Sinh mổ hiện nay, chiếm một tỉ lệ khá lớn trong tổng số sinh. Đây là những trường hợp giúp cho các bà mẹ “vượt cạn” thành công khi khả năng sinh thường thất bại hoặc có nhiều tai biến khi phải sinh thường. Việc chăm sóc các bà mẹ sau khi sinh mổ cũng rất cần thiết và quan trọng, nhằm giúp các bà mẹ sớm trở về với hoạt động bình thường.
Chăm sóc ngày đầu sau sinh mổ
Sau khi được sinh mổ, thời gian nằm tại phòng hồi sức các bà mẹ được các bác sĩ và nhân viên y tế chăm sóc, thực hiện y lệnh về dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, truyền dịch... Vì phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối nên trong thời gian này, thân nhân không được vào thăm nuôi.
Khi tình trạng sức khỏe bà mẹ ổn định, tỉnh hoàn toàn, cử động chân tay tốt sẽ được chuyển ra phòng chăm sóc tiếp. Lúc này thân nhân có thể vô thăm và hỗ trợ cho nhân viên y tế cùng chăm sóc bà mẹ. Cụ thể các việc như sau: vận động, khuyến kích bà mẹ vận động càng sớm càng tốt. Đối với những bà mẹ được gây tê tủy sống, không ngồi dậy trong vòng 12 giờ đầu mà chỉ co duỗi chân và có thể nằm nghiêng trái hay nghiêng phải tại giường, để tránh biến chứng tụt huyết áp tư thế đứng và nhức đầu sau mổ.
Chăm sóc ăn uống: sinh mổ không liên quan đến hệ tiêu hóa, nên việc ăn uống có thể được, giờ đầu có thể uống nước lọc, uống nước đường và ăn cháo lỏng hay xúp.
Chăm sóc vú và cho con bú: đối với sinh mổ, sự lên sữa ở các bà mẹ thường muộn hơn là sinh thường. Việc cho bé bú sữa mẹ ngay ngày đầu tiên sau mổ cũng rất tốt, có thể cho con bú ở tư thế nằm nghiêng, chú ý trước khi cho bé bú sữa mẹ, cần vệ sinh sạch đầu núm vú và nặn bỏ giọt sữa đầu. Cho bú sớm tận dụng nguồn sữa non quý báu, cũng như giúp sự lên sữa nhanh và nhiều hơn.
Chăm sóc tiếp những ngày sau sinh mổ
Sang ngày thứ hai sau mổ và những ngày kế tiếp, cần khuyến kích cho các bà mẹ vận động nhẹ nhàng có thể ngồi dậy, bước chân xuống giường và đi lại trong phòng, ngày thứ 3 có thể ra ngoài, tắm nắng cùng với bé, khoảng 30 phút.
Theo dõi sự trung tiện, trường hợp chưa trung tiện mà bụng trướng, có thể nằm đầu cao, dạng nửa nằm, nửa ngồi, dùng tay mát- xa vùng bụng theo chiều kim đồng hồ, nhằm giúp kích thích nhu động ruột hoạt động tốt để tống hơi ra ngoài tránh trướng bụng.
Chế độ dinh dưỡng: cơ thể bà mẹ cần một lượng calo cao, vì thế khẩu phần ăn phải tăng thêm về số lượng và chất lượng. Hai thành phần chính cần lưu ý là protein và canxi. Protein có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng và sữa) lẫn nguồn gốc thực vật (đậu hũ, các loại đậu và ngũ cốc). Canxi có nhiều trong sữa, trứng, tôm, tép và các loại hải sản.
Các bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, nên dùng thức ăn chín và nóng. Không nên dùng thức ăn lạnh hay đồ nguội vì dễ gây rối loạn tiêu hóa. Ăn 3 bữa chính (sáng - trưa - chiều xế) xen kẽ 3 bữa chính là uống sữa, ăn bánh ăn trái cây loại ngọt và các loại chè đậu. Giai đoạn cho con bú cần thêm viên sắt và acid folic. Cần ăn thêm rau xanh để tránh táo bón. Uống nước đầy đủ.
Sau sinh khoảng 2 - 3 ngày là các bà mẹ đã có thể gội đầu và tắm toàn thân được: nên gội với thời gian nhanh 5 - 7 phút, không nên ngâm tóc lâu. Sau khi gội xong cần dùng máy sấy tóc, sấy tóc khô ngay. Dùng nước tắm ấm sử dụng vòi hoa sen, hay nước tắm đun nóng. Không được dùng bồn tắm và ngâm mình vào để tắm. Nên tắm nhanh sau tắm cần lau khô toàn thân mặc quần áo và mang vớ chân.
Ngủ đủ giấc cho bà mẹ là điều hết sức quan trọng. Trung bình mỗi ngày thời gian ngủ 8 - 9 tiếng. Trong thời gian ngủ ở các bà mẹ, cơ thể lấy lại sức khỏe, năng lượng.
Các biến chứng thường gặp sau sinh mổ
Sốt: sốt không phải là một biến chứng trong thời gian sau sinh mổ, nhưng đây là triệu chứng thường gặp và là dấu hiệu báo động của những biến chứng khác. Trong vòng 24 - 48 giờ sau sinh mổ, sốt nhẹ là do nguyên nhân chuyển hóa. Nhưng triệu chứng sốt trên 48 giờ, cần tìm nguyên nhân để xử trí.
Hiện tượng cương sữa: sau sinh mổ, vào ngày thứ 3 - 4 trở đi hai vú căng sữa, ấn căng đau, có sốt cao và kèm theo nổi hạch hai bên nách. Xử trí: dùng tay mát-xa vú, cố gắng và kiên nhẫn mát-xa mạnh hai vú để cho sữa chảy ra nhiều, động tác mát-xa hai vú như vậy giúp cho sự tiết sữa ra được dễ dàng, tránh được sự cương tắc ở các tuyến vú.
Viêm vết mổ hoặc tụ máu vết mổ: nguyên nhân thường do mổ khi bà mẹ đã có nhiễm trùng ối hoặc do cầm máu không tốt trong lúc mổ. Các dấu hiệu xác định, sốt cao, vùng da viêm đỏ đau, phù nề hoặc bầm tím quanh vết mổ. Cần siêu âm để đánh giá mức độ lan rộng của tụ máu. Điều trị: dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc tăng sức bền thành mạch. Trường hợp khối tụ máu lớn cần rạch tháo khối máu tụ và đặt ống dẫn lưu.
Tụ dịch lòng tử cung hay còn gọi là bế sản dịch: trong những ngày đầu sản dịch có thể tự ra âm đạo, sau đó ngưng hẳn, hoặc kéo dài dai dẳng, có thể kèm sốt, căng tức trằn vùng hạ vị, khi sờ nắn trên bụng, thấy đáy tử cung còn ở trên cao, ấn có thể căng tức và đau. Siêu âm tử cung và hai phần phụ, thấy tử cung lớn, lòng tử cung có ứ dịch. Hiện tượng trên là do cổ tử cung đóng kín làm cho sản dịch không thoát ra ngoài được, gây ứ đọng trong lòng tử cung, nếu không xử trí khối ứ dịch hóa mủ có thể gây viêm nội mạc tử cung và gây nhiễm trùng huyết. Xử trí, dùng ống hút karmant hút dịch ra, hay có thể dùng tay nong cổ tử cung để dịch thoát ra ngoài dễ dàng, kết hợp dùng thuốc co hồi tử cung như Oxytocin tiêm bắp với liều 10 - 20 đơn vị, ngày dùng 1 - 2 lần. Kết hợp với thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng và trợ sức.
Làm gì để tránh những biến chứng?
Những bà mẹ sinh mổ, một khi thực hiện tốt theo sự chỉ dẫn của người thầy thuốc, những biến chứng sau sinh mổ hầu hết không xảy ra.
Việc thực hiện theo những chỉ dẫn sau: không nên nằm bất động một chỗ trên giường, cần xoay trở nằm nghiêng phải hoặc nghiêng trái, trong ngày đầu tiên sau mổ. Sang đến ngày thứ 2 trở đi, nên ngồi dậy và đi lại. Có thể nằm sấp mỗi ngày 20 - 30 phút, giúp cho sản dịch được thoát ra dễ dàng, đồng thời nên mát-xa bụng mỗi ngày giúp cho tử cung co hồi tốt và đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn. Cần cho bé bú sớm, động tác cho bú cũng làm tăng sự co hồi tử cung, tránh chảy máu sau sinh mổ. Điều quan trọng nữa, khi bé bú mẹ sớm trong 3 ngày đầu, bé được hưởng nguồn sữa non từ mẹ, mà trong sữa non, có rất nhiều chất kháng thể từ mẹ truyền qua, sau này bé lớn lên, ít bị bệnh dị ứng. Mẹ ăn uống đủ chất, ăn lượng thịt tăng lên, như thịt heo, thịt bò, tim gan cật heo, trứng và sữa, nhằm giúp cho vết mổ liền sẹo tốt và mẹ tăng sức đề kháng cơ thể. Điều quan trọng hơn cả, đó là sự chăm sóc tận tụy của ông bố và người thân trong gia đình, động viên, khích lệ cho bà mẹ, đây là liều thuốc bổ quý giá hơn cả bất kỳ loại thuốc tốt nào dành cho bà mẹ.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN