Chậm đóng BHXH, BHYT phải trả lãi gấp đôi

02-12-2015 14:12 | Xã hội

SKĐS - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý 3 loại bảo hiểm này.

Theo đó, các cơ quan BHXH thu tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các đối tượng và chuyển về BHXH Việt Nam để quản lý theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Đối với số thu BHYT của các đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an có trách nhiệm quản lý, sử dụng cho việc khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.

Khi nhận được tiền đóng của người sử dụng lao động, cơ quan BHXH trực tiếp quản lý người tham gia thu tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kể cả tiền lãi chậm đóng đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật (nếu có); số tiền còn lại, hạch toán thu theo thứ tự sau đây: Thu đủ số tiền phải đóng BHYT và tiền lãi chậm đóng BHYT (nếu có); thu đủ số tiền phải đóng bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp (nếu có); thu tiền đóng BHXH và tiền lãi chậm đóng BHXH (nếu có).

Trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

Các doanh nghiệp chậm nộp BHXH, BHYT phải trả lãi cao. Ảnh: TM

Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 1 hằng năm, BHXH Việt Nam phải có văn bản thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân, gửi cơ quan BHXH trực thuộc, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, cả nước hiện có trên 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên số doanh nghiệp có tham gia BHXH, BHYT mà BHXH Việt Nam đang quản lý chỉ có khoảng gần 200.000 đơn vị; số người tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ đạt 24,6% lực lượng lao động. Mặt khác, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài, nhiều doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT cho người lao động thấp hơn mức lương thực trả, nhiều doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT... đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, làm phương hại đến quyền và lợi ích của người lao động.

Theo BHXH, những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT xảy ra ngày càng phổ biến, không chỉ thiệt hại đến quỹ BHXH, BHYT mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và trật tự an toàn xã hội. Nợ BHXH tăng cao qua từng năm. Năm 2007, số nợ BHXH, BHYT là 1.734 tỷ đồng. Năm 2014, số nợ lên tới 7.200 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng trên, cơ quan BHXH đã áp dụng biện pháp khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị vi phạm, tuy nhiên theo đại diện Ban Pháp chế - BHXH Việt Nam, biện pháp này vẫn chưa hiệu quả đối với những đơn vị cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm quyết định thi hành án dân sự, dẫn đến các bản án được thi hành án thấp. Tính từ năm 2010-2014, trong số 1.240 vụ án có bản án, quyết định của tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án, cơ quan thi hành án đã giải quyết được 865 vụ, còn 375 vụ chưa được thi hành án (chiếm 30,2%). Riêng năm 2014, trong số 219 vụ có bản án, quyết định của tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án, cơ quan thi hành án đã giải quyết được 143 vụ, còn 76 vụ chưa được thi hành án (chiếm 34,7%).

Theo bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: “Nợ BHXH không phải là nợ cơ quan BHXH, mà là nợ người lao động. Doanh nghiệp thực hiện BHXH cho người lao động chính là làm tốt chính sách an sinh xã hội cho người lao động và cho tuổi già của họ”.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn