Biến cố của mẹ và con thường xảy ra trong năm đầu đời
Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) giai đoạn 2021 – 2025 được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt là cơ sở cho triển khai các hoạt động trong giai đoạn tới. Mục tiêu của Kế hoạch là tiếp tục giảm tử vong mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, hướng tới thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Một trong các giải pháp chính để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch là đẩy mạnh công tác truyền thông – giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Trong những năm gần đây, bên cạnh những vấn đề có tính chất truyền thống như phong tục, tập quán sinh đẻ còn lạc hậu ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…, đã xuất hiện một số vấn đề mới, nổi cộm về sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh như: các bệnh không lây nhiễm ở bà mẹ; trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau sinh; các bệnh mới nổi như Zika, Covid-19; các bệnh di truyền, chuyển hoá, dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh…. Để giải quyết những vấn đề đó, ngành y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ y tế và người dân.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe bà mẹ trẻ em. Với tỷ lệ tử vong mẹ giảm 4 lần và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh xuống còn một nửa trong những thập kỷ gần đây, chỉ số sức khỏe bà mẹ trẻ em của Việt Nam ưu việt hơn so với các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương.
Dù đã đạt được những tiến bộ như vậy, việc sinh con ở Việt Nam vẫn là một việc làm đầy rủi ro đối với nhiều phụ nữ và con cái của họ. Việc không được tiếp cận đầy đủ tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời gian mang thai, sinh con và khi mới sinh chính là nguyên nhân gây ra 600 ca tử vong mẹ và hơn 10.000 ca tử vong trẻ sơ sinh được ghi nhận ở Việt nam mỗi năm.
Trẻ em vẫn không có được sự khởi đầu tốt nhất cho cuộc sống, khi có tới 100 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được. Mặc dù người dân tộc thiểu số chiếm 15% tổng dân số, nhưng tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của nhóm này cao gấp 3,5 lần so với người Kinh. Hơn nữa, còn có nhiều trường về tử vong trẻ sơ sinh và thai chết lưu không được báo cáo, đặc biệt là ở vùng nông thôn miền núi nơi dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Mặc dù trẻ sơ sinh ở Việt Nam có cơ hội sống sót tốt hơn bao giờ hết, phần lớn các trường hợp tử vong dưới 5 tuổi vẫn xảy ra trong năm đầu đời (82%) và tháng đầu tiên (61%). Vì giai đoạn mang thai và sinh nở là một cơ hội quan trọng để ngăn chặn và kiểm soát những biến chứng của bà mẹ và trẻ sơ sinh, việc chăm sóc đúng cách mẹ và bé là vô cùng quan trọng.
Chăm sóc bà mẹ sau sinh
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, chăm sóc bà mẹ sau sinh đúng cách là giúp đỡ bà mẹ đặt trẻ da kề da với mẹ trong vòng 90 phút đầu sau sinh và cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sau khi sinh, bà mẹ cần được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Trong ngày đầu, cần vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục, thay băng vệ sinh và theo dõi phát hiện dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào thì báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay bà mẹ đến cơ sở y tế.
Đưa ngay bà mẹ sau sinh đến cơ sở y tế khi thấy có dấu hiệu nguy hiểm để được cứu chữa kịp thời. Đừng vì sợ dịch bệnh mà chậm đưa bà mẹ đến cơ sở y tế vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Trong thời kỳ thời kỳ sau sinh (42 ngày, tương đương 6 tuần sau sinh), bà mẹ cần được nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý (đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), uống đủ nước, uống viên sắt, vitamin A theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Ngay khi kết thúc thời kỳ sau sinh, nếu đã có quan hệ tình dục trở lại, bà mẹ và người chồng cần áp dụng biện pháp tránh thai thích hợp để phòng mang thai ngoài ý muốn. Người chồng và gia đình cần quan tâm chăm sóc bà mẹ sau sinh, động viên tinh thần, làm bớt công việc để bà mẹ phục hồi sức khỏe và đủ sữa cho con bú.
Ngày đầu tiên sau sinh, bà mẹ mệt và cũng rất dễ xảy ra tai biến. Vì vậy, cần được chăm sóc đặc biệt. Các việc cần làm là để bà mẹ nằm nơi yên tĩnh nghỉ ngơi hoặc ngủ để lấy lại sức. Có thể xoa nhẹ vùng bụng dưới để tử cung co tốt, giúp tránh chảy máu. Cho trẻ bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.
Trẻ bú sớm sẽ kích thích tử cung co hồi tránh chảy máu, giúp sớm tiết sữa, đồng thời mẹ cho trẻ bú có tác dụng giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ tránh bị giảm thân nhiệt, trẻ được bú sữa non do đó giảm nguy cơ viêm đường hô hấp trên ở trẻ sau này. Cho trẻ bú mẹ làm tăng thêm tình cảm mẹ con. Bà mẹ cần được chăm sóc tại cơ sở y tế ít nhất 24 giờ sau sinh.
Bà mẹ nên ăn các thức ăn mềm, đủ chất dinh dưỡng để lấy lại sức và có sữa cho con bú. Theo dõi sản dịch để sớm phát hiện chảy máu sau sinh, nếu thấy ra máu đỏ tươi hoặc có máu cục cần báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay đến cơ sở y tế.
Thời kỳ sau sinh là giai đoạn 42 ngày sau sinh, tương đương 6 tuần. Lúc này, bà mẹ sau sinh cần ăn uống đầy đủ, ăn nhiều loại thức ăn, uống đủ nước, khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày, tiếp tục uống viên sắt đến hết tháng đầu sau sinh. Uống 1 viên Vitamin A 200.000 đơn vị theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Vệ sinh vùng kín ít nhất 3 lần mỗi ngày khi còn sản dịch,thay băng vệ sinh (khố). Tắm nhanh bằng nước ấm, trong phòng kín gió. Không sử dụng bất cứ loại thuốc nào khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. Ngủ đủ giấc, ít nhất 8 giờ một ngày. Nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần sau sinh.
Bà mẹ sau sinh và người thân cần theo dõi và phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào thì cần báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay đến cơ sở y tế.
Các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ sau sinh bao gồm: Ra máu tăng dần hoặc có máu cục; Sốt; Đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc dịch chảy ra từ cửa mình có mùi hôi; Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều; Ngất hoặc co giật.
Bà mẹ sau sinh và gia đình cần theo dõi và phát hiện các rối loạn cảm xúc như mất ngủ, lo lắng, mệt mỏi, buồn chán… Đó có thể là những biểu hiện của bệnh lý trầm cảm sau sinh. Nếu có những dấu hiệu này thì bà mẹ cần chia sẻ với chồng người thân trong gia đình và xin ý kiến của cán bộ y tế.
Không sinh hoạt tình dục trong 42 ngày đầu (6 tuần) sau sinh. Bà mẹ có thể có thai ngay sau khi kết thúc thời kỳ sau sinh. Nếu có thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ, trẻ sơ sinh và của cả thai nhi. Vì vậy, nếu có quan hệ tình dục trở lại, bà mẹ và người chồng cần tham vấn cán bộ y tế để lựa chọn và áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp.
Có nhiều biện pháp tránh thai phù hợp cho bà mẹ sau sinh như dụng cụ tử cung, bao cao su, viên uống tránh thai dành cho bà mẹ đang cho con bú, thuốc tiêm hoặc thuốc cấy tránh thai... Nếu có thai ngoài ý muốn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và lựa chọn giải pháp phù hợp.
Người chồng và gia đình chăm sóc, giúp đỡ bà mẹ sau sinh bằng cách hỗ trợ bà mẹ cho con bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn cả ngày lẫn đêm. Giúp đỡ bà mẹ giảm cương tức vú bằng cách xoa nhẹ làm mềm, tư vấn cán bộ y tế để được giúp đỡ.
Hỗ trợ bà mẹ khi gặp khó khăn trong việc cho con bú, tư vấn cán bộ y tế để được giúp đỡ. Chuẩn bị thức ăn giàu dinh dưỡng, ấm nóng cho bà mẹ để tăng tiết sữa.
Nhắc bà mẹ uống viên sắt – axít folic đều đặn hàng ngày. Biết các dấu hiệu nguy hiểm của bà mẹ sau sinh để đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Động viên tinh thần, giúp cho bà mẹ thoải mái về tâm lý, phục hồi sức khỏe và yên tâm chăm sóc trẻ sơ sinh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bắp Cải Tím “Chiến Binh Bảo Vệ Sức Khỏe Con Người | SKĐS