Bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus xảy ra theo mùa và thường tập trung vào mùa đông. Rotavirus có 4 type gây bệnh. Khi bị nhiễm 1 type cơ thể chỉ đáp ứng tiêu chảy với 1 type đó và trẻ có thể vẫn mắc các type khác. 1/3 số trẻ dưới 2 tuổi mắc ít nhất 1 đợt tiêu chảy do Rotavirus, bệnh cũng chiếm 50% - 65% tiêu chảy cấp ở các trẻ nhập viện.
Biểu hiện của bệnh tiêu chảy do Rotavirus
Khi mắc tiêu chảy do Rotavirus trẻ có các biểu hiện sau:
Nôn liên tục: Đây là biểu hiện khởi phát bệnh, trẻ thường nôn liên tục nhiều lần hoặc vài lần trong ngày đầu tiên, điều này sẽ làm cho trẻ bị mất nước và điện giải. Biểu hiện mất nước có thể từ nhẹ tới nặng: Trẻ tỉnh táo hoặc kích thích li bì vật vã, nặng hơn là hôn mê. Trẻ còn tỉnh sẽ thấy khát nước, biểu hiện uống nước háo hức, vồ lấy thìa hay cốc nước hoặc khóc khi ngừng cho trẻ uống nước. Nếu mất nước nặng, trẻ không uống được nước nữa. Triệu chứng khác của mất nước như mắt trũng, ít hoặc không có nước mắt, miệng và lưỡi khô, nếp véo da mất đi chậm hoặc rất chậm (trên 2 giây).
Đại tiện phân lỏng: Trẻ thường đi ngoài tóe nước nhiều lần (>10 lần/ngày), mùi chua, phân có thể có nhầy nếu đồng nhiễm vi khuẩn.
Các biểu hiện khác: Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm sốt vừa đến sốt cao 39 độ C đến 40 độ C, trường hợp nặng có thể có co giật do sốt cao hoặc do rối loạn nước điện giải nặng. Các triệu chứng như đau bụng, ho, chảy nước mũi cũng có thể xuất hiện…
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy
Trẻ bị bệnh với các biểu hiện nhẹ có thể điều trị ngoại trú, nhưng cần tuân thủ các nguyên tắc bù nước và điện giải bằng đường uống như oresol, nước cháo muối, nước hoa quả…
- Tăng cường bú mẹ với trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ với khẩu phần ăn đủ các nhóm dinh dưỡng đạm, đường, chất béo và rau xanh, các thức ăn nên được chế biến dạng lỏng, mềm dễ tiêu hóa và có thể chia làm nhiều bữa hơn trong ngày.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh và các thuốc cầm tiêu chảy.
- Để trẻ không bị sụt cân, cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Thức ăn cần mềm và lỏng hơn bình thường và đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi còn bú mẹ: Cho trẻ tiếp tục bú mẹ bình thường và tích cực cho trẻ bú mẹ là rất cần thiết. Nếu trẻ bú sữa công thức, vẫn tiếp tục cho bú bình thường. Trong một vài trường hợp trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus có hiện tượng kém dung nạp với đường lactose trong sữa, nên thay sữa đang bú bằng các loại sữa không có đường lactose theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi hết tiêu chảy, trẻ sẽ uống lại sữa đã uống trước khi bệnh.
Trẻ lớn hơn: Cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không nên bắt trẻ ăn kiêng khem. Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, ăn ngay sau khi nấu. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, xoài…
- Tránh dùng các loại thực phẩm như măng, rau cần, ngô và đỗ nguyên hạt.
- Tránh sử dụng các dung dịch nước quả công nghiệp, nước có ga gây khó tiêu, đầy bụng.
Khi trẻ nôn liên tục không bù được nước điện giải bằng đường uống hoặc các trẻ có bệnh lý nền, trẻ li bì, lừ đừ, mệt mỏi nhiều… thì cần nhập viện ngay lập tức.
Trẻ sốt cao hoặc bị co giật, trẻ đi ngoài phân lỏng nước nhiều lần, liên tục hoặc các bất thường khác… cũng cần nhập viện ngay.
Tóm lại: Phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus cha mẹ cần cho trẻ uống vaccine phòng Rotavirus. Tuy vậy, trẻ vẫn có thể mắc các bệnh tiêu chảy do các tác nhân khác. Vì vậy, dù trẻ đã được uống loại vaccine này, các bậc cha mẹ vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cho trẻ (ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…), riêng người lớn cần duy trì thói quen rửa tay trước khi chế biến món ăn cho trẻ.