Trong số 3 kịch bản vừa được quyết định nhận trợ giá của Nhà nước năm 2009 Bụi đường tinh khôi là kịch bản duy nhất được duyệt trong năm 2008; còn Mùi cỏ cháy và Nếu anh còn sống được duyệt từ năm 2007 nhưng vì nhiều lý do đến giờ mới có cơ hội... ra trường quay.
“Mùi cỏ cháy” đã hết lận đận?
Sau gần 1 năm cầm quyết định sản xuất bộ phim Mùi cỏ cháy với niềm tụ hào- lần đầu tiên một hãng phim tư nhân “ẵm” được tiền trợ giá của Nhà nước, Điệp Vân Film đã “buông” dự án này. Những ngày cuối năm 2008, Mùi cỏ cháy đã đưa về Hãng phim Truyện VN và đạo diễn phim là Lưu Trọng Ninh. Nói về lý do nhận dự án phim này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh kể: “Cục Điện ảnh mời tôi đến, hỏi tôi nếu nhận phim thì sẽ giao Mùi cỏ cháy về Hãng phim Truyện VN và tôi nhận lời. Phía Cục muốn triển khai phim nhanh trong năm 2009, vì dự án đã “ngâm” quá lâu mà năm 2010 thì có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước cần có tác phẩm để chào mừng. Tôi sẽ không sử dụng tên phim là Mùi cỏ cháy mà trả lại cái tên “Mãi mãi tuổi 20” như tinh thần cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, mặc dù nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chỉ lấy cảm hứng từ cuốn sách chứ không phải chuyển thể”.
Đạo diễn Lê Ngọc Linh. |
Theo ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh VN, các phim làm bằng tiền ngân sách của Nhà nước bây giờ đều là phim đặt hàng (không còn gọi là trợ giá như trước). Tuy nhiên, dù là đặt hàng thì cũng có khuôn khổ, không phải cứ trình bao nhiêu là duyệt bấy nhiêu. Bởi lẽ, tiền đầu tư cho sản xuất phim hàng năm chỉ có hạn. Còn đạo diễn Lưu Trọng Ninh thì khẳng định: “Nếu chỉ có 4-5 tỷ để thực hiện Mùi cỏ cháy thì không đủ. Tôi muốn Mùi cỏ cháy là một phim có tính bi tráng. Để tái hiện bối cảnh Hà Nội những năm cuối thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước; bối cảnh chiến trận ở Quảng Trị với độ khốc liệt bi tráng của nó... cần phải có tiền để đầu tư thật quy mô. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm thêm sự hỗ trợ kinh phí từ Bộ VHTT&DL, từ các tổ chức xã hội khác. Bộ phim Đừng đốt, trong đó đã có lửa được đầu tư hơn 11 tỉ đồng, thì Mùi cỏ cháy ít nhất cũng cần có 2/ 3 số tiền đó để làm một bộ phim xứng đáng với ảnh hưởng mà cuốn sách đã tạo ra thành một phong trào sống trong 2 năm qua ở giới trẻ- Mãi mãi tuổi 20”.
Nói thì thế, nhưng thời điểm này Lưu Trọng Ninh vẫn đang rong ruổi tận Thái Nguyên để thực hiện bộ phim truyền hình nhiều tập Chuyện của ba nữ tử tù, cho chương trình Rubic 8. Hỏi, khi nào Mùi cỏ cháy ra trường quay, đạo diễn này bảo: “đang chờ duyệt tổng dự toán”.
“Nếu anh còn sống” về tay Lê Ngọc Linh?
Đang thực hiện 2 phim hình sự (Miền đất hứa & Không chuyên án) ở Lạng Sơn, đạo diễn Lê Ngọc Linh nhận tin được giao phim Nếu anh còn sống. Đây là kịch bản của tác giả Việt Linh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Lê. Được trao giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 1994, cuốn tiểu thuyết cũng đã được dịch giả Ha Jae Hong dịch sang tiếng Hàn Quốc và được báo chí Hàn Quốc giới thiệu trang trọng. Sự độc đáo của Nếu anh còn sống là cái nhìn cuộc sống từ cõi âm. Bình, một người lính trẻ và Quế Chi, nữ thanh niên xung phong đã hy sinh ngoài mặt trận. Tình cờ gặp nhau ngoài cửa Âm phủ, sự đồng cảm đầy chất nhân văn đã đưa hai linh hồn cô đơn đến với nhau. Nặng trĩu nỗi niềm ưu tư về những giá trị tinh thần có phần bị quên lãng trong cuộc sống xô bồ thời hiện tại; thương thế hệ những người lính đã hy sinh xương máu làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc, đất nước, cả hai đã từ chối ăn món “cháo Lú” nơi cõi âm để quên đi mọi điều trước khi hoá kiếp. Với họ, giữ được trí nhớ để nhớ về quê hương, gia đình, đồng đội và những kỷ niệm thời mặc áo lính... là điều hạnh phúc. Kịch bản được duyệt từ cuối năm 2007 nhưng chưa quyết sản xuất... vì quy mô kịch bản cần khá nhiều tiền. Vì thế, khi được mời làm phim này, đạo diễn Lê Ngọc Linh cũng đôi chút trăn trở. Anh bảo: “Việt Linh đang bệnh và bác sĩ yêu cầu chị ấy không được làm phim. Chị ấy là một đạo diễn có gu, chắc chắn chị ấy sẽ “soi kỹ” người sẽ thực hiện thay chị ấy vai trò đạo diễn. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhất chính là chất lượng phim. Và muốn phim có chất lượng thì tiền ít quả thực là một áp lực lớn”.
Nguyễn Đức Việt lại “có duyên” với phim ca nhạc
Bụi đường tinh khôi là tác phẩm tốt nghiệp của tác giả Vũ Ly Ly, viết về đề tài hip hop. Nói “đỗ vớt” bởi đây là kịch bản duy nhất được Hội đồng duyệt lưu tâm trong mẻ duyệt kịch bản đầu tiên của năm 2008 mà 90 % đã bị “out”. Chưa hẳn là chất lượng vượt trội so với “sàn”, cái lý để Bụi đường tinh khôi ở lại đơn giản vì nó là kịch bản phim thiếu nhi- loại của hiếm của điện ảnh VN và đạo diễn được “chỉ định” làm phim này là Nguyễn Đức Việt. Là một “tay máy”có kinh nghiệm, Đức Việt tạm rẽ ngang với vai trò đạo diễn phim Em muốn làm người nổi tiếng, làm về hậu trường nghề ca sĩ; tiếp tục thể nghiệm khả năng ở một vài bộ phim truyền hình khác, Nguyễn Đức Việt ít nhiều bộc lộ cái duyên với đề tài ca nhạc. Nên có thể hiểu vì sao, “tay máy” này tiếp tục được giao phim nhựa- một phim về giới trẻ, liên quan đến nghệ thuật trình diễn và âm nhạc. Nói về bộ phim tương lai, Nguyễn Đức Việt tâm sự: “ Mới làm vài phim thì chưa thể nói thế mạnh của tôi là thế này, thế kia. Tuy nhiên, phim ca nhạc là thể loại không dễ làm, vì nó đụng chạm đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật mà nếu chúng ta ít tiền, thì khó có thể mon men tìm bối cảnh ở các sân khấu lớn, các vũ trường, quán bar... Cũng khó có thể mời những ngôi sao ca nhạc có khả năng diễn xuất, hợp vai tham gia đóng phim như phim của các nước.
Có quyết định sản xuất nhưng liệu 3 phim này có ra trường quay trong năm 2009 hay không vẫn chưa thể biết. Lý do chính để phim chậm sản xuất vẫn là... tiền? Nên, có ý kiến cho rằng, tại sao ngành điện ảnh thay bằng việc đầu tư cho 3 phim chỉ nên chọn 1 phim để đầu tư “trọng điểm”. Và, liệu có cần thiết phải trợ giá cho Bụi đường tinh khôi? Vì những loại phim giải trí kiểu này nên để cho các hãng phim tư nhân thực hiện bằng nguồn xã hội hóa?
Chu Thu Hằng