Hà Nội

Chải răng đúng cách phòng sâu răng

05-01-2015 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Sâu răng là bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hậu quả là sâu răng dẫn đến viêm tủy răng, tủy chết, viêm quanh cuống răng, áp-xe quanh cuống răng

Sâu răng là bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hậu quả là sâu răng dẫn đến viêm tủy răng, tủy chết, viêm quanh cuống răng, áp-xe quanh cuống răng, sâu răng có thể làm vỡ răng, giảm thẩm mỹ, gây hôi miệng, ảnh hưởng đến giao tiếp. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn chặn được tình trạng trên.

Sâu răng là tổn thương tổ chức cứng của răng bao gồm men răng, ngà răng và xương răng. Nguyên nhân chính gây ra sâu răng là các vi khuẩn gây bệnh sâu răng tồn tại và bám trên bề mặt răng nhờ lớp mảng bám răng. Đường trong thức ăn và đồ uống, vi khuẩn sử dụng đường để tạo thành và phát triển của các mảng bám răng chúng tiêu hoá đường để tạo axit, ăn mòn dần các chất vô cơ ở men răng và ngà răng. Thời gian vi khuẩn và đường tồn tại trong miệng: vi khuẩn luôn tồn tại từ 20 phút đến khoảng 1 giờ trong miệng sau khi ăn, tùy thuộc vào hình thức chế biến đặc, lỏng hay loãng.

Cần chải răng đúng cách để phòng sâu răng.

Bình thường bệnh sâu răng diễn biến chậm, giai đoạn đầu bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng. Có thể chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu trên mặt nhai hoặc ở kẽ giữa hai răng. Do đó mọi người thường không nhận thấy. Khi lỗ sâu răng còn nông thì không đau. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng thì mới thấy đau với mức độ nhẹ. Răng bị sâu sẽ ê buốt khi có kích thích nóng lạnh, chua ngọt, khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm, bệnh nhân bị đau tủy răng từng cơn. Nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ diễn tiến nặng hơn. Viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây ápxe răng. Nếu là trẻ em thì nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn. Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng lan các vùng khác của mặt.

Để phòng sâu răng, không nên ăn vặt, nhất là thức ăn có đường; tăng cường thức ăn có nhiều chất xơ như rau, táo, cam... Cần tăng cường chất lượng tổ chức cứng của răng bằng cách: Người mẹ mang thai ăn uống tốt, nhất là cung cấp đủ canxi và vitamin; trẻ em cần chống còi xương, suy dinh dưỡng vì điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của răng.

Chải răng mỗi ngày 2 lần nhất là sau bữa ăn sáng và trước khi đi ngủ, dùng kem đánh răng có fluorid. Chải răng đúng cách là việc quan trọng để làm sạch toàn bộ các răng dùng bàn chải lông mềm, chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai, trên và dưới. Nên cầm bàn chải quay 45 độ về phía lợi, chải kỹ rìa lợi và cổ răng.

Không nên đánh răng ngay sau khi ăn và uống nước trái cây. Lúc này lớp men răng sẽ mềm hơn dưới tác dụng của axit hữu cơ trong rau và trái cây, bàn chải sẽ làm mài mòn men răng vì thế nên đợi khoảng 30 phút, nước bọt sẽ phục hồi và cân bằng chất khoáng của răng rồi hãy làm sạch chúng bằng bàn chải.

Đối với các kẽ răng có giắt thức ăn mà bàn chải không chải hết được có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Những người bị tụt lợi dẫn đến hở cổ, chân răng nhiều và thưa răng cần dùng thêm bàn chải kẽ răng để làm sạch mặt tiếp giáp giữa các răng. Những răng mọc lệch lạc cần được chỉnh cho đúng vị trí vì răng mọc lệch bị bám thức ăn nhiều hơn làm tăng nguy cơ sâu răng. Khám răng định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện răng sâu và chữa kịp thời.

Bác sĩ Hà Huy Thành

 

 

 


Ý kiến của bạn