Cha mẹ đừng quá khắt khe khi con không chào người lớn

25-09-2014 15:25 | Đời sống
google news

Nếu bé dưới 3 tuổi gặp người lớn không chào và hay nói bậy thì cha mẹ cũng đừng vì thế mà buồn. Đó là một trong những điều bác sĩ tâm lý Akehashi Daiji - tác giả cuốn “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản” chia sẻ.

Giai đoạn trẻ từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn trẻ cần được nuôi dưỡng cảm xúc, khẳng định bản thân và khẳng định cái tôi, vì vậy, đây cũng là giai đoạn bố mẹ Nhật dành cho con rất nhiều thời gian chất lượng.

Một điều mà bạn sẽ rất dễ gặp ở Nhật là hình ảnh những người mẹ dẫn con ra công viên cho bé chơi đùa và có khi là chơi cùng con. Ngày cuối tuần, các công viên luôn tràn ngập những nụ cười của các gia đình đưa con tới đây. Bạn sẽ nhìn thấy những ông bố tận tuỵ ngồi nghịch cát cùng con, giúp con bắt sâu, bắt ve, bắt bướm hay giúp con chơi lộn xà…

 1
Các em bé Nhật vui vẻ, hạnh phúc chơi trong công viên ngày cuối tuần. (Ảnh: The Japan Times)

Đó là những hình ảnh mà bạn có thể nhìn thấy trong hầu hết các công viên ở Nhật. Chơi với con là cách các ông bố chia sẻ vất vả với mẹ ngày cuối tuần, tăng tình yêu thương với con và đặc biệt là để hiểu tính nết, cảm xúc của con hơn, từ đó cùng với mẹ biết cách nuôi dưỡng cảm xúc cho con ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ.

Bác sĩ Akehashi Daiji (bác sĩ thần kinh và tâm lí trẻ, tác giả bộ sách “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản” được rất nhiều cha mẹ Nhật tìm đọc) có những lời khuyên dành cho cha mẹ để nuôi dưỡng cảm xúc cho con trong giai đoạn trẻ từ 0-3 tuổi như sau:

- Khẳng định cái tôi cá nhân (cảm nhận bản thân mình có một giá trị nhất định, riêng biệt) chính là cảm xúc cơ bản làm nền móng cho mọi hành vi và cảm xúc của con người, và nó rất cần được nuôi dưỡng trong giai đoạn 0-3 tuổi.

- Uốn nắn, dạy trẻ về quy tắc ứng xử hay phép tắc nơi công cộng, nếp sinh hoạt… phải thực sự từ 3-6 tuổi, thời điểm này trẻ mới đủ nhận thức để hiểu vì sao mình phải làm như vậy. Vì thế, nếu bé dưới 3 tuổi mà gặp người lớn không chào, hay nói bậy thì cha mẹ cũng đừng vội lo lắng, hãy tiếp nhận hành vi ấy của trẻ như là một sự trưởng thành. Thay vì nói sao con hư thế hãy đổi cách tiếp cận: “Ôi, từ này mẹ không dạy mà con cũng biết à”. Sau đó nhắc nhở con: “Nhưng mà từ này mình không nên nói con ạ…”.

Việc chào hỏi, hãy để trẻ nhìn cha mẹ rồi học tập cũng không muộn. Trẻ sẽ học theo những gì cha mẹ chúng làm bởi vì trẻ em chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ. Muốn dạy trẻ những phép tắc thì đầu tiên cha mẹ hãy làm rồi cho trẻ nhìn và bắt chước theo, tiếp đến hãy tạo ra một môi trường để trẻ có thể học được cách ứng xử và các phép tắc thay vì chỉ dùng lời nói để thuyết giáo trẻ.

 2
Cha mẹ Nhật luôn cùng con trải nghiệm để hiểu tính cách và cảm xúc của con hơn.

- Để nuôi dưỡng khẳng định cái tôi cá nhân cho trẻ không thể thiếu sự ôm ấp vỗ về và những cử chỉ yêu thương trong giai đoạn đầu đời.

- Tiếp đến hãy diễn đạt cảm xúc của trẻ bằng lời nói bởi vì trẻ ở giai đoạn này chưa biết cách dùng từ ngữ để diễn đạt cảm xúc của mình. Ví dụ khi con đang trải qua một cảm xúc nào đó, hãy dùng lời nói để diễn đạt và chia sẻ với con như “Con đau, con buồn, con đói, con muốn mẹ ôm... đúng không?”.

- Cha mẹ chăm sóc chu đáo cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày chính là một hành động nuôi dưỡng cảm xúc tin cậy vào cha mẹ, bởi vì thông qua những hành động chăm sóc ấy trẻ cảm nhận được rằng mình có giá trị tồn tại nhất định với cha mẹ, mình được cha mẹ yêu mến nên sẽ tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ.

- Khi trẻ muốn kể cho ba mẹ nghe chuyện gì thì dù bận đến mấy cũng hãy hướng ánh mắt đến con và hồi đáp lại câu chuyện “Ồ, thế à..” vì hành động ấy của cha mẹ khiến trẻ cảm nhận rằng “A, mình rất là quan trọng với cha mẹ”, trẻ sẽ tự tin với chính mình hơn.

- Hãy nói với con “Cảm ơn con” thật nhiều, mỗi khi trẻ làm gì đó giúp cha mẹ. Trẻ sẽ cảm nhận được mình có vai trò nhất định, giúp ích được cho cha mẹ, tự nhiên trẻ sẽ càng có hứng thú và động lực để làm việc hơn.

 

 


Ý kiến của bạn