Hà Nội

Châm cứu trị viêm khớp dạng thấp cần lưu ý gì?

SKĐS - Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch, gây ảnh hưởng lên các khớp. Có nhiều phương pháp điều trị thay thế và bổ sung, trong đó châm cứu là cách phổ biến để giúp giảm các triệu chứng và cơn đau.

1. Hệ lụy của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý viêm khớp mạn tính thường gặp.

Bệnh trải qua nhiều giai đoạn với các biểu hiện từ nhẹ đến nặng, ảnh ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày như khớp sưng đau, người mệt mỏi, sốt, khó khăn khi cử động, mất chức năng của khớp, xuất hiện biến dạng khớp...

Nếu không được điều trị kịp thời, đúng liệu trình, người bệnh viêm khớp dạng thấp phải đối diện với nhiều hậu quả nặng nề với sức khỏe như loãng xương, tàn phế biến dạng khớp, hội chứng ống cổ tay, bệnh tim mạch...

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định viêm khớp là một trong những bệnh có thể điều trị một cách an toàn và hiệu quả bằng châm cứu.

1. Tác dụng của châm cứu trong điều trị viêm khớp dạng thấp 

TS. Kerry Boyle, chuyên gia châm cứu và quản lý cơn đau tại Vermont (Mỹ) cho biết, châm cứu có tác dụng báo hiệu cho não giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh làm giảm đau được gọi là endorphin và enkephalin. Ngoài ra, châm cứu cũng có thể:

  • Kích thích sản xuất hormone cortisol, giúp kiểm soát tình trạng viêm
  • Điều chỉnh hệ thống miễn dịch
  • Kích thích lưu thông máu
  • Thư giãn cơ bắp

Các bằng chứng khoa học về lợi ích của châm cứu với viêm khớp:

- Nghiên cứu 1: Một đánh giá có hệ thống năm 2018 từ 43 nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đã kết luận rằng châm cứu đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác có lợi cho việc kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) và có thể giúp cải thiện chức năng cũng như chất lượng cuộc sống.

photo-1669086914096

Viêm khớp dạng thấp bàn tay gây nhiều trở ngại trong cuộc sống hàng ngày.

- Nghiên cứu 2: Một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp gần đây hơn vào năm 2022 cũng của các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm hiểu hiệu quả của châm cứu và các phương pháp điều trị liên quan đến châm cứu (ACNRT) như một liệu pháp bổ sung trong việc quản lý RA. Theo đó, châm cứu được thực hiện theo các cách khác nhau, bao gồm:

  • Châm cứu truyền thống: Sử dụng kim châm tác động vào các huyệt để kích thích khí huyết lưu thông đồng đều trong cơ thể.
  • Điện châm: Phương pháp dùng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt châm cứu để phòng và chữa bệnh
  • Cứu ngải: Dùng sức nóng tác động vào huyệt vị, đường kinh.

Phân tích tổng hợp bao gồm 12 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) trong đó những người tham gia chỉ dùng thuốc tây hoặc thuốc tây kết hợp với ACNRT. Kết quả cho thấy, những người dùng thuốc tây kết hợp với ACNRT giảm đáng kể:

  • Dấu hiệu viêm trong máu
  • Khớp linh hoạt hơn
  • Giảm sưng và giảm cứng khớp
  • Giảm đau...
photo-1669086916666

Châm cứu giúp giảm đau, giảm sưng do viêm khớp dạng thấp.

2. Làm gì để thực hiện châm cứu an toàn

Theo TS.BS. Trần Xuân Nguyên, Trưởng Ban chuyên môn, Hội Đông y Việt Nam, để điều trị bằng châm cứu an toàn, cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Thực hiện châm cứu ở cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa đông y để đạt hiệu quả điều trị cao, tránh nguy cơ nhiễm trùng và các nguy cơ khác (chảy máu, liệt...) do không đảm bảo vô trùng, châm không đúng cách.
  • Không thực hiện châm cứu ở vùng da bị chảy máu, vết thương hở, loét, nhiễm trùng...
  • Không thực hiện châm cứu ở người quá đói hoặc quá no hay vừa uống rượu, bia.
  • Người mắc bệnh hen suyễn, suy hô hấp cấp, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, rối loạn đông máu, bệnh nhân có thần kinh không ổn định không nên châm cứu.

Ngoài ra, sau khi châm cứu, người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn, không nên vận động mạnh và thực hiện đồng thời các loại thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Hầu hết những người bị viêm khớp dạng thấp dùng thuốc để giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm bớt các triệu chứng. Ngoài ra, có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng vừa phải, mang giày hỗ trợ hoặc sử dụng các thiết bị, kỹ thuật làm giảm căng thẳng cho khớp trong các hoạt động hàng ngày...

Mời bạn xem tiếp video:

Sởi: Một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được phát hiện thế nào? | SKĐS


An Khánh
Ý kiến của bạn