Trẻ tăng độ cận gấp đôi sau gần 1 năm học online
Đưa con trai học lớp 3 đi khám mắt trước khi con được quay trở lại trường học vì dịch bệnh, chị Hà Lê (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi giật mình khi bác sĩ cho biết độ cận của con tăng gấp đôi, lên 4 đi-ốp chỉ sau một năm con học online, thường xuyên gắn bó với Ipad.
Theo lời kể của chị Lê, con trai chị phát hiện bị cận thị từ năm lớp 1. Sợ con tăng độ cận nhanh nên chị con uống đủ loại thuốc, suốt ngày quát tháo không cho con xem tivi, điện thoại nhiều… Tuy nhiên, sau gần một năm học online liên tục, chị thấy mắt con có hiện tượng kém hơn, hay nhìn nhầm, viết thường bị lệch dòng, không đủ ô ly theo cô hướng dẫn… mặc dù con nói " vẫn nhìn rõ" nên cho đi khám.
Một trường hợp khác là bé gái Phương H. (9 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) chỉ cận gần 2,75 độ ở mắt phải và 3,5 độ ở mắt trái nhưng cách đây ít ngày, khi đưa con đi khám mắt, gia đình giật mình khi bác sĩ thông báo kết quả chụp tật khúc xạ của con đã tăng lên 6,5 độ mắt phải và 7 độ mắt trái.
Mẹ bé H. cho biết con bị cận thị ngay khi học lớp 1, từ đó đến nay gia đình thường xuyên cho con đi khám mắt. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, do dịch COVID-19 nên việc kiểm tra mắt định kỳ cũng bị gián đoạn. "Đưa con đi khám mới biết độ cận của con tăng nhanh lại kèm thêm cả loạn thị, phải điều trị"- mẹ bé Phương H. kể.
ThS.BS Đinh Phương Thủy - Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô cho biết những trường hợp trẻ bị tăng độ cận nhiều sau một năm học online như trên không phải hiếm gặp.
Có những cháu trước chỉ cận ở mức độ nhẹ hoặc trung bình 3-4 đi-ốp, sau thời gian nghỉ dịch độ cân tăng gấp đôi lên 6-7 đi-ốp. Có trẻ 5-6 tuổi đã cận hơn 5 độ. Thông thường khi nhìn ở khoảng cách trên 6 m, mắt sẽ không phải điều tiết nhiều. Ngược lại, khi không đạt khoảng cách này, mắt buộc phải điều tiết nhiều hơn, kéo theo nguy cơ gây ra tật khúc xạ"- ThS.BS Đinh Phương Thủy chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ThS. BS Thuỷ cũng có nhiều trẻ phát sinh cận thị. Nhiều phụ huynh đưa con đến khám vì không hiểu sao con cứ nháy mắt liên tục, nhìn bình thường cũng nháy, hay nghiêng đầu… Lý do vì trẻ bị cận thị, mỏi mắt nhiều nên hay nháy mắt.
"Nguyên nhân khiến trẻ tăng độ cận nhiều là do thời gian qua trẻ phải học online liên tục trên máy tính, điện thoại... Trẻ gần như bị "nhốt" suốt trong nhà, cộng thêm tác động của môi trường khi ánh sáng không đủ, đặc biệt là tác động của ánh sáng xanh từ màn hình led của máy tính, điện thoại, tivi… Vì thế, số lượng trẻ mắc tật khúc xạ tăng lên, độ cận của trẻ tăng lên nhanh"- BS Thuỷ cho hay.
Chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo gì?
Để giảm tình trạng tăng độ cận của mắt, các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo khi trẻ phát hiện bị các vấn đề về tật khúc xạ phải được theo dõi, điều trị ở những cơ sở chuyên khoa.
.BS Trần Ngọc Hưng, Trưởng Khoa mắt, Bệnh viện Đông Đô cho hay, trên thực tế có nhiều trẻ bị cận thuh nhưng mắc thêm các bệnh lý về mắt trong khi nếu chỉ đo tật khúc xạ bằng máy và cắt kính tại các cửa hàng kính thì sẽ không phát hiện được.
Để giúp xác định các tật khúc xạ như: Cận thị, viễn thị, loạn thị… ngoài đo khúc xạ máy, thử thị lực, soi bóng đồng tử, thử kính được thực hiện bởi các cử nhân khúc xạ được đào tạo bài bản, trẻ cần được khám mắt tổng quát để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý và biến chứng hay đi kèm tật khúc xạ như lác, sụp mi.... Đa số các trường hợp cần phải nhỏ thuốc làm liệt điều tiết mắt để xác định một cách chính xác tật khúc xạ cũng như xác định chính xác mức độ tăng độ cận.
Theo bác sĩ, với trẻ đã bị cận thị, việc điều trị thông thường nhất là đeo kính, thời gian đeo kính khác nhau tùy thuộc vào độ cận của trẻ. Nếu cận dưới 1 độ, trẻ không cần thiết phải đeo kính cả ngày, chỉ đeo khi cần nhìn xa chẳng hạn như ngồi học trên lớp, xem tivi… Với trẻ cận từ 3 độ trở lên, cần phải đeo kính thường xuyên vì thị lực kém làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Về bản chất việc đeo kính không làm tăng độ cận của trẻ. Đeo kính không chuẩn dẫn đến nhiều vấn đề như quá độ gây mỏi vì mắt điều tiết nhiều, thiếu độ khiến thị lực trẻ không đạt được mức độ tối ưu, không đáp ứng trong sinh hoạt. Việc kiểm soát tăng số nhanh gọi là kiểm soát tiến triển cận thị rất quan trọng để phòng tránh các biến chứng của cận thị cao như: Bong và rách võng mạc, tân mạch cận thị làm giảm và mất thị lực không hồi phục.
Để hạn chế tăng độ cận, đơn giản nhất là điều chỉnh sinh hoạt, hạn chế các sinh hoạt nhìn gần như điện thoại, máy tính, tivi… Nếu vẫn phải học trên máy tính, trẻ cần có khoảng nghỉ xen kẽ.
Để dễ nhớ, cha mẹ có thể nhắc con tuân theo quy tắc 20-20-20. Nghĩa là sau khi nhìn gần trong 20 phút, trẻ nên nhìn ra xa 20 feet - tương khoảng 6m trong vòng 20 giây. Đơn giản nhất là sau khoảng 30-45 phút học, trẻ nên cho mắt nghỉ ngơi, nhìn ra xa 3-5 phút. Điều này giúp nhãn cầu không phải điều tiết quá liên tục. Bên cạnh đó có thể tra thuốc nhỏ mắt, đeo kính áp tròng cứng vào ban đêm…