Hà Nội

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau sinh

23-06-2019 07:03 | Đời sống
google news

SKĐS - Để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con, việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau khi sinh phải được thực hiện tốt với các mốc thời gian quy định gồm ngày đầu sau sinh, tuần đầu sau sinh và 6 tuần đầu sau sinh.

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngày đầu sau sinh

Trong 2 giờ đầu, sản phụ vẫn còn nằm ở phòng sinh, nếu mẹ và con đều bình thường, vẫn để cho con nằm tiếp xúc da kề da trên bụng mẹ và hướng dẫn bà mẹ cách cho con bú; theo dõi thể trạng người mẹ, mạch, huyết áp, co hồi tử cung, tình trạng ra máu tại các thời điểm mỗi 15 phút một lần trong 2 giờ đầu.

Đối với trẻ sơ sinh, cần giữ ấm cho trẻ ở nhiệt độ phòng từ 26 đến 280C, không có gió lùa; nếu trẻ tự thở tốt, đặt trẻ tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ, đội mũ và phủ khăn cho cả hai mẹ con; quan sát trẻ nếu có dấu hiệu đòi bú như mở miệng, chảy dãi, mút tay, trườn bò, hướng dẫn người mẹ cho trẻ bú ngay trên bụng mẹ, không cho bất cứ thức ăn hay nước uống nào khác.

Sau khi trẻ hoàn thành bước bú đầu tiên mới tiến hành thực hiện chăm sóc thường quy như khám toàn thân, chăm sóc rốn và mắt, tiêm vitamin K1, tiêm vắc xin viêm gan B và BCG; theo dõi tình trạng thở, trương lực cơ, màu sắc da, nhịp tim, toàn trạng, thân nhiệt, tiêu hóa... cứ mỗi 15 đến 20 phút một lần trong 2 giờ đầu.

Lưu ý khi theo dõi, chăm sóc mẹ và con phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh ở mức tối đa bằng cách rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau mỗi lần chăm sóc; dụng cụ chăm sóc phải vô khuẩn, không dùng chung cho các sản phụ hoặc trẻ sơ sinh khác; tã, áo, khăn, đồ dùng cho mẹ và con phải khô, sạch.

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau sinhNếu trẻ tự thở tốt, đặt trẻ tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ

Một số tình huống bất thường có thể xảy ra cần được xử trí kịp thời cho người mẹ trong các trường hợp như: Mạch nhanh trên 90 lần mỗi phút, cần kiểm tra huyết áp, cầu an toàn, tình trạng ra máu. Huyết áp hạ với huyết áp tối đa dưới 90 mmHg cần xử trí sốc sản khoa.Tăng huyết áp với huyết áp tối đa trên 140mmHg hoặc tăng 30mmHg, huyết áp tối thiểu trên 90mmHg hoặc tăng 15mmHg so với trước, xử trí sản giật.

Khi theo dõi, chăm sóc mẹ và con phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh ở mức tối đa bằng cách rửa tay với nước sạch và xà phòng

Tử cung mềm, cao trên rốn cần xử trí đờ tử cung.Chảy máu trên 500ml và máu vẫn tiếp tục ra cần xử trí băng huyết sau khi sinh.Rách âm đạo, tần sinh môn cần sắp xếp để khâu lại. Có khối máu tụ cần theo dõi để quyết định xử trí hoặc chuyển tuyến nếu ở xã, phường, thị trấn.

Đối với con, nếu phát hiện khó thở, ngừng thở, tím tái, cơ mềm nhão cần hồi sức thở, hồi sức tim, chuyển tuyến; nếu trẻ bị lạnh hoặc ở phòng lạnh cần ủ ấm, cho trẻ nằm tiếp xúc da kề da với mẹ, sưởi ấm với phương tiện sẵn có; nếu chảy máu rốn cần làm rốn lại.

Kể từ giờ thứ ba đến hết ngày đầu, việc theo dõi cả mẹ lẫn con cũng cần được quan tâm.

Đối với người mẹ, cần đưa cả mẹ và con về phòng hậu sản và theo dõi các nội dung như trên mỗi giờ một lần, mẹ phải có mang băng vệ sinh sạch và đủ thấm, giúp người mẹ ăn uống và ngủ yên, cho người mẹ vận động sớm sau khi sinh khoảng 6 giờ, hướng dẫn mẹ cho con bú sớm và đúng cách, hướng dẫn mẹ cách chăm sóc con và theo dõi chảy máu rốn, hướng dẫn mẹ. Người cha và gia đình biết chăm sóc, phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ, yêu cầu gọi ngay nhân viên y tế khi mẹ chảy máu nhiều, đau bụng tăng, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt; theo dõi vào giờ thứ bảy để ghi nhận toàn trạng, sự co hồi tử cung với dấu hiệu rắn và tròn, tình trạng băng vệ sinh để kiểm tra lượng máu mất.

Đối với con, cũng phải theo dõi trẻ mỗi giờ một lần, luôn để con nằm cạnh mẹ, chú ý giữ ấm cho trẻ, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, hướng dẫn bà mẹ nhận biết các dấu hiệu bất thường cần gọi ngay nhân viên y tế như trẻ bỏ bú, không thở, tím tái, chảy máu rốn; theo dõi vào giờ thứ bảy với quy định cứ mỗi 6 giờ một lần, chú ý các dấu hiệu toàn trạng thở như có khó thở hay không, màu sắc da như có tím tái, có vàng da, sờ có lạnh hay không, rốn có chảy máu hay không, tiêu hóa và có bú được mẹ hay không, đã đi tiêu ra phân su chưa...

Một số tình huống bất thường có thể xảy ra cần được xử trí kịp thời cho người mẹ trong các trường hợp như: Tử cung mềm, cao quá rốn cần xoa bóp tử cung, ấn đáy lấy máu cục. Nếu băng vệ sinh thấm ướt máu sau 1 giờ cần tiêm thuốc co tử cung với 10 đơn vị oxytocin và kiềm tra xử lý chảy máu sau sinh.

Đối với con, nếu trẻ chưa bú mẹ hoặc khó khăn khi cho con bú cần hướng dẫn bà mẹ cách cho con bú; nếu trẻ lạnh hoặc ở phòng lạnh cần ủ ấm cho trẻ, cho trẻ nằm tiếp xúc da kề da với mẹ, mặc thêm áo, đắp thêm chăn, làm ấm phòng...; nếu trẻ khó thở, tím tái cần xử trí cấp cứu; nếu trẻ bị chảy máu rốn cần làm lại rốn, nếu vẫn chảy máu không tìm được nguyên nhân mời hội chẩn hoặc chuyển tuyến trên.

Nếu trẻ không có phân su cần kiểm tra hậu môn, nếu phát hiện không hậu môn, mời hội chẩn ngoại khoa hoặc chuyển tuyến; nếu trẻ không tiểu tiện cần kiểm tra xem trẻ có được bú đủ không, nếu không tìm thấy nguyên nhân, mời hội chẩn hoặc chuyển tuyến; nếu trẻ bị vàng da cần điều trị ngay hoặc chuyển tuyến.

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh từ bà mẹ nhiễm HIV cũng cần được lưu ý.

Đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xem là trẻ phơi nhiễm HIV chỉ chọn một trong hai cách nuôi trẻ là bằng sữa mẹ hoàn toàn hoặc bằng sữa thay thế hoàn toàn. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ, chỉ cho bú mẹ hoàn toàn, không cho ăn, uống bất cứ thức ăn đồ uống nào kể cả nước trắng, trừ trường hợp phải uống bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc thuốc; cần tư vấn các nguy cơ cho trẻ khi nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.

Trường hợp nuôi trẻ bằng sữa thay thế là quá trình nuôi trẻ không bằng sữa mẹ, hoàn toàn thay bằng chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu của trẻ cho đến khi trẻ có thể ăn các thức ăn cùng gia đình; cần tư vấn các bất lợi khi nuôi dưỡng trẻ bằng sữa thay thế.

Trẻ được chuyển tiếp lên phòng khám ngoại trú nhi để theo dõi thể chất, tinh thần, vận động của trẻ, điều trị theo phác đồ hiện hành của Bộ Y tế và làm xét nghiệm PCR sớm cho trẻ phơi nhiễm HIV.

Đối với bà mẹ nhiễm HIV, sau khi sinh bà mẹ được tư vấn, chuyển tiếp tới cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS; cần tư vấn bà mẹ tiếp tục sử dụng thuốc kháng virus theo phác đồ hiện hành của Bộ Y tế; tư vấn các biện pháp tránh thai cho bà mẹ nhiễm HIV, biện pháp tốt nhất là dùng bao cao su; khuyến khích các bà mẹ bộc lộ tình trạng nhiễm HIV với bạn tình và khuyến khích các bà mẹ đưa bạn tình làm xét nghiệm HIV; tư vấn cho bà mẹ tham gia vào các nhóm tổ chức xã hội, nhóm đồng đẳng...

Chăm sóc mẹ và con tuần đầu sau sinh

Vấn đề này được thực hiện khi thăm bà mẹ và trẻ sơ sinh tại hộ gia đình hoặc tại trạm y tế. Các câu hỏi được đặt ra đối với bà mẹ gồm: sức khỏe chung, giấc ngủ, ăn uống, tình trạng sốt, đại tiện, tiểu tiện, có rỉ nước hoặc són phân, đau bụng, sản dịch; tình trạng vú cương, đau, tiết sữa, có đủ sữa cho con; trạng thái tinh thần của bà mẹ, nhức đầu, hoa mắt, đau tầng sinh môn; uống thuốc viên sắt, vitamin A; các vấn đề khác trong phiếu theo dõi sức khỏe bà mẹ tại nhà.

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau sinhTuần đầu sau sinh cho con bú hoàn toàn sữa mẹ

Các câu hỏi về trẻ sơ sinh qua người mẹ gồm: tình trạng bú mẹ, toàn trạng, giấc ngủ, đại tiện, tiểu tiện.

Sau đó khám cho mẹ để quan sát tình trạng tinh thần vui vẻ, phấn khởi, buồn bã, trầm cảm; các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp, thân nhiệt, da xanh, phù nề; nắn bụng kiểm tra tử cung để ghi nhận mức co hồi, đau, mật độ mềm hay rắn; kiểm tra tầng sinh môn ghi nhận tình trạng khô, liền hay sưng, đau, nhiễm khuẩn; kiểm tra vú để biết tình trạng bầu vú, núm vú, sự tiết sữa, lượng sữa. Khám cho trẻ sơ sinh để biết toàn trạng, tình trạng thở, thân nhiệt; da có vàng, có sẩn, có mụn hay không; rốn có bị ướt, có sưng, có mủ hay không; tình trạng bú mẹ.

Bà mẹ cần được hướng dẫn vệ sinh hàng ngày, rửa vùng sinh dục ít nhất 3 lần mỗi ngày, lau người, thay đồ sạch, sau sinh 2 đến 3 ngày nên tắm nhanh bằng nước ấm; chăm sóc vú để cho con bú hoàn toàn sữa mẹ, không cho bất cứ thức ăn và nước uống khác, nếu tắc tia sữa cần xử lý sớm bằng cách day, vắt, hút, đi khám để phòng ngừa viêm vú, ápxe vú; xử trí đau do co bóp tử cung, nếu đau nhẹ không cần xử trí, nếu đau nhiều chườm nóng và cho uống thuốc paracetamol; vết khâu tầng sinh môn nếu có cần rửa sạch âm hộ sau đại tiện, tiểu tiện và thấm khô, cắt chỉ nếu đã 5 ngày sau sinh; có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, ăn đủ lượng và đủ chất, không kiêng cử vô lý, ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, tôn trong giấc ngủ trưa, mặc đồ sạch sẽ và rộng rãi.

Bà mẹ cần chế độ vận động sớm, sau sinh 6 giờ có thể ngồi dậy, ngày hôm sau có thể đi lại và vận động nhẹ nhàng; tư vấn và giúp đỡ giải quyết vấn đề tâm lý nếu có, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình và nuôi con bằng sữa mẹ; hẹn đến thăm hoặc hẹn người mẹ đến khám tại trạm y tế vào 6 tuần sau sinh.

Đối với trẻ sơ sinh, cần hướng dẫn cho trẻ hàng ngày được nằm chung với mẹ trong phòng ấm, ngủ màn, không đặt trẻ nằm sấp trên nền lạnh, cứng; không cho tiếp xúc với người đang có bệnh, không cho gần súc vật; không để trong môi trường khói, bụi, khói thuốc; cần nuôi con bằng sữa mẹ, cho bú mẹ hoàn toàn, bú cả ngày lẫn đêm, ít nhất 8 lần mỗi ngày.

Nếu mẹ có khó khăn khi cho bú, hướng dẫn cách cho con bú đúng; cần chăm sóc mắt bằng cách rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, dùng khăn sạch, ẩm lau mắt hàng ngày, không nhỏ bất cứ thuốc gì vào mắt trẻ; chăm sóc rốn bằng cách để rốn khô và sạch, không băng kín hoặc đắp bất cứ thứ gì lên rốn, hạn chế sờ vào rốn và vùng quanh rốn; vệ sinh thân thể và chăm sóc da, lau rửa hàng ngày, không nhất thiết phải tắm hàng ngày; tắm bằng nước ấm, sạch trong phòng ấm, kín gió; thay đồ vải như mũ, áo, tã lót hàng ngày và mỗi khi trẻ bài tiết; hẹn ngày tiêm phòng và ghi nhận xét vào phiếu.


BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn