Trong trị liệu hai căn bệnh này, người ta thường chú trọng nhiều đến việc dùng thuốc uống trong mà chưa thật sự chú trọng đến việc sử dụng các biện pháp không dùng thuốc, trong đó có châm cứu. Bài viết này xin được giới thiệu một số quy trình châm cứu chữa sỏi túi mật và sỏi tiết niệu để bạn đọc tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
Sỏi túi mật
* Huyệt vị : A thị huyệt (điểm ấn đau vùng bụng trên bên phải), huyệt Nhật nguyệt (từ núm vú kéo thẳng xuống ở khoảng giữa gian sườn 7, sát bờ trên xương sườn 8) bên phải và hai huyệt Dương lăng tuyền (ngồi thẳng co gối, thõng chân xuống, huyệt ở chỗ lõm phía trước nơi thân nối với đầu trên xương mác) là chủ huyệt. Những huyệt hỗ trợ là Hợp cốc (ở chỗ lõm giữa xương bàn tay thứ nhất và thứ hai (ngón cái và ngón trỏ), dùng ngón tay cái ấn men theo bờ xương bàn tay thứ hai tìm điểm khi ấn có cảm giác đau tức lan sang ngón tay út thì đó là vị trí của huyệt) và 12 huyệt tỉnh khi có sốt, Trung quản (trên đường giữa bụng, từ rốn đo lên 4 thốn) và Nội quan (vểnh ngược bàn tay vào cẳng tay để lộ rõ khe của gân cơ gan tay lớn và gân cơ gan tay bé, huyệt nằm giữa hai gấn cơ này trên nếp gấp lằn cổ tay 2 thốn) khi có nôn và buồn nôn.
* Thao tác : Để bệnh nhân nằm ngửa, gối gấp 45 độ. Trước tiên xác định và châm nghiêng A thị huyệt và Nhật nguyệt với góc 45 độ, sâu 0,5-1 thốn, thực hiện thao tác vê kim. Tiếp theo, châm Dương lăng tuyền sâu 1,5-3 thốn với thao tác nâng đẩy và vê kim. Châm Trung quản sâu 1,5-2 thốn, châm nghiêng và vê kim, châm Hợp cốc sâu 0.5-1 thốn, châm thẳng và thực hiện thao tác vê kim. Nếu trong cơn đau, dùng kim tam lăng chích máu 12 huyệt tỉnh và thực hiện thao tác vê kim các huyệt khác liên tục cho đến khi hết đau, có thể lưu kim từ 1-2 giờ.
Sỏi túi mật là một bệnh thường gặp trong ngoại khoa và hầu hết được y học hiện đại xử lý bằng phẫu thuật. Châm cứu có thể giúp cho túi mật tăng co bóp, giảm sự co thắt của cơ Oddi, tống xuất sỏi và các chất ứ trệ trong túi mật. Nghiên cứu của các nhà y học cổ truyền Trung Quốc cho thấy, nếu thực hiện đúng kỹ thuật thì sau 2-3 lần châm cứu , sỏi có thể bị đẩy ra bên ngoài, nếu thực hiện sau 5-7 lần mà đạt hiệu quả thì nên dừng lại và chuyển sang biện pháp khác.
Sỏi tiết niệu
* Huyệt vị : A thị huyệt là chủ yếu, các huyệt phối hợp được chọn tùy theo các biểu hiện lâm sàng. Huyệt Thận du (dưới gain gang đốt sống thắt lưng 2, từ đường giữa cột sống ngang ra 1,5 thốn), huyệt Kinh môn (dưới đầu mút của xương sườn cụt, đè vào có cảm giác ê hoặc tức) dùng cho sỏi thận và sỏi niệu quản trên. Huyệt Dương lăng tuyền (ngồi thẳng co gối, thõng chân xuống, huyệt ở chỗ lõm phía trước nơi thân nối với đầu trên xương mác) dùng cho sỏi niệu quản giữa và dưới. Huyệt Quan nguyên (là giao điểm của 3/5 trên và 2/5 dưới của đường nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu) và huyệt Trung cực (trên đường giữa bụng dưới rốn 4 thốn, trên điểm gữa bờ trên xương mu 1 thốn) dùng cho sỏi bàng quang. A thị huyệt bao gồm :
- Điểm ấn đau trong sỏi thận và sỏi niệu quản trên thường xuất hiện tại vùng phân bố của dây thần kinh tủy sống giữa đốt sống ngực thứ X và thắt lưng thứ I.
- Các điểm ấn đau trong sỏi niệu quản giữa và dưới thường xuất hiện tại vùng phân bố của các dây thần kinh tủy sống giữa đốt sống ngực thứ IX và thắt lưng thứ II.
- Các điểm ấn đau trong sỏi bàng quang thường xuất hiện ở vùng bụng dưới
- Đau quặn trong sỏi thận và sỏi niệu quản thường lan đến vùng thận, vùng bụng dưới và mặt trong đùi, nhưng trong sỏi bàng quang đau ở vùng hội âm.
- Những điểm hiện ra trên da của sỏi trên phim X quang cũng có thể chọn làm A thị huyệt.
* Thao tác : Những huyệt ở trên mức cột sống thắt lưng II được châm nghiêng 30-45 độ với kim hướng về phía cột sống, sâu từ 1-1,2 thốn, thực hiện thao tác vê kim. Những huyệt ở dưới mức cột sống thắt lưng II được châm thẳng góc với thao tác nâng, đẩy và cọ kim, sâu từ 1-2 thốn. Những huyệt ở vùng bụng nên châm thẳng góc cho đến phúc mạc kèm thao tác nâng, đẩy và cọ chậm rãi. Châ. Châm huyệt Dương lăng tuyền và Túc tam lý sâu 1,5-2 thốn kém theo thao tác nâng, đẩy và vê kim.
Phương pháp châm trong cơn đau quặn thận tương tự như với cơn đau quặn mật. Thao tác được thực hiện trong 10-20 phút, lưu kim 30-60 phút, mỗi ngày châm một lần, 7 ngày là một liệu trình, giữa hai liệu trình nghỉ 2 ngày.
Ở Trung Quốc, phương pháp dùng châm cứu trị liệu sỏi tiết niệu được sử dụng khá rộng rãi và cho hiệu quả rất đáng chú ý. Một nghiên cứu tại bệnh viện Quân đội Trung Quốc 31 tiến hành điều trị trên 100 bệnh nhân bị sỏi tiết niệu bằng phương pháp điện châm cho kết quả 75 trường hợp sỏi bị tống ra ngoài và 17 trường hợp sỏi di chuyển xuống dưới. Một nghiên cứu khác ở Giang Tây dùng phương pháp điểm huyệt chữa khỏi cho 13 trường hợp , sỏi bị đẩy ra ngoài nhanh nhất là 6 giờ và chậm nhất là 18 giờ. Các tác giả nhận thấy, từ 10-30 phút sau khi châm cơn đau quặn thận có thể nặng lên do sự di chuyển của viên sỏi, nên kiên trì tác động thì viên sỏi có thể bị tống ra ngoài.