Hà Nội

“Chạm” - mở những cánh cửa tâm hồn

11-03-2017 14:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mong mỏi mở được cảm xúc và vòng tay đón nhận của cộng đồng, đó là triển lãm “Chạm” với các tác phẩm nghệ thuật của 6 người tự kỷ đến từ Nhật Bản và Việt Nam. Triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Chạm bao gồm 6 câu chuyện khác nhau của 6 người tự kỷ, trong đó có một người đàn ông Nhật Bản 42 tuổi tên là Ujita Masato. Còn lại là 5 học sinh người Việt: Phạm Bình Minh (14 tuổi), Hà Đình Chí (12 tuổi), Nguyễn Trung Hiếu (18 tuổi), Nguyễn Gia Bảo (15 tuổi), Trịnh Hoàng Minh (15 tuổi). Mỗi bức vẽ đều ẩn chứa thông điệp tình cảm, cảm xúc có trong mỗi tác giả, là những người tự kỷ. Từ những nét vẽ bản năng nguệch ngoạc, loằng ngoằng, tranh xé giấy, vò nặn... thể hiện nhu cầu giải tỏa cảm xúc, bày tỏ nhận thức một cách khó khăn và kỳ lạ đã hé lộ một cách giao tiếp, một niềm đam mê, một năng khiếu nghệ thuật ở người tự kỷ.

Bến vắng bình yên - tác phẩm được trưng bày trong triển lãm Chạm

Họ cũng như tất cả chúng ta, có cảm xúc, sở trường riêng, một số ít người còn có tài năng. Nhưng họ khó khăn hơn người bình thường rất nhiều trong việc đi đến thành công. Chứng tự kỷ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp và học hỏi của họ. Họ cần rất nhiều sự yêu thương, cảm thông, kiên trì, sự hỗ trợ đúng cách của gia đình và thầy cô hướng dẫn. Phải trải qua những chặng đường rất dài và gian nan, họ mới có thể “chạm” tay vào nghệ thuật.

Chạm vào một thành công nho nhỏ, cũng có nghĩa là Chạm vào niềm hy vọng rất lớn của người tự kỷ: được sống bình thường, học và làm việc, có thu nhập từ những sản phẩm của chính mình, hòa nhập và đóng góp cho xã hội.

Triển lãm thu hút nhiều bạn trẻ đến chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương – cố vấn cho triển lãm Chạm: “Tranh của các em bức nào cũng đẹp, bức nào cũng đầy nắng, đầy gió, đầy niềm vui. Một cái bảng màu, một cái hòa sắc vô cùng tươi tắn - cái điều mà ngay cả họa sĩ bình thường chưa chắc đã có được cái tinh thần lạc quan ấy. Cao hơn cả chuyện xấu đẹp đây là cách thức để các em chạm được vào tâm hồn của mình. Hội họa chính là con đường xuất phát từ trái tim của các em để đến với mọi người. Và từ mọi người lại quay về với mình. Đó mới chính là cái ý nghĩa quan trọng nhất của triển lãm này…"

Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm Chạm:

Lăng Bác

Đường nắng

Lavender bên cửa sổ

Đồng lúa núi Ba Vì

Màu sắc của nhạc

Vườn cây đào

Hươu, voi làm bằng giấy

Chiến sĩ Hải quân Việt Nam

Chân dung 2 người

Thành phố ban đêm


Bài, ảnh: Thảo Quỳnh
Ý kiến của bạn