Việc tăng cường sức đề kháng của cơ thể là khả năng để phòng vệ và chống lại các tác nhân xâm nhập vào cơ thể gây bệnh, nhất là trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch còn non yếu.
Đối với trẻ nhỏ, ngay từ khi ở trong bụng mẹ đã có một sức đề kháng nhất định giúp chống lại các tác nhân bất lợi. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, khi tiếp xúc với một môi trường sống mới rất dễ bị bệnh, nhất là các bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Ngoài ra, ở giai đoạn trẻ mọc răng, nếu bị mắc bệnh sẽ dẫn đến trẻ lười ăn, suy dinh dưỡng, còi xương… sẽ là một vòng xoáy, lặp đi lặp lại. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì vậy, việc tăng sức đề kháng cho trẻ là một việc làm thiết yếu, điều này tạo điều kiện cho trẻ có thể phát triển một cách tốt nhất, hạn chế mắc bệnh tối đa, nhất là trong mùa dịch COVID-19. Sau đây là những điều cha mẹ cần làm để tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ giúp khỏe mạnh và chống chọi với các tác nhân gây bệnh
Cho trẻ bú sữa mẹ để tăng miễn dịch
Mỗi giai đoạn trẻ cần có cách chăm sóc riêng. Đối với các bé sơ sinh, cần cho bé bú thật nhiều sữa mẹ, vì trong sữa mẹ chứa một nguồn kháng thể dồi dào, giúp bé có thể tránh được nhiều loại bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng: Sữa mẹ có thể ngăn ngừa dị ứng và bệnh tật, bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn, virus gây hại, hỗ trợ hệ thống miễn dịch chưa phát triển của trẻ sơ sinh… Những dưỡng chất trong sữa mẹ có thể bảo vệ chống lại sự nhiễm trùng và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ hiệu quả.
Chính vì vậy, theo khuyến cáo cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài thời gian đến 24 tháng. Điều này có thể giúp trẻ tăng sức đề kháng một cách tốt nhất.
Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ
Đối với các trẻ lớn hơn: Cần có chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi, như ăn cháo, bột, phở, bún, cơm nát… nhưng cần đảm bảo bữa ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm. Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như: thịt bò, các loại ngũ cốc, tôm, cua, gan động vật...
Bữa ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm giúp trẻ tăng sức đề kháng.
Cần bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều Vitamin C, E, giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ. Các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám, sữa chua… cũng giúp tăng sức đề kháng cho trẻ.
Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh... là những nguồn rất giàu vitamin C. Cho trẻ uống thêm các loại nước ép khác, cũng sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch.
Ngoài ra, cần cho trẻ uống đủ nước.
Đảm bảo cho trẻ môi trường sống tốt
Để loại trừ mầm bệnh ra khỏi môi trường sống của trẻ, giúp trẻ tăng sức đề kháng, chúng ta cần giữ môi trường sạch sẽ, bằng cách vệ sinh thông thoáng, mở cửa sổ vào ban ngày để đón gió trong lành và nắng ấm cho trẻ.
Tăng cường cho bé ăn trái cây giúp tăng sức đề kháng.
Tuyệt đối không hút thuốc lá để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm khói thuốc, sẽ gây hại đến sức đề kháng của trẻ.
Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Thường xuyên cho trẻ vận động cơ thể, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho bé đạp xe, đá bóng… sẽ giúp trẻ ăn được nhiều hơn, năng động, hòa đồng và nhất là tăng cường kháng thể tự nhiên hiệu quả. Cho trẻ tắm nắng để hấp thụ vitamin D...Nếu mùa dịch cần chơi với trẻ trong nhà, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tham gia việc nhà để vận động được tốt hơn.
Bé cùng làm việc nhà cũng rất tốt trong hoạt động thể chất khi phải giãn cách trong mùa dịch.
Tập cho trẻ đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, vì giấc ngủ có tầm quan trọng rất lớn trong việc củng cố, cải thiện sức đề kháng của trẻ. Việc thiếu ngủ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn, do giảm các tế bào miễn dịch tự nhiên, khiến cho trẻ khó chịu, tinh thần không tỉnh táo.
Ngoài ra, các bạn nên dạy cho trẻ tập thói quen vệ sinh thân thể, tắm gội thường xuyên, đánh răng sạch sẽ… để phòng chống các vi khuẩn gây viêm nhiễm, khiến trẻ dễ bị mắc bệnh.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt khoa học, cha mẹ cần bảo vệ sức khoẻ của trẻ trong mùa dịch bằng cách cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Trẻ em mắc COVID-19 cần lưu ý đặc biệt gì khi chăm sóc