Chậm ban hành văn bản, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích công dân, tổ chức

20-09-2013 22:27 | Thời sự
google news

Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội,

Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, trong số 46 luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định chi tiết 363 nội dung, phải ban hành 273 văn bản.

Trong đó có 275 nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 35 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành (tính đến hết tháng 7/2013) và 88 nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, đến nay đối với 35 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ mới ban hành được 76/228 văn bản quy định chi tiết, còn 152/228 văn bản chưa được ban hành; đối với 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực mà trong đó có những văn bản sẽ có hiệu lực từ 1/10/2013 thì mới có 1/45 văn bản quy định chi tiết đã được ban hành. Như vậy, so với tổng số văn bản cần quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thì tính đến thời điểm này mới có 76/228 văn bản (chiếm 33,3%) được ban hành còn 152/228 văn bản (chiếm 66,7%) chưa được ban hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi.

Việc này không chỉ vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lỹ nhà nước. Đây là vấn đề cần được xem xét một cách toàn diện, nghiêm túc để sớm tìm ra giải pháp khắc phục”.

Trước đó, trong phiên thảo luận về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí diễn ra chiều ngày 19/9, các thành viên của UBTVQH cũng đã bày tỏ nhiều bức xúc về các vấn đề lãng phí tài nguyên, chi tiêu công sai tiêu chuẩn...

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Không phủ nhận sự điều hành, cố gắng chỉ đạo thực hiện Luật Tiết kiệm, phòng chống lãng phí; tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp thu các ý kiến để tăng cường chỉ đạo. Phải chỉ ra nguyên nhân khi năm nào cũng nói đến tình trạng lãng phí triền miên là do đâu. Do quản lý, thủ tục hành chính, trình độ hay sự nhũng nhiễu của cán bộ. Lãng phí đất đai ở đâu cần có phụ lục, chỉ ra các địa chỉ, ngành nào, cấp nào địa phương nào.
TS-CT

Ý kiến của bạn