Chai nước giải khát có ruồi và cách hành xử của Tân Hiệp Phát

06-02-2015 11:51 | Thời sự
google news

Vụ việc chai nước ngọt có ruồi đã ngày càng trở thành đề tài “nóng”.

Sự vụ bắt đầu từ việc anh Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) phát hiện bên trong chai nước Number one của Công ty Tân Hiệp Phát có một con ruồi đã gọi điện yêu cầu công ty này “chuộc lại” với giá 500 triệu đồng.

Trong lúc Minh hẹn gặp đại điện của Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê và đang nhận tiền thì bị các trinh sát hình sự Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Tiền Giang bắt quả tang.

Việc anh Minh đòi 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát hiện có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là quan hệ dân sự.

Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) khẳng định: “Đòi tiền thấp hay cao không quan trọng, nếu gọi là thương lượng thì đó là thỏa thuận dân sự. Phía công ty có quyền đáp ứng hoặc không đáp ứng yêu cầu này. Nếu cả 2 không thỏa mãn thì có thể khiếu nại lên cơ quan chức năng hoặc tòa án phân xử đúng sai”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hành vi này có dấu hiệu hình sự.

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM phân tích: “Về góc độ pháp lý, tôi khẳng định hành vi của anh Minh là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Điều 135 BLHS (tội cưỡng đoạt tài sản) quy định người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù… Ở đây anh Minh có hành vi vi phạm thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần buộc người bị hại phải giao tiền. Cụ thể là đã thông báo với phía công ty là nếu không dùng tiền để mua sự im lặng thì anh ta sẽ tung tin cho báo chí và tìm mọi cách truyền tin cho xã hội biết…

Câu hỏi nhiều người đặt ra là trong trường hợp đúng là có lỗi của công ty thì anh Minh làm gì cho phù hợp? Tôi nghĩ cách ứng xử đúng là anh trực tiếp phản ánh đến công ty hoặc báo cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ người tiêu dùng và giao lại mẫu sản phẩm cho họ. Từ đó công ty sẽ rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất để đảm bảo đúng chất lượng và anh Minh cũng đạt được mục đích là bảo vệ người tiêu dùng và chính mình. Anh Minh có quyền yêu cầu công ty chấn chỉnh sai sót của họ chứ không thể ra giá như trên…”.

Về vấn đề này,  nhiều quan điểm cho rằng việc thỏa thuận với người bị thiệt hại đưa tiền rồi báo công an của Công ty Tân Hiệp Phát dù đúng hay sai theo pháp luật cũng là điều khó chấp nhận nếu nhìn từ phạm trù đạo đức.

Phải chăng vấn đề không nằm ở việc người tiêu dùng đòi hỏi bao nhiêu tiền khi mua phải sản phẩm sai hỏng, lỗi. Mà nó nằm ở cách hành xử giữa con người với con người.

Theo thông tin từ báo chí, không phải ngã giá 500 triệu đồng mới bị bắt mà chỉ dưới 50 triệu đồng, công ty này đã có hành xử tương tự. Cách đây chưa lâu, tháng 6/2012, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội (C45B) Bộ Công an đã bắt quả tang Trần Quốc Tuấn (ngụ tại Bình Thạnh) đang nhận 50 triệu đồng của Công ty sản xuất nước ngọt (trụ sở tại Bình Dương) liên quan đến vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong.

Theo báo cáo của cơ quan điều tra, đối tượng Tuấn đã phát hiện một chai trà xanh có gián bên trong nên gọi điện thoại đến nơi sản xuất ra chai để phản ánh và ngỏ ý “đổi” chai nước này nếu phía công ty chi ra 50 triệu đồng.

Hai bên ký vào bản cam kết “mua sự im lặng” của Tuấn và phía Công ty thu hồi lại chai nước. Khi hai bên đang trao đổi tiền và vật chứng tại quán cà phê ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) thì bị các trinh sát bắt giữ. Đến ngày 16/6, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với anh Tuấn về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trước đó tháng 12/2011, tờ Công an TP.HCM đưa tin Công ty này cũng từng bị khách hàng yêu cầu bồi thường 49 triệu đồng cho 5 chai nước ngọt của công ty do khách cho rằng sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên khi đang nhận tiền của Công ty thì Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP Biên Hòa ập vào bắt giữ.

Vậy là sơ bộ, theo thông tin từ báo chí có tới 3 trường hợp người tiêu dùng “xài” phải nước ngọt có gián, ruồi vướng vào vòng lao lý, tù tội…

Phải chăng đây là cách hành xử “truyền thống” với người tiêu dùng của một số doanh nghiệp? Người tiêu dùng là thượng đế, người trả tiền để công ty tồn tại. Vậy tại sao, lại bị hành xử như vậy?

Cũng theo luật sư Hoàng Cao Sang, thông thường, khi đã chấp nhận thỏa thuận đưa tiền cho người tiêu dùng (nhất là người tiêu dùng không hiểu biết pháp luật) rồi báo công an bắt thì rất có thể được hiểu là hành vi đánh bẫy. Trong văn hóa ứng xử, đánh bẫy là hành vi của những người không có lương tâm, lương tâm không sạch sẽ.

Chai nước ngọt có gián, ruồi chỉ thể hiện quy trình sản xuất có vấn đề. Người tiêu dùng chỉ cần quay lưng lại, không mua sản phẩm đó nữa, còn lương tâm không trong sáng, không sạch sẽ thì… ruồi bay qua cũng có thể chết

 

 

 


Ý kiến của bạn