Cha mẹ lơ là, bé trai 2 tuổi bị kéo cắm ngập vào tai

21-06-2017 14:26 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Đang dọn dẹp ở ngoài, bỗng thấy lũ trẻ gọi thất thanh, chị Mai (Nam Định) vội chạy vào nhà thì nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng: Chiếc kéo hoen gỉ đã đâm sâu vào tai con trai của mình khiến cháu khóc thét.

Gia đình vội đưa con đi cấp cứu ở BV địa phương, sau đó được chuyển thẳng lên Khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương ngày 20/6/2017.

ThS.BS Trần Hữu Thắng, Phụ trách Khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng quấy khóc, dị vật là chiếc kéo đâm vào bên tai trái, chảy máu ít ở vùng cửa tai.

Hình ảnh chiếc kéo đâm vào tai trẻ.

Qua thăm khám, các bác sĩ không thấy liệt mặt. Kết quả phim chụp X-quang cho thấy hình ảnh dị vật là mũi kéo đâm sâu vào vùng xương chũm khoảng hơn 3cm. Tuy nhiên điều may mắn là không thấy có tổn thương ở dây thần kinh số 7 và mê nhĩ. Các bác sĩ trực cấp cứu quyết định gây mê nội khí quản, sau đó rút dị vật ra.

Theo ThS. Thắng, sau khi rút chiếc kéo ra và hút sạch máu đi thì thấy tổn thương da của ống tai ngoài nhưng điều may mắn nữa là các bác sĩ nhìn thấy màng nhĩ của cháu vẫn còn nguyên. Mũi kéo to lại đâm chéo nên toàn bộ phần tai giữa, tai trong, màng nhĩ bệnh nhi vẫn còn, không ảnh hưởng đến thính lực. Đây là tổn thương ống tai ngoài - phần sụn và một phần xương ống tai ngoài.

Hình ảnh chụp X-quang dị vật.

ThS. Thắng cho hay, trẻ cũng đã được tiêm thuốc chống uốn ván vì chiếc kéo đã hoen gỉ gây nguy cơ uốn ván rất cao. Hiện cháu bé đã tỉnh táo, chơi ngoan, vết thương không còn chảy máu. Các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi đề phòng sẹo hẹp ống tai.

Cha mẹ bất cẩn coi chừng hại con

Hiện đang là thời điểm nghỉ hè, đây cũng là lúc gia tăng các trường hợp trẻ gặp các tai nạn đáng tiếc. Một số tai nạn thương tích thường gặp trong mùa hè đó là đuối nước, té ngã, hóc dị vật, tai nạn bởi các vật sắc nhọn, đồ chơi...

Từ ca bệnh này, ThS. Thắng khuyến cáo, phụ huynh cần cẩn trọng khi trông nom trẻ, không cho trẻ chơi những đồ vật có kích thước nhỏ, sắc nhọn, đặc biệt là các loại đũa, kéo hay những loại pin nhỏ như pin, cúc áo, vì có thể gây tai nạn cho trẻ.

Theo các bác sĩ, điều quan trọng nhất trong các tai nạn thương tích trẻ em là công tác phòng chống đừng để những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Chính vì vậy, người trông trẻ nên đề cao cảnh giác tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra với con em mình. Bên cạnh đó, tạo môi trường sống an toàn, hạn chế tối đa những vật dụng sau trong tầm với của trẻ: Vật dụng có nhiều góc hoặc cạnh sắc nhọn. Những đồ vật nhỏ với kích cỡ có thể nuốt vào miệng được. Vật dụng dễ vỡ. Những vật dụng quá nóng, có nhiệt độ cao hoặc có thể gây phỏng. Những vật dụng gắn liền với dây điện.... Đồng thời, giáo dục cho trẻ nhận biết những đồ vật/ nơi nguy hiểm, luôn theo sát trong các hoạt động của trẻ....


Dương Hải
Ý kiến của bạn