Cha mẹ mua thuốc trên mạng để chữa mụn cóc, bé 9 tuổi hoại tử ngón tay

12-03-2019 19:42 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Cho rằng mụn cóc không nguy hiểm và không phải là vấn đề sức khỏe quá lớn nên nhiều người thường chủ quan tự điều trị mụn cóc. Có người đắp lá, có trường hợp mua thuốc theo quảng cáo trên mạng.

Mới đây một em bé 6 tuổi trú tại Tp. Vinh, Nghệ An đã bị hoại tử ngón tay vì tự mua thuốc trên mạng chữa bệnh mụn cóc.

Theo đó, các bác sĩ BV Sản Nhi Nghệ An cho hay, ngày 5/3 , khoa Chấn Thương Chỉnh Hình - Bỏng , bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhi  Nguyễn Q. T nhập viện trong tình trạng hoại tử đốt 3 ngón 5 tay phải.

Qua thăm khám, phát hiện 3 đốt ngón tay của bệnh nhi đã hoại tử. Nhận thấy diễn biến tình trạng của bệnh nhi, các bác sĩ đã nhanh chóng quyết định phẫu thuật cắt lọc hoại tử. Điều trị vết thương, băng bột và chăm sóc tại chỗ.

Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, bé bị mụn cóc ở tay mới đầu là chấm nhỏ sau to dần lên, thấy trên mạng có đăng bán loại thuốc trị mụn cóc hiệu quả nên đã mua về và dùng co cháu.

Theo Tiến sĩ .Bác sĩ CKII Thái Văn Bình, Trưởng Khoa Chấn thương – Chỉnh hình – Bỏng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mụn cóc là bệnh không nguy hiểm nên nhiều người chủ quan và sử dụng các phương  pháp dân gian tự chữa tại nhà. Sai lầm này khiến bệnh nhẹ trở nên nghiêm trọng.

Theo bác sĩ Bình, để điều trị mụn cóc, có thể sử dụng dung dịch axit Salicylic và Lactic( Duofilm, Collomack), chấm nitơ lỏng, đốt điện, tiểu phẩu... Tuy nhiên tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được bác sĩ khám và tư vấn cách điều trị hợp lý.

Ngón tay bị hoại tử do dùng thuốc mua trên mạng

Về các biện pháp dân gian để trị mụn cóc, Tiến sĩ Bình cho biết, cho đến nay chưa có cơ sở khoa học cho các phương pháp đó. Người bị mụn cóc cũng không được tự ý can thiệp vào nốt mụn như dùng dao lam rạch, kim châm,... bởi rất dễ gây nhiễm trùng.

Cũng theo các bác sĩ, mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virus HPV (Human Papilloma Virus). HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Mụn cóc có thể phát triển trong nhiều tháng mới nhìn thấy được.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc phải ở trẻ em cao hơn vì trẻ hiếu động và thường xuyên làm trầy sướt chân tay, hay đi chân không, cắn móng tay, nghịch đất cát, lê la dưới đất... Virus HPV thường sống ở những nơi ấm - ẩm nên việc đi chân đất ở những nơi này sẽ dễ bị mụn cóc bàn chân hơn. Làm móng, cắt khoé móng chân, tay… cũng là nguyên nhân thường gây mụn cóc ở người lớn (nhất là phụ nữ)…


Thiên Đức
Ý kiến của bạn