, nhiễm trùng da.
Bệnh nhân nên chọn vớ len hoặc bông, không bó chặt ở miệng vớ đễ máu dễ lưu thông, đường may không gồ ghề.
Chọn mua giày thích hợp, nơi để ngón sâu và rộng rãi, đế cao su dày, có dây buộc hoặc khóa kéo để điều chỉnh phù hợp kích cỡ chân. Bên trong giày mềm mại, tránh đi giày cao gót.
Nên dùng dung dịch dưỡng ẩm
Những lưu ý về phòng ngừa
Nên mua vào buổi chiều, thử cả 2 chân, thử giày ở tư thế đứng, không bao giờ mang giày mới cả ngày.
Luôn kiểm tra giày dép trước khi mang. Đảm bảo mặt trong giày trơn nhẵn, không có dị vật.
Không bao giờ đi chân không để tránh dẫm phải vật nhọn gây trầy xước da.
Giữ cho máu lưu thông tốt đến bàn chân. Tập thể dục đều đặn. Không mang giày vớ quá chật. Không hút thuốc lá.
Tái khám định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi và giúp kiểm soát đường huyết, huyết áp và mỡ máu tốt hơn.
Việc phòng ngừa và phát hiện sớm các vấn đề về bàn chân sẽ giúp ngăn ngừa loét chân và đoạn chi trên bệnh nhân ĐTĐ. Ngoài ra, khi có bất kỳ vấn đề thắc mắc về bệnh hoặc phát hiện trên bàn chân của bạn có dấu hiệu bất thường, đừng ngại gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị tốt hơn.