Vượt qua 300km đường đến Cao Bằng và 180km đến trung tâm huyện Bảo Lạc, xe khật khừ lăn từng mét trên con đường độc đạo lầy sống trâu men theo lưng chừng núi dẫn vào xã Cốc Pàng (nghĩa tiếng Tày là Gốc Bưởi). Và sương, chao ôi là sương dập dìu đưa chúng tôi vào một miền xuân phơi phới nơi biên viễn. Trắng trời hoa sở, nồng ấm cúc quỳ, ngan ngát tím bạc hà dại và hằng hà sa số những loài hoa không tên dập dìu gọi ong bướm vào xuân.
Xuân lạnh và tình người nồng ấm
Khi chúng tôi đến Cốc Pàng, cái giá rét của những ngày đầu xuân vẫn còn ngự trị, bầu trời xám và sũng nước. Nhưng kỳ lạ là càng rét thì sắc hoa nơi đây càng thắm trên thảm lá xanh rời rợi. Một cuộc sống mới đến ngỡ ngàng đang hiển hiện ở nơi “đầu sông ngọn suối” này bởi cách nay đây chưa lâu, người ta nhắc đến hai xã Đức Hạnh và Cốc Pàng là ngụ ý ám chỉ sự gian nan, khổ ải. Nhân dân các dân tộc Nùng, Mông, Lô Lô, Sán Chỉ... sống phiêu dạt nơi đầu rừng xó núi, cây ngô xơ xác, con lợn, con gà còm cõi, bệnh dịch hoành hành. Vào mùa mưa, con đường độc đạo dẫn vào xã “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cả tháng trời. Mùa khô thì hanh hao và thiếu nước trầm trọng khiến việc canh tác lương thực, hoa màu gặp rất nhiều khó khăn. Núi Chín Chín Cua cao 1.130m lừng lững ngang trời, sông Nho Quế uốn khúc như con trăn rừng qua lèn đá, thung sâu rồi đổ sang cao nguyên Mèo Vạc của Hà Giang. Ba bề bốn bên chỉ thấy vực sâu hun hút, vách đá dựng rợp mắt nhìn. Những làng bản vốn đã cô quạnh lại càng nhỏ nhoi như một chấm mờ mờ giữa mênh mang núi.
Tại các bản nhỏ, phụ nữ Mông khâu váy áo cho trẻ con chuẩn bị đón Tết.
Trên đường xuống bản, Trung tá Quan Văn Hùng, vốn từng là cán bộ vận động quần chúng của Cốc Pàng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hồi giáp Tết năm 2002, đỉnh Chín Chín Cua tuyết phủ trắng xóa. Mười sáu hộ dân tộc Mông mới di cư đến đỉnh núi Lũng Cò cao chót vót đã có người chết vì giá rét, bà con không ai có áo ấm, củi đốt lò cũng đã cạn. Chính anh đã lặn lội mấy chục cây số đường rừng về đến đồn, rưng rưng không thành tiếng: “Trên Lũng Cò không ai đủ ấm, bọn trẻ đứa nào cũng tím tái vì lạnh. Bà con đang chuẩn bị kéo nhau vào hang tránh rét”. Nhìn cán bộ của mình vừa nói vừa khóc, trên tóc còn dính bông tuyết chưa kịp tan, Ban Chỉ huy đồn lặng lẽ cởi chiếc áo bông trấn thủ đang mặc trên người trao cho Hùng. Biết tin Ban Chỉ huy đồn góp áo ấm ủng hộ đồng bào, các chiến sĩ ai nấy đều lần giở ba lô tìm áo mang lên xin được đóng góp. Những chiếc áo còn nồng mùi mồ hôi lính nhanh chóng được chuyển lên đỉnh Lũng Cò. Trưởng bản Sần Mỳ Sếnh ôm lấy Đại úy Quan Văn Hùng mà rưng rức như trẻ nhỏ. Khóc vì chẳng biết nói gì. Những chiếc áo ấm tình quân dân cá nước đã làm tan đi tuyết lạnh ngày đông.
Rồi chuyện những ngày đầu xuân năm 2013, cả Cốc Pàng xuất hiện mưa đá, gió lốc. Ngay lập tức, Ban Chỉ huy đồn đã tăng cường lực lượng xuống các bản cùng ăn, cùng ở, cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ riêng xóm Nà Mìa, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã huy động hơn 150 ngày công giúp dân lợp lại mái nhà, chằng chống nhà cửa. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã phát động cán bộ chiến sĩ ủng hộ để gửi tặng bà con 1.000 tấm lợp, 100 bộ quần áo. Kể từ đó, đồng bào hết lòng tin yêu bộ đội, tự giác đoàn kết chung tay bảo vệ đường biên cột mốc. Cán bộ biên phòng thỉnh thoảng lại được bà con cất công vào tận đồn mời lên bản dự lễ mừng cơm mới, lễ đầy tháng con và xin cho đứa bé được làm con nuôi bộ đội. Các đồng chí trong Ban Chỉ huy đồn thì có thêm vai trò mới là làm “quan lang” trong các đám hỏi vợ cho trai bản.
Tin ở biên cương
Những ngày tháng khó khăn đó đã lùi xa, đồng bào đã có cái ăn cái mặc, đã mua được nhiều trâu, mua được tivi, xe máy, đã biết quý đất, quý rừng và gắn bó với mảnh đất biên cương Tổ quốc. Nhiều hộ đồng bào dân tộc đã xây sửa được nhà và cho con em đi học. Bà con nơi đây giờ là chủ nhân của hàng trăm héc-ta hồi đã được thu hoạch để chiết xuất lấy tinh dầu bán sang nước bạn, cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ông Sần Văn Nần, trưởng xóm Nà Nhùng nói tiếng Kinh như nhặt thóc: “Mừng lắm cán bộ à. Cái chữ Bác Hồ đã đến với trẻ em người Mông, con bò của Nhà nước cũng ham ăn cỏ, chóng lớn lắm. Người Cốc Pàng chỉ mong năm mới nương ngô cho nhiều bắp, dày hạt, cây hồi sai hoa, đậu quả. Cái bụng nghe đã biết no, cái lưng nghe đã thấy ấm rồi”.
Thiếu nữ dân tộc vui đón Xuân.
Từ Cốc Pàng, chúng tôi vượt núi sang xã Đức Hạnh - một trong hai xã biên giới do đồn biên phòng Cốc Pàng quản lý. Đường rừng gần lại bởi hoa xuân và dọc đường luôn thấp thoáng đâu đó trong dáng núi có màu áo hoa của những cô gái Mông, Lô Lô đi làm cỏ lúa. Hương quế, hương hồi nồng nàn lẩn trong nếp áo. Xe lên đến trung tâm xã đã thấy bà con xúng xính váy áo đứng chờ cán bộ đến thu hình buổi tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia trên đất liền. Gặp rồi, thấy rồi mới biết, đường biên giới trong lòng dân còn vững chắc hơn bất cứ loại vật liệu, ranh giới hữu hình nào.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Hạnh, Lê Bá Hùng hồn hậu tiếp chúng tôi tại phòng làm việc. Anh khẳng định, nhờ có các công trình dân sinh do Chính phủ đầu tư nên đời sống của người dân hai xã Đức Hạnh và Cốc Pàng đã khởi sắc thêm nhiều. Các hoạt động giúp dân chuyển dịch cây trồng, trồng ngô lai trên đất dốc, trồng cỏ voi chăn bò, phát triển cây hồi, đàn bò, đàn dê... đã trở thành mô hình kiểu mẫu trong việc giúp dân giảm đói nghèo. Những năm gần đây, hai xã đã bồi dưỡng được hơn 200 quần chúng ưu tú là người các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Lô Lô, Sán Chỉ... để kết nạp Đảng. Các thôn bản tại hai xã đều đã xóa được vấn đề “trắng” đảng viên, Đảng bộ xã nhiều năm liền được công nhận là “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”.
Nghe danh dốc Chín mươi chín cua nối Cốc Pàng - Đức Hạnh nổi tiếng chênh vênh, hun hút dốc, nên tôi mạnh dạn xin đi. Xe máy phóng ràn rạt qua rừng sở, rừng hồi đang mùa hoa, mùi tinh dầu ngái thơm quẩn theo bước chân người. Từ chân dốc nhìn lên, chỉ thấy đá núi và mây trời giăng lối. Trời đã gần trưa mà đỉnh Lũng Cò vẫn chìm trong mây. Mới chỉ lên đến cua thứ nhất, đã thấy lòng nghèn nghẹn. Không phải vì đầu gối mỏi muốn rụng rời hay gót chân phồng rộp mà vì thực sự cảm nhận được những gian truân mà quân dân Cốc Pàng phải trải qua để giữ gìn từng tấc đất cho Tổ quốc. Mới thấy để xây dựng và phát triển một vùng biên cương khuất nẻo này còn nhiều thử thách với con người. Sẽ còn rất nhiều mồ hôi, công sức phải đổ xuống đất này để nhân dân các dân tộc nơi đây có cuộc sống đủ đầy.
Nhưng mùa xuân vẫn đang theo sương về. Và đồng bào cũng đã xong vụ hoa hồi tất bật để thong thả đón Tết. Đồng bào Mông sẽ vui với trái còn và tục “vỗ mông” cầu may, người Lô Lô ngày đầu năm sẽ lại rủ nhau đi “ăn trộm” lấy lộc xuân và các gia đình người Nùng sẽ ra vườn cuốc đất trồng ngô ngày mùng 1, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà, lợn đầy chuồng, mọi người mạnh khỏe, bình an vô sự...