Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh nhiều đề xuất liên quan trực tiếp đến quyền lợi hành khách, đặc biệt là vấn đề chậm, hủy chuyến bay và trách nhiệm bồi thường của hãng hàng không.
Theo cơ quan soạn thảo, tình trạng chậm, hủy chuyến diễn ra phổ biến trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn cho hành khách về thời gian, công việc và chi phí phát sinh. Tuy nhiên, cách các hãng hàng không ứng xử hiện nay, từ khâu thông báo, hỗ trợ cho đến bồi thường, vẫn còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch và chưa tương xứng với thiệt hại thực tế mà hành khách phải gánh chịu. Điều này gây bức xúc, làm giảm niềm tin vào chất lượng dịch vụ hàng không.
Trước thực trạng đó, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung một số quy định rõ ràng hơn về nghĩa vụ của người vận chuyển. Cụ thể, luật hóa các trường hợp mà hãng hàng không phải chịu trách nhiệm bồi thường khi chuyến bay bị chậm, bị hủy hoặc bị gián đoạn mà không xuất phát từ lỗi của hành khách. Trong đó, lần đầu tiên quy định cụ thể nghĩa vụ của hãng trong tình huống chuyến bay khởi hành sớm hơn giờ đã công bố, nhằm bảo vệ quyền lợi hành khách đến sân bay đúng giờ nhưng bị từ chối vận chuyển.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ các tình huống được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại, qua đó làm rõ ranh giới trách nhiệm giữa hãng hàng không và hành khách. Mục tiêu là tăng tính ràng buộc pháp lý, buộc các hãng phải nâng cao chất lượng khai thác, giảm thiểu tối đa các tình huống gián đoạn không hợp lý, đồng thời chuẩn hóa quy trình xử lý đối với các trường hợp phát sinh.

Tháng 1/2025, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ trung bình của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 60%.
Theo Bộ Xây dựng, các quy định mới không chỉ đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan chức năng có cơ sở giám sát, xử lý vi phạm hiệu quả hơn. Về lâu dài, việc này sẽ góp phần đảm bảo trật tự trong hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và hướng đến chuẩn mực dịch vụ quốc tế.
Được biết, tình trạng chậm, hủy chuyến bay tại Việt Nam vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt trong các dịp cao điểm như lễ 30/4 – 1/5 và mùa hè. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 2/2025, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ chỉ đạt hơn 67%, tức gần 33% chuyến bay bị chậm, tương đương 7.213 chuyến. Nguyên nhân chủ yếu là do máy bay về muộn, chiếm hơn 59%.
Liên quan đến lĩnh vực hàng không dịp Lễ 30/4 và 1/5, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng và đơn vị phục vụ siết chặt kỷ luật khai thác, hạn chế tối đa chậm, hủy chuyến, tăng cường hỗ trợ hành khách.
Việc chuyển khai thác một số chuyến bay nội địa sang nhà ga T3 Tân Sơn Nhất phải đảm bảo thông suốt, không gây nhầm lẫn. Đồng thời, các sân bay cần nâng cao năng lực phục vụ, phối hợp kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm xe dù, tăng giá trái phép, bảo đảm an toàn và quyền lợi hành khách.
Xem thêm video được quan tâm:
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu chấn chỉnh tình trạng phi công 'bay quá tốc độ'.